Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - một câu chuyện nữ thần

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/04/2022 06:49 GMT+7

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là câu chuyện nữ thần giàu bản sắc. Hồ sơ lễ hội đã trình UNESCO để ghi danh di sản văn hóa phi vật thể .

Bà Chúa Xứ - nữ thần bảo trợ

Th.S Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP.Châu Đốc (An Giang), tự hào giới thiệu về tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam. Theo đó, tín ngưỡng này gắn với những dấu ấn khảo cổ và nghệ thuật nổi bật. Chẳng hạn, tượng Bà được đặt giữa chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng, kết cườm nổi, kim tuyến lấp lánh. Ông Dũng cho biết tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá, có từ khoảng cuối thế kỷ 6 đến đầu thế kỷ thứ 7. Tượng có dáng ngồi khoan thai. “Tượng Bà tại bàn thờ chính, có giá trị khảo cổ học rất cao. Cốt tượng Bà là một loại đá sa thạch, trọng lượng từ 1,4 đến 1,5 tấn. Trước đây khi xây dựng lại miếu phải dùng con đội xe, 4 cái đội ở 4 góc mới nhấc cốt tượng lên nổi”, ông Dũng kể.

Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam

Thanh Dũng

Cũng theo ông Dũng, các mô típ trang trí, điêu khắc trong miếu Bà có sự pha trộn nhiều nét văn hóa khác nhau. Bên cạnh những hoa văn cây, lá, chim, thú dân đã quen thuộc của Nam bộ, nghệ thuật chạm khắc gỗ trong chánh điện miếu Bà còn thể hiện sắc sảo mô típ tứ linh, bát tiên và đặc biệt có cả màu sắc nghệ thuật Ấn - Hồi pha lẫn Chăm và Khmer. Thêm vào đó, những công trình kiến trúc chung quanh miếu Bà Chúa Xứ có thể được xem như là những yếu tố góp phần tạo ra không gian môi trường lễ hội cho miếu Bà.

Nghiên cứu của GS Ngô Đức Thịnh cũng cho biết Chúa Xứ Thánh Mẫu núi Sam và các hình thức Shaman giáo trước năm 1975 ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, huyền thoại về các thần linh, là hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, y phục... “Từ hình thức diễn xướng này, chúng ta có thể thấy được lối nghĩ, nếp sống, thấy được nếp ăn (ẩm thực), cách mặc, cách sinh hoạt, nghi lễ của ông cha xưa, được chiêm ngưỡng sự hiện thân của các thần linh vốn là các nhân vật lịch sử được hình tượng hóa bởi các thần sống - thần đồng của Nữ Thần của Đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn”, nghiên cứu này cho biết.

Không thể mai một

Một nghiên cứu của Th.S Chu Phạm Minh Hằng, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho thấy người dân địa phương vừa hiểu biết vừa có niềm tin vững chắc vào lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Theo đó, có 98,6% người dân thực hiện khảo sát đều có thể liệt kê được ít nhất 3 nghi lễ chính trong lễ hội. Có 92,8% người dân tham gia khảo sát đều liệt kê được các vật dụng và lễ vật chính được dùng trong lễ hội như: đồ thờ bao gồm áo mão, kiệu rước Bà, chuỗi, hài, đồ cúng như trái cây, bông, nhang, đèn, heo quay, xôi… Chỉ có 8,2% người được khảo sát không biết hoặc không biết rõ về lễ vật/vật dụng chính, chủ yếu là người trẻ, dưới 30 tuổi, có lẽ vì tuổi còn trẻ nên chưa quan tâm đến lễ hội ở vấn đề này.

Họ không chỉ hoàn toàn làm công việc trực tiếp liên quan đến di sản, mà chính là quản lý một xã hội thu nhỏ. Sự quan tâm của nhà nước đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng giúp cho người dân có ý thức hơn về di sản của chính mình.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN

Hầu hết người dân cũng khẳng định lễ hội này không thể mai một. Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi “nếu lễ hội này vì một lý do gì đó mà không còn được tổ chức nữa hay bị mai một đi thì ông/bà nghĩ sao?”. Kết quả, 27,5% người dân khẳng định lễ hội không thể mai một vì đây là chỗ dựa tinh thần vững chắc của người dân. Số còn lại khẳng định lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ ban phước lành, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa cho người dân. Chỉ có 7,7% người được khảo sát không có ý kiến về vấn đề này, với giải thích “chưa bao giờ nghĩ đến việc lễ hội không tổ chức nên không thể trả lời”.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội, cho rằng người giữ vai trò chính trong việc lưu giữ và trao truyền di sản văn hóa ở miếu Bà là người dân địa phương. “Họ không chỉ hoàn toàn làm công việc trực tiếp liên quan đến di sản, mà chính là quản lý một xã hội thu nhỏ. Sự quan tâm của nhà nước đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng giúp cho người dân có ý thức hơn về di sản của chính mình”, ông Sơn đánh giá.

Trong khi đó, TS Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng Dân tộc học) lại đánh giá cao những người giữ di sản này. Theo ông Thuật, ngoài việc lưu giữ, trao truyền các câu chuyện, truyền thuyết nêu trên, cộng đồng còn trao truyền cả kỹ năng thực hành di sản. Ban quản trị lăng miếu đã duy trì tốt việc lựa chọn người phụ trách tiếp nhận áo lễ, đồ trang sức quý. Đặc biệt, ban quản trị lăng miếu không chỉ hướng dẫn chọn người có tâm đức, sạch sẽ, ngoại giao tốt trong việc tiếp nhận áo lễ, đồ trang sức quý của khách hành hương cúng lễ mà còn phải trao truyền các kinh nghiệm thay áo cũ và tấn phong áo mới cho Bà.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tại Châu Đốc - An Giang diễn ra từ ngày 22 - 27.4 âm lịch hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ túc yết, lễ xây chầu, lễ chánh tế và lễ hồi sắc.

Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Năm 2014, lễ hội này được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống. Năm 2022, Bộ VH-TT-DL gửi hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tới UNESCO để ghi danh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.