Lệ phí đăng ký xe ở Hà Nội, TP.HCM gấp 10 lần nơi khác, cần thay đổi?

22/05/2024 21:17 GMT+7

Đề cập tới thực tế lệ phí đăng ký xe ở Hà Nội và TP.HCM gấp 10 lần địa phương khác, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ vấn đề này.

Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lệ phí đăng ký xe ở Hà Nội, TP.HCM gấp 10 lần nơi khác, cần thay đổi?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội

GIA HÂN

Không còn phù hợp khi quản lý theo số định danh

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề cập tới điều 37 của dự thảo, quy định "biển số xe được quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức, trừ biển số xe quân sự".

Theo đại biểu Thủy, đây là một bước thay đổi căn bản trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, chuyển từ quản lý phương tiện theo địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh sang quản lý phương tiện gắn trực tiếp với chủ sở hữu phương tiện.

Để quy định này phát huy hiệu quả, bà Thủy đề nghị cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến việc quản lý cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với phương thức quản lý mới.

Bà Thủy cho hay, xuất phát từ phương thức quản lý phương tiện giao thông theo địa giới hành chính, khi quy định về lệ phí cấp chứng nhận đăng ký kèm theo biển số xe, cơ quan quản lý đang có sự phân biệt với mức lệ phí phải nộp căn cứ vào địa giới, đơn vị hành chính nhằm mục đích hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông tại các đô thị.

Theo chủ trương này, chủ sở hữu phương tiện ở các đô thị thuộc khu vực 1 như Hà Nội, TP.HCM đang phải chịu mức lệ phí cấp chứng nhận đăng ký biển số xe cao gấp nhiều lần so với các địa phương thuộc khu vực 2, khu vực 3.

Đơn cử như lệ phí cấp chứng nhận đăng ký đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống tại các thành phố nói trên là 20 triệu đồng/xe/lượt, gấp 10 lần so với khu vực 2 và gấp 100 lần ở khu vực 3.

Tương tự, cấp chứng nhận đăng ký xe mô tô trị giá trên 40 triệu là 4 triệu lần/lượt/xe, gấp 5 lần so với khu vực 2 và gấp gần 27 lần so với khu vực 3. Trong khi đó, xe của các tỉnh, thành phố khác vẫn lưu thông ở các địa phương này.

Từ thực tế đã nêu, bà Thủy cho rằng, quy định trên sẽ không còn phù hợp với phương thức quản lý phương tiện theo số định danh và đấu giá biển số xe đang thực hiện, không đạt được mục đích đặt ra ban đầu và không bảo đảm sự công bằng đối với các chủ sở hữu phương tiện.

Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính cần xem xét, cân nhắc kỹ các vấn đề này khi ban hành các văn bản quy định chi tiết để thi hành nội dung về cấp, thu hồi, chứng nhận đăng ký xe và biển số xe theo quy định của luật.

Lệ phí đăng ký xe ở Hà Nội, TP.HCM gấp 10 lần nơi khác, cần thay đổi?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn Cà Mau

GIA HÂN

Tạm giữ xe gây lãng phí nguồn lực xã hội?

Đề cập đến phương thức xử phạt nguội, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), nhận định việc này có rất nhiều ưu điểm, như giám sát được toàn thời gian, giảm được nhân lực, vật lực.

Tuy nhiên, phương thức trên cũng có khuyết điểm nhất định, đó là chỉ nhận dạng được xe vi phạm chứ không phải người vi phạm, qua đó xử lý không đúng đối tượng vì xe thì không hề vi phạm, có chăng là do người điều khiển.

Theo ông Hận, trong thực tế, việc cho mượn, cho thuê hoặc thuê người lái xe là rất phổ biến nhưng khi