Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Kim Jong-un
01/03/2019 14:12 GMT+7
Đúng 15 giờ 30 chiều nay, 1.3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Lễ đón trọng thể Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Tự động phát
|
Tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un lần này là phái đoàn đông đảo các quan chức cấp cao. Trong đó, có 4 uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Triều Tiên, gồm: ông Kim Yong-chol, ông Ri Su-yong, ông Kim Pyong-hae và ông Oh Soo-yong.
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngoài ra, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ri Yong-ho; Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang nhân dân Noh Kwang-chol; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Choe Son-hui; và Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó trưởng ban thứ nhất Ban Tuyên truyền và cổ động T.Ư, cũng là em gái Chủ tịch Kim Jong-un, là bà Kim Yo-jong cũng có mặt trong chuyến công du lần này của Chủ tịch Kim Jong - un.
Đoàn công tác của Triều Tiên đến Việt Nam lần này còn có các thành viên của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Triều Tiên và Uỷ ban Quốc vụ của Triều Tiên.
|
Cũng chính vì Việt Nam là đất nước thứ 2 ông Kim Jong - un có chuyến thăm cấp Nhà nước kể từ khi nhậm chức đến nay, nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, và là lãnh tụ Triều Tiên thứ 2 đến Việt Nam sau 55 năm qua, tiếp sau cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nên sự kiện này được giới truyền thông trong nước và quốc tế đặc biệt chú ý. Dọc hành trình di chuyển của Chủ tịch Kim Jong-un tới Phủ Chủ tịch, khá đông người dân Việt Nam đứng hai bên đường cầm cờ hai nước vẫy chào Chủ tịch Triều Tiên niềm nở, thân thiện.
Trước khi lễ đón chính thức diễn ra vào 15 giờ 30 chiều nay cả tiếng đồng hồ, an ninh được thắt chặt tại hai đầu đường Lý Thường Kiệt, đoạn vào khách sạn Melia, nơi Chủ tịch Kim Jong-un cùng phái đoàn Triều Tiên lưu trú trong thời gian đến Việt Nam, cũng như các tuyến phố đoàn hộ tống Chủ tịch Triều Tiên di chuyển từ khách sạn này tới Phủ Chủ tịch. Cùng thời điểm, lực lượng an ninh tiếp tục công tác rà mìn quanh khu vực Phủ Chủ tịch. Tất cả phóng viên đều được yêu cầu ra ngoài khu vực Phủ Chủ tịch, di chuyển đến đường Hoàng Diệu.
|
|
|
Lễ đón chính thức Chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu bằng nghi thức thượng cờ. Sau đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng duyệt đội danh dự. Sau lễ đón chính thức, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Kim Jong-un đã bước vào hội đàm.
|
|
Theo lịch trình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm 2 ngày tới Việt Nam. Sau lễ đón chính thức, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ có hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tiếp đó, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trước khi dự tiệc chiêu đãi vào buổi tối.
|
Ngày mai (2.3), Chủ tịch Kim Jong-un sẽ viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi rời Việt Nam.
Quan hệ đặc biệt
Theo GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐHQGHN, Triều Tiên là nước thứ 3 trên thế giới có quan hệ với Việt Nam vào năm 1950 sau Trung Quốc và Liên Xô. Trong kháng chiến chống Mỹ, Triều Tiên cũng giúp chúng ta rất nhiều. Họ cử phi công, đào tạo cho ta nhiều du học sinh, tái thiết sau chiến tranh.
Tuy nhiên, từ những năm 80 tới nay, do những thay đổi trong bối cảnh quốc tế, tình hình giữa 2 nước, quan hệ giữa 2 nước không có bước tiến triển đặc biệt nào. Vì thế, chuyến thăm chính thức lần này của ông Kim Jong-un sau nhiều chục năm chưa có lãnh đạo cấp cao nào của Triều Tiên thăm Triều Tiên có thể mở ra một trang mới giữa 2 nước.
|
|
“Chính sách đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa, coi trọng các mối quan hệ bạn bè truyền thống mà quan hệ với Triều Tiên là một quan hệ đặc biệt như vậy. Trong khi đó, phía Triều Tiên có thể rất muốn tham khảo những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xử lý mối quan hệ với Mỹ cũng như kinh nghiệm đổi mới, cải cách và hội nhập”, GS Minh nói.
|
GS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, thì đánh giá kim ngạch thương mại Việt Nam -Triều Tiên hiện mới chỉ khoảng 14-15 triệu đô la, rất không đáng kể. Giao lưu chính trị cũng còn ít.
Nhắc lại mốc chuyến thăm cuối cùng của lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên là ông Kim Nhật Thành, ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un đến nay đã 55 năm, kể từ năm 1964, và chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Triều Tiên trong 55 năm qua, GS Huân cho rằng: “Chuyến thăm này là một mốc lịch sử, một đột phá khẩu để thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước sau một thời gian dài. Do đó, giá trị lớn nhất của chuyến thăm lần này là về mặt chính trị chứ có thể chưa phải là hợp tác về kinh tế. Nhưng chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un rõ ràng là bước thúc đẩy quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên trong thời gian tới".
Chiến lược phát triển “Song tiến”
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 6 - 9.5.2016), Triều Tiên tuyên bố tiếp tục kiên trì chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy tư tưởng Chủ thể làm tư tưởng chỉ đạo, lấy lý tưởng của Chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Jong-un và đường lối “Song tiến” của Chủ tịch Kim Jong-un làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đề ra Chiến lược phát triển mới (Song tiến) với 2 trọng tâm là phát triển kinh tế kết hợp tăng cường tiềm lực hạt nhân quốc gia với mục tiêu phấn đấu đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” tự lực, tự cường, lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy với một số chính sách kinh tế lớn.
|
Tại Hội nghị trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên (20.4.2018), Triều Tiên tuyên bố hoàn thành chính sách “Song tiến”, quyết định dừng hoạt động thử hạt nhân và tên lửa, xác định nhiệm vụ hiện nay là tập trung tổng lực xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.
|
Trong phát biểu đầu năm 2019, Chủ tịch Kim Jong-Un nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất trong xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa năm 2019 là phải nâng cao sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân; tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được đẩy nhanh tốc độ để thực hiện mục tiêu của chiến lược 5 năm phát triển kinh tế quốc gia.
Triều Tiên là nước thứ 3 đặt quan hệ Ngoại giao với Việt Nam từ ngày 31.1.1950 (sau Trung Quốc và Liên Xô cũ, cùng ngày với một số nước Đông Âu). Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai bên đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao (từ Bộ trưởng trở lên).
Các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam từng đến thăm Triều Tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh (8 - 12.7.1957), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6.1961), Tổng bí thư Lê Duẩn (1965), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (9.1988).
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành cũng đã có 2 lần năm Việt Nam (28.11 – 2.12.1958; tháng 11.1964) trên cương vị Thủ tướng.
Chuyến thăm gần đây nhất là của Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho (29.11-2.12.2018).
|
Bình luận (0)