Ngày 30.8 là hôm làm việc cuối cùng của người lao động trước dịp nghỉ lễ 2.9. Nhiều người quê ở miền Tây thường có thói quen đi xe gắn máy về quê trong đêm để tiết kiệm chi phí và di chuyển chủ động giờ giấc.
Tuy nhiên, theo ghi nhận vào chiều tối, trời đổ mưa khá lớn làm cho hành trình về nhà của mọi người trở nên khó khăn. Tình hình giao thông chiều qua diễn ra ùn ứ kéo dài khiến nhiều người mệt mỏi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ.
Ngồi trú mưa tại một trạm dừng chân ven quốc lộ 1A (đoạn qua xã Mỹ Đức Đông, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 31.8, Lý Hồng Nhâm (28 tuổi), quê ở H.Tri Tôn, tỉnh An Giang, đang làm việc tại Q.8, TP.HCM, với gương mặt mỏi mệt, quần áo còn ướt đẫm, nói: “Sau khi tan làm lúc 18 giờ ngày 30.8, mình trở về trọ để ăn uống rồi cùng chồng chuẩn bị hành lý để về quê. 21 giờ, tụi mình bắt đầu xuất phát. Tuy nhiên, vừa ra khỏi nhà là trời đổ mưa to, nhưng mình mặc áo mưa đi tiếp chứ đợi tạnh mưa không biết đến khi nào. Lễ này không uể oải do kẹt xe, tắc đường mà là vì mưa”.
Đinh Mạnh Tùng (28 tuổi), công nhân làm việc cho một công ty tại TP.HCM, quê ở H.Cái Bè, (tỉnh Tiền Giang) cho biết lễ Quốc khánh 2.9 được nghỉ 4 ngày, do quãng đường về nhà khá xa nên Tùng lựa chọn di chuyển trong đêm. Nhưng trời mưa to khiến cho chặng đường 120 km từ TP.HCM về quê thêm vất vả, Tùng phải dừng trú mưa 3 lần.
“Cha mẹ đi làm xa rất nhớ con ở quê nên vừa tan ca là vợ chồng mình đi về nhà liền”, Tùng nói.
Thời tiết đang trong mùa mưa, nhiều người cũng ưu tiên lựa chọn xe khách là phương tiện để di chuyển thuận lợi, đỡ mệt mỏi vào những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, mọi dự tính của họ đã bị “vỡ” vì nhiều lý do dở khóc dở cười.
Vừa kết thúc buổi học vào chiều 30.8, Nguyễn Quang Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã nhanh chóng trở về nhà trọ thu dọn hành lý rồi dự định đón xe để về quê ở tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”.
“Trời mưa to nên không thể ra trạm xe buýt, vì sợ trễ giờ nên mình đặt xe công nghệ đón tại nhà trọ. Nhưng vì mưa, cộng thêm giờ cao điểm, mình chờ khoảng 15 phút mới có tài xế nhận khách, giá tăng cao gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Quãng đường từ trọ đến trạm khoảng 14 km, ứng dụng xe công nghệ báo giá là 226.000 đồng, gần bằng vé xe về quê. Mặc dù biết giá cao nhưng mình cũng đành bấm bụng mà đi”, Quang Minh chia sẻ.
Đến bến, Minh phải chờ đợi gần 2 giờ đồng hồ mới được lên xe vì lượng khách tăng đột biến. “Đợt nào về quê vào dịp lễ cũng chờ xe mệt mỏi. Nhưng cũng không còn cách nào khác vì nếu đi xe gắn máy thì càng mệt mỏi hơn”, Minh nói.
Cùng cảnh ngộ, Nguyễn Hải Long (23 tuổi), ngụ tại hẻm 287 Bãi Sậy, Q.6, TP.HCM, cho biết dù 20 giờ mới lên xe nhưng từ 18 giờ tài xế đã yêu cầu Long phải có mặt tại nhà xe tại Q.Bình Tân để lấy vé, chờ đợi về quê ở Bạc Liêu. Tài xế xe trung chuyển không thể đón tận nơi, khách phải tự di chuyển ra văn phòng nhà xe vì tắc đường, trời mưa gió. Suốt khoảng 30 phút, Long không thể đặt xe ôm công nghệ bởi đường tắc, phí di chuyển quá cao nên phải nhờ bạn chung phòng trọ đưa ra bến xe.
Đến điểm tập trung, Long nhận thông báo chuyến 20 giờ lùi lại đến 23 giờ. Xung quanh Long rất nhiều khách đặt chuyến 19 giờ chưa được lên xe. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ chầu chực, Long mới được lên xe để về quê. Long cho biết ngày thường tốn gần 8 tiếng đồng hồ là về nhà, nhưng theo tình hình xe “delay” thế này thì không biết đến khi nào. “Thời gian đợi chờ chỉ biết lướt mạng xã hội hoặc chơi game giải trí chứ không đi chỗ khác được vì ngoài trời mưa to. Khi đó, mình an ủi rằng sắp được về với cha mẹ rồi nên chờ mấy cũng ráng”, Long chia sẻ.
Nói về việc khó đặt xe công nghệ vào chiều tối 30.8, anh Hoàng Dũng, tài xế của hãng Xanh SM, cho biết: “Trời mưa gió, giờ cao điểm kẹt xe, tắc đường, đa phần tài xế tắt ứng dụng, đợi hết mưa rồi bật lại. Chạy xe như thế rất cực. Các ứng dụng tăng giá gấp 2 - 3 lần khi khách đặt xe là điều hiển nhiên”.
Bình luận (0)