Lê Minh Quốc và tình yêu Đà Nẵng lạ lùng

03/05/2016 07:17 GMT+7

Phố biển Đà Nẵng thơ mộng và đáng sống có rất nhiều người yêu thích. Nhưng yêu một cách say mê và lạ lùng như nhà thơ Lê Minh Quốc thì rất hiếm.

Tình yêu Đà Nẵng không chỉ thể hiện trong thơ mà còn bàng bạc trên mọi trang viết của anh.
Hội sách TP.HCM lần thứ 9 mùa xuân 2016 đánh dấu sự ra mắt hai tập tạp bút khá “dày cơm” của Lê Minh Quốc, do Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành: Ngày viết mỗi ngày (dày gần 500 trang, khổ 15,5 x 13,5 cm) và Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn (dày hơn 320 trang, khổ 13 x 20,5 cm). Thi sĩ gốc Đà Nẵng cũng đã có buổi giao lưu ra mắt sách sinh động tại hội sách, thu hút sự tham gia của nhiều đồng nghiệp và bạn đọc.
Hai tập tạp bút gồm gần 140 bài viết của Lê Minh Quốc với những đề tài khác nhau, từ chuyện sách vở xưa nay đến những sự kiện, nhân vật, kỷ niệm, ứng xử mang tính thời sự đời sống đương đại. Vừa đọc vừa đi vừa quan sát, chiêm nghiệm, Lê Minh Quốc cho thấy một sức nghĩ, sức viết “cường tráng” đáng nể và nghiêm túc về nghề nghiệp. Điều thú vị là trong phần lớn trang viết anh đều đặt để, đưa đẩy, liên hệ đến quê hương văn học của mình bằng một tình yêu khi nồng nàn say đắm, khi lặng lẽ suy tư đối với ký ức Đà Nẵng. Một tình yêu lạ lùng. Tất nhiên không chỉ ở văn xuôi, mà tình yêu ấy còn từng thể hiện sâu đậm trong thơ anh qua hàng chục tập thơ đã xuất bản.
“Chưa về tắm biển quê hương
cùng tiếng sóng bóng trùng dương chập chùng
xa quê giấc ngủ lưng chừng
chợt nghe sóng dội tận cùng chiêm bao”
Đã hơn 20 năm rồi tôi vẫn thuộc lòng bài thơ bốn câu lục bát ấy của nhà thơ Lê Minh Quốc, như một nỗi ám ảnh và như một sự sẻ chia. Đà Nẵng quê anh có biển. Phú Yên quê tôi cũng có biển. Và anh đã nói hộ giùm tôi cùng bao người “xa quê giấc ngủ lưng chừng” khác nỗi khắc khoải thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ thương lời ru vĩnh hằng biển cả “sóng dội tận cùng chiêm bao”. Một nỗi nhớ, một tình yêu tưởng chừng bình thường nhưng chỉ có thi sĩ mới văn bản hóa thành hình ảnh đẹp nên thơ.
Mỗi nghệ sĩ đều có một quê hương văn hóa làm bệ phóng, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cho mình. Đối với nhà thơ Lê Minh Quốc, quê hương văn học chính là Đà Nẵng, cũng là nơi sinh thành nên anh, để từ đó anh bước đi, vượt qua bao thăng trầm, cả trên chiến trường ác liệt, đam mê và cật lực như gã lực điền dựng nên cánh đồng chữ nghĩa phong phú riêng mình. Và anh gọi quê hương văn học là “bến thơ”, như trong bài Gửi Đà Nẵng 1 anh viết:
“Nghìn năm sóng vỗ âm vang
Bến thơ tôi chính là bến sông Hàn”
Người sinh từ đất Quảng Nam - Đà Nẵng vào lập nghiệp ở Sài Gòn khá đông, trong đó có không ít nhà thơ, nhưng có lẽ không ai làm thơ về xứ sông Hàn nhiều như Lê Minh Quốc. Anh có nguyên một tập thơ Yêu em, Đà Nẵng xuất bản từ năm 1999, và càng về sau quê hương càng là nguồn cảm hứng thường trực trong thơ anh, bởi như anh tâm sự:
“Đà Nẵng nhập vào tôi và
tan ra qua hơi thở
tan ra qua mạch máu
tan ra qua tiếng kêu run rẩy
đôi môi
em chính là sự sống của tôi” (Lộc biếc)
Không chỉ là sự sống mà Đà Nẵng còn là nguồn thi hứng cho những trái tim chớm biết hẹn hò lứa đôi, trong ấy có thời tuổi xanh mơ mộng của anh:
“Hỡi thành phố lạ lùng
như huyền thoại
Bất cứ ai hò hẹn trước
cổng trường
Sẽ đều biết làm thơ
để tặng người thương” (Gửi Đà Nẵng)
Vì quá yêu Đà Nẵng mà Lê Minh Quốc có những phát hiện tinh tế, nhất là lúc ở giữa Sài Gòn anh chợt quay quắt nhớ quê:
“Chao ôi chú chuồn chuồn kim quái quỷ
Sao mày biết tao nơi đây
mà lại đến tìm?
Đà Nẵng - Sài Gòn
một ngàn cây số
Gặp nhau rồi sao cứ lặng im?”
Hồn nhiên và xúc động. Tôi tưởng tượng lúc Lê Minh Quốc đối thoại với chú chuồn chuồn kim, tâm hồn anh trong suốt như pha lê, và đó chính là thần thái đích thực của thi sĩ vốn có vẻ bề ngoài bụi bặm băm bổ “ruột bỏ ngoài da” này. Một cuộc đối thoại thuần khiết mang vẻ đẹp hướng thiện.
Cũng chính tình yêu quê hương mà Lê Minh Quốc còn đào sâu trong vỉa tầng văn hóa Việt phát hiện ra con trâu, con bò, cái cày, cái bừa, cái cối, cái chày… và cả cái giếng cũng ăn tết. Trong tạp bút Về quê ăn Tết anh có một đoạn văn rất hay và cảm động: “Tuổi thơ của tôi có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn. Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong tôi vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gầu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời”.
Cái giếng cũ kỹ nhà ông ngoại của Lê Minh Quốc có thể sẽ biến mất theo thời gian. Nhưng cái giếng trong tâm tưởng lung linh qua từng con chữ thi sĩ thì tôi tin sẽ mãi mãi vẫn còn, như tình yêu lạ lùng của anh với quê hương không bao giờ phai nhạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.