Lê Khắc Chính: Muốn cho ai nằm cáng là người đó sẽ... ”nằm”

01/05/2020 07:00 GMT+7

Trung vệ Lê Khắc Chính nổi danh một thời khi lối chơi máu lửa của anh đã khiến biết bao tiền đạo run sợ. Những năm cuối 1970 đến đầu 1990 thế kỷ trước đã có giai thoại, Chính mà muốn cho ai nằm cáng thì người đó sẽ nằm.

Ký ức về trận cầu lịch sử

Lê Khắc Chính sinh ngày 14.11.1956, là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em. 7 người còn lại đều thành công trong con đường học hành, chỉ có duy nhất Chính “cối” là đi theo nghiệp quần đùi áo số. Năm 1973, khi mới có 17 tuổi, Lê Khắc Chính đã được mời về thi đấu cho đội Tổng cục Đường sắt. Dù còn trẻ nhưng ông đã sớm chứng tỏ được khả năng của mình và nhanh chóng trở thành trụ cột của đội bóng ngành đường sắt.

Ban đầu chơi ở vị trí trung phong nhưng sau đó chàng trai trẻ Lê Khắc Chính được HLV Trần Duy Long đưa về đảm nhận vị trí trung vệ và cũng từ đó mà biệt danh Chính “cối” đã được khai sinh.  HLV Mai Đức Chung - người đồng đội một thời với Lê Khắc Chính ở Tổng cục Đường sắt cho biết “Chính là một trung vệ rất mạnh mẽ, càn quét tốt. Khi băng ra cản phá đối phương, Chính luôn hết mình, mạnh mẽ giống như một chiếc cối xay. Cái tên Chính cối cũng từ đó mà ra”.

Thể lực sung mãn, lối chơi dũng mãnh và đặc biệt là “độc chiêu” đá cắt kéo lấy bóng trong chân đối phương cực kỳ gọn gàng là những ưu điểm nổi trội của Chính “cối” từng làm nản lòng nhiều tiền đạo lừng danh cùng thời. Thời hoàng kim của Chính “cối”, các cầu thủ phía Nam ra Bắc thi đấu thường bảo nhau bóng 5-5 thì chớ có dại mà tranh cướp với Chính “cối” vì chỉ có lỗ mà thôi: “Chính “cối” mà tuyên bố cho ai lên cáng là y như rằng người ấy phải lên.

Lê Khắc Chính

Sở hữu biệt danh và lối chơi “dữ dằn” như thế nhưng trong sự nghiệp cầu thủ của mình, Chính “cối” cũng không phải nhận nhiều thẻ vàng, thẻ đỏ nhờ một lối chơi rất…quái, rất…Chính “cối”. HLV Mai Đức Chung nhận xét “ Lê Khắc Chính là một cầu thủ rất chịu khó học hỏi, chăm chỉ luyện tập, thường xuyên trau dồi, rèn luyện thêm những “độc chiêu” của mình. Nhờ vậy mà Chính “cối” đã trở thành trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam ở cuối thập niên 70 và thập niên 80 của thế kỷ trước”. Còn đồng đội cùng thời Hoàng Gia nhớ lại “ Lúc đó có 2 trung vệ mà bất cứ tiền đạo nào đối mặt đều rất ngán vì sợ chấn thương. Nếu trong nam là Phan Văn Tần của Hải Quan thì ngoài bắc chính là Lê Khắc Chính”

Ông Chính ‘cối” phân trần “ Mọi người nói tôi chơi “dữ” theo kiểu bạo lực sân cỏ là không đúng. Tôi chơi hậu vệ, nhưng khởi điểm sự nghiệp là trung phong nên vẫn tôn trọng cái đẹp trên sân, nhưng vì biết tiểu xảo của các tiền đạo nên mình “bắt bài” được họ. Thời đó, các tiền đạo cũng nhiều chiêu trò lắm nên mình chơi “hiền” là họ qua mặt ngay. Tôi may mắn được chuyên gia CHDC Đức huấn luyện cách phòng ngự, cản phá từ xa và áp sát thế nào để lấy bóng cho khéo nhất mà vẫn khiến cho đối thủ phải “ngấm đòn” và chùn chân”

Các hình ảnh về trận cầu lịch sử Cảng Sài Gòn - Tổng cục Đường Sắt năm 1976

tư liệu

Trong ký ức của Lê Khắc Chính, trận cầu đáng nhớ và cũng giúp anh làm nên tên tuổi chính là trận đấu giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn vào ngày 7.11.1976, trận đấu được coi là cuộc hội ngộ của hai nền bóng đá Nam-Bắc sau ngày thống nhất. Nhắc lại kỷ niệm cũ, Chính “cối” bồi hồi kể lại: “Tôi và các đồng đội như Mai Đức Chung, Hoàng Gia, Phạm Kỳ Thụy, Lê Thụy Hải, Nguyễn Minh Điểm, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Trường Sinh...luôn sống trong trạng thái lâng lâng. Bóng đá hai miền chưa biết thông tin gì về nhau nên cầu thủ cũng rất háo hức, luôn sôi sục trong người.

