Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường

04/12/2012 00:00 GMT+7

Nói đến túi nylon thân thiện với môi trường, không thể không nhắc đến ông Lê Lộc, tác giả của sáng chế “Nhựa tự hủy và bao bì làm bằng nhựa tự hủy” này.

Là kỹ sư hóa của Đại học Bách khoa Phú Thọ trước năm 1975, có nhiều năm nghiên cứu về môi trường, ông Lê Lộc mất ăn mất ngủ khi nhìn thấy những chiếc túi nylon bị vứt bừa bãi ở khắp nơi. Rồi, như ông chia sẻ, cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó để giải quyết vấn nạn “ô nhiễm trắng” này.

Ông nghĩ, nếu không có một giải pháp, túi nylon sẽ trở thành một lượng rác thải khổng lồ khó phân hủy, vì thói quen sử dụng loại bao bì ô nhiễm này đã quá phổ biến ở VN, từ thành thị cho đến nông thôn. Và ý tưởng để cho ra đời những sản phẩm túi nylon tự hủy đã thôi thúc ông lao vào hành trình nghiên cứu, tìm tòi trong nhiều năm trời, bắt đầu từ năm 2000.

Liều lĩnh để có sáng chế hữu ích

 Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường
Ông Lê Lộc - Ảnh: M.V

Ông kể: "Tôi tìm trên internet, báo chí, từ phòng thương mại của các nước. Khi nghe nói ở Mỹ có chất này, tôi đến Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và được giúp đỡ liên lạc với 7 công ty của Mỹ đã từng sử dụng chất tự phân hủy nhựa. Nhưng 6 công ty đã từ chối vì họ không còn sử dụng chất này nữa. Cuối cùng, công ty thứ 7 ở New York đã cung cấp một thông tin rất hữu ích, đó là bằng sáng chế chất tự phân hủy nhựa này đã được một công ty ở Nhật Bản mua. Sau đó, tôi liên hệ với công ty của Nhật Bản và qua công thức chất tự phân hủy nhựa mà họ gửi cho, tôi quyết định mua ngay 1 tấn nguyên liệu này từ một đại lý tại Hồng Kông. Từ chất này, tôi đã tạo ra công thức mới cho việc sản xuất túi nylon tự hủy và đã tiến hành đăng ký sáng chế này tại Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 4.2010. Sự liều lĩnh và sáng tạo đó đã giúp tôi thành công trong việc nghiên cứu sản xuất túi nylon tự hủy".

 

Nếu không có một giải pháp, túi nylon sẽ trở thành một lượng rác thải khổng lồ khó phân hủy, vì thói quen sử dụng loại bao bì ô nhiễm này đã quá phổ biến ở VN, từ thành thị cho đến nông thôn

Theo ông Lê Lộc, công ty của Nhật Bản bán chất này chủ yếu cho những khách hàng sản xuất những con chip vi tính bằng nhựa, không thấy ai dùng để sản xuất túi nylon. Đến cuối tháng 10 vừa qua, ông Lộc nhận được bằng độc quyền giải pháp hữu ích, từ Cục Sở hữu trí tuệ VN và ông đang xúc tiến đăng ký để được bảo hộ sáng chế này tại Mỹ. Đây là sáng chế rất hữu ích cho việc sản xuất các loại bao bì nhựa (túi nylon) thân thiện với môi trường.

Trên thực tế, túi nylon là một loại bao bì tiện lợi và phổ biến nhưng song song với ưu điểm này là những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đến môi trường. Sáng chế của ông Lê Lộc chính vì vậy đã mở ra một hướng đi quan trọng, giúp cộng đồng có nhiều điều kiện về giải pháp để thay thế túi nylon thông thường bằng các loại bao bì thân thiện môi trường.

“Chúng ta đang đi xuống”

“Môi trường là lĩnh vực mà cả nhân loại đang quan tâm, đó là lý do để tôi nghiên cứu về nó. Càng đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, tôi càng thấy có rất nhiều điều thú vị”, ông chia sẻ.

Có một chút tự hào về những gì mình đã làm, về những kết quả đã đạt được sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi cho môi trường VN, ông Lê Lộc cũng cho rằng công nghệ của loài người đã và đang phát triển với trình độ rất cao, do chưa tiếp cận được nên nhiều người cảm thấy nó xa vời. “Nếu tiếp cận được, hiểu nó, chúng ta sẽ cảm thấy thích thú, hứng khởi và đam mê. Đam mê bởi vì nó có ý nghĩa, có ích cho con người. Một khi đam mê thì việc gì chúng ta cũng có thể làm được và không có điều gì có thể cản trở được. Nếu chúng ta hài lòng với những gì hiện có thì không thể nào phát triển được”, ông bày tỏ.

Không dừng lại ở lĩnh vực “giải pháp cho môi trường”, ông Lê Lộc tiếp tục nghiên cứu mở rộng sang những lĩnh vực khác liên quan. Chính vì vậy, ông bảo rằng cuộc sống của ông luôn tồn tại song song sự đam mê và những nỗi trăn trở. Dẫn chứng về thói quen vứt rác bừa bãi của cộng đồng, ông nói hãy nhìn các nước xung quanh, có những quốc gia áp dụng luật bảo vệ môi trường rất tốt mà nước mình không làm được.

Quay lại với câu chuyện túi nylon, ông nói thẳng không phải cứ đánh thuế là hạn chế được. Ông phân tích: “Vấn đề là làm cho mỗi người dân nhận thức được tác hại của nó, để hạn chế sử dụng. Khi đã tuyên truyền nhiều rồi mà ai làm sai, cứ vứt bừa bãi thì phải phạt thật nặng. Song song đó, nhà nước phải khuyến khích tạo ra nhiều sản phẩm có lợi cho môi trường. Những việc đó không có gì khó, nhưng do chúng ta không làm, cho nên những điều xấu vẫn cứ tồn tại”. Ông cũng nhìn nhận: “Môi trường ngày nay xấu hơn ngày xưa rất nhiều. Thời đó dân số thành phố còn ít, nhưng ý thức bảo vệ môi trường và cả ý thức chấp hành luật giao thông của người dân cao hơn bây giờ rất nhiều. Mọi người lúc đó đều có trách nhiệm công dân của mình, trong khi thời nay không có được như vậy. Về mặt này, chúng ta đang đi xuống”.       

Nhìn sang chuyện kinh doanh, ông nói chúng ta cũng kém hơn nhiều nước. Mỗi khi đi nước ngoài, ông thường ghé các chợ để xem người ta kinh doanh, buôn bán như thế nào. Có khi chỉ là để tham quan thôi, nhưng do người bán quá nhiệt tình mời chào, không nỡ từ chối, cuối cùng cũng mua một món hàng gì đó để đáp lại sự nhiệt tình đó. Nếu mình không mua, họ cũng vui vẻ. Còn ở nước mình, vào các trung tâm thương mại, thấy người bán lạnh lùng quá. Khách có mua hay không cũng mặc tình, hiếm thấy sự mời chào từ người bán…

Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường 

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Mai Vọng

>> Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Muốn thay đổi ngành giáo dục nhồi nhét
>> Phạm Phước Hưng - Từ bỏ khuôn mẫu để sáng tạo thành công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.