Sáng 14.2 (tức mồng 7 tết Bính Thân), tại tỉnh Hà Nam diễn ra lễ hội Tịch điền khuyến khích người dân chăm lo nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an…
Tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày - Ảnh: Hoàng Long |
Lễ hội diễn ra trong các ngày từ 12 - 14.2 (tức từ 5 - 7 tháng Giêng năm Bính Thân 2016) bao gồm phần lễ và phần hội.
Theo lịch sử, vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì “Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ”. Từ đó, lễ Tịch điền được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp và được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.
Dàn trống hội do đội trống nữ Đọi Tam biểu diễn tại lễ hội - Ảnh: Hoàng Long
|
Năm nay, lễ hội Tịch điền vẫn giữ nguyên các nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian như: đánh đu, vẽ trâu, đi cầu phao… Nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của cư dân địa phương cũng được trưng bày nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo của tỉnh Hà Nam.
Phần lễ diễn ra các nghi thức: rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi. Đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm, khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp vào năm 987. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Lão nông tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày - Ảnh: Hoàng Long
|
Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam là màn múa rồng. Một lão nông đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong, các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày 9 sá.
Sau nghi lễ vua cày ruộng, những thiếu nữ địa phương sẽ đi sau luống cày để gieo hạt giống, chính thức bắt đầu một năm canh tác.
Gieo hạt giống cho vụ mùa mới - Ảnh: Hoàng Long
|
Từ 8 năm nay, tỉnh Hà Nam đã phục dựng thành công, tái hiện lại truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích nông nghiệp, tổ chức các nghi thức trang trọng của lễ hội với quy mô lớn, thu hút hàng vạn người dân quanh vùng về dự.
Bình luận (0)