Trước 1 tiếng rưỡi đồng hồ, gần 3 vạn khán giả đã ngồi kín sân Thống Nhất, chưa kể số lượng tràn xuống đường pitch. Lúc đó mới giải phóng xong thì an ninh còn chưa tốt lắm, thế nhưng quân cảnh lúc đó bảo vệ rất an toàn. Tôi vẫn nhớ, lúc đó trong sân vẫn đang đá, người ngoài sân rất đông xô cửa, trèo tường. Trận đấu đó không chỉ có khán giả miền Nam mà miền Bắc cũng rất nhiều, chủ yếu là bộ đội giải phóng. Mỗi cầu thủ được phát 2 vé vào sân, do người thân, bạn bè trong đó không có nên chúng tôi tặng hết các anh bộ đội giải phóng. Trận này tôi đối mặt với những tiền đạo lẫy lừng của bóng đá miền nam là Tư Lê và Xinh “lùn” và tôi đã thể hiện tốt khi ngăn không cho các anh ấy ghi bàn. Kết thúc trận đấu thắng 2-0, chúng tôi chạy vòng quanh sân để chào khán giả và tôi chưa bao giờ quên cảm giác bay bay lúc đó. Đó là một ký ức không thể nào phai mờ trong tâm trí mỗi người, khi từng được đá một trận cầu lịch sử như thế”

Lê Khắc Chính (phải) thi dấu thành công khi vô hiệu hóa mũi nhọn CSG. Trong khi hàng thủ CSG do Tam Lang (5) chỉ huy cùng Tấn Trung (2) và Lê Đình Thăng (3) trầy trật trước sức công phá của TCĐS

tư liệu

Vì gia đình từ bỏ đội tuyển

Năm 1979, trong một trận đấu tập, Lê Khắc Chính dính phải một chấn thương nghiêm trọng: rạn xương hộp sọ. Sau đó khi đội Thanh niên Việt Nam đi tập huấn tại Ba Lan, Chính được đưa đi cùng đội để nhờ đội ngũ y tế Ba Lan chữa trị. Bác sỹ khi đó sau khi thăm khám cho biết đây là một chấn thương nặng và khuyên Chính “cối” không nên tiếp tục chơi bóng nữa mà nên chọn một nghề khác phù hợp hơn.

Thế nhưng sau khi trở về Việt Nam, bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, Chính “cối” đã từng bước tập luyện trở lại để rồi sau đó quay lại với trái bóng tròn. Chỉ 1 năm sau, trong vai trò đội trưởng của Tổng cục Đường sắt, Chính “cối” đã cùng các đồng đội bước lên ngôi cao nhất tại giải vô địch quốc gia lần đầu tiên năm 1980, sau khi vượt qua các đối thủ sừng sỏ Công An Hà Nội (2-1) và Hải Quan (1-0) ở vòng chung kết.

Tổng cục Đường Sắt vô địch A1 toàn quốc lần đầu tiên năm 1980

Có một điều khiến Chính “cối” ray rứt mãi là quả 11m thực hiện hỏng, trong trận đấu với CLB Quân đội trên sân Thống Nhất tại giải vô địch toàn quốc  năm 1981 Đó là trận đấu rất hay khi Chính “cối” thực hiện thành công quả 11m đầu tiên vào lưới thủ môn Trần Văn Khánh giúp đội nhà dẫn trước 1-0. Sau khi bị CLB Quân đội dẫn lại 2-1 thì Chính “cối” được giao trọng trách sút tiếp quả 11m thứ 2 ở phút 85. Thế nhưng ở lần sút này, trung vệ tài ba này lại sút ra ngoài khiến Tổng cục Đường Sắt mất cơ hội gỡ hòa. Sau trận Chính đổ sụp xuống sân và cả đêm đó trằn trọc, đau đớn không ngũ được.

Sau sự cố này ông vẫn tiếp tục  duy trì một niềm đam mê bóng đá cháy bỏng. Suốt chiều dài lịch sử hơn 10 năm sau đó, Lê Khắc Chính vẫn luôn vững vàng và trở thành trung vệ trụ cột, mang băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam trong suốt cả thập niên 80 và đầu thập niên 90. Ông nói “ Đá hậu vệ thường tuổi thọ cao hơn tiền đạo hay tiền vệ. Hơn nữa tôi tập luyện duy trì phong độ rất đều nên luôn có thể lực tốt để trụ lâu trên sân cỏ. Nhờ kinh nghiệm và sự bền bỉ nên tôi vẫn chạy tốt cho đến năm 35, 36 tuổi mà không hề run chân trước các cầu thủ trẻ”.

Lê Khắc Chính (thứ 5 hàng đứng từ trái) trong đội hình đội tuyển Việt Nam

Cựu cầu thủ Đường Sắt và Cảng Sài Gòn hội ngộ. Khắc Chính (đứng thứ 2 từ trái)

Tình yêu bóng đá lớn lao như vậy, thế nhưng cuối cùng Lê Khắc Chính lại phải từ bỏ chiếc áo đội tuyển quốc gia theo một cái cách mà có lẽ chẳng ai có thể ngờ được. Năm 1993, trong 1 buổi tập cùng đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 17 ở Singapore, Lê Khắc Chính nhận được tin vợ bị đau bụng và phải vào bệnh viện cấp cứu. Việc người bạn đời của mình phải tiến hành phẫu thuật đã khiến Chính “cối” không thể tham dự SEA Games 17 và đi đến quyết định từ giã đội tuyển quốc gia ở tuổi 37. Một năm sau khi từ giã đội tuyển quốc gia, Chính “cối” cũng nói lời chia tay với đội bóng Tổng cục Đường sắt sau 17 năm mang chiếc băng đội trưởng và chính thức treo giày ở tuổi 38.

Lê Khắc Chính tâm sự: “Bóng đá là niềm đam mê bất tận của tôi. Thế nhưng nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa niềm đam mê bóng đá và gia đình thì đối với tôi gia đình vẫn là thiêng liêng nhất, là tổ ấm và là cuộc đời của mình. Tôi rút lui cũng vì lý do như vậy và đến giờ dù có nuối tiếc vì không được tham dự thêm 1 kỳ SEA Games sau lần đầu đi Philippines năm 1991 nhưng tôi không hề hối hận”.

Lê Khắc Chính (giữa) cùng các thành viên hội cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam

Sau khi giã từ sự nghiệp quần đùi áo số, Lê Khắc Chính đi học Đại học TDTT rồi chuyển sang công tác huấn luyện tuyến trẻ của Đường sắt Việt Nam (tức Tổng cục Đường sắt trước đó). Thành công trong sự nghiệp cầu thủ nhưng dường như Chính “cối” không có duyên mấy với nghiệp HLV. Đầu năm 2000, đội Đường sắt Việt Nam giải thể, chuyển giao phiên hiệu lại cho Ngân hàng ACB (đổi thành ACB Hà Nội), rồi ít lâu sau (đầu 2004), Chính “cối” theo bầu Kiên rời đội (ACB Hà Nội chuyển giao cho Hòa Phát Hà Nội) để tiếp nhận lại đội Hàng không Việt Nam rồi đổi tên thành LG Hà Nội ACB. Sau đó chuyển sang vai trò Giám đốc kỹ thuật, Giám đốc điều hành ở đội bóng này cho đến khi giải thể (năm 2012).
Niềm đam mê bóng đá của Chính ‘cối” sau này được truyền lại cho con trai Lê Đức Tuấn (sinh năm 1982).Theo nghiệp cầu thủ giống ba, Lê Đức Tuấn cũng đã từng mang băng đội trưởng Hà Nội.ACB và được HLV Alfred Riedl triệu tập vào danh sách đội tuyển U.23 Việt Nam tham dự SEA Games 22 trên sân nhà vào năm 2003. Giờ đây sau những ngày tháng vinh quang, thăng trầm cùng trái bóng tròn, ông Chính ‘cối” thổ lộ “ Cuộc đời bóng đá của tôi luôn đề cao tính kỷ luật và lấy đó làm kim chỉ nam cho sự nghiệp của mình. Như hồi còn ở đội tuyển quốc gia thập niên 90, ở đâu có vấn đề chứ hàng thủ do tôi chỉ huy là phải trật tự. Sau này khi cầm quân, tôi trước sau như một xây dựng đội bóng yếu tố kỷ luật phải đặt lên hàng đầu. Đá hay mà thiếu kỷ luật là tôi không dùng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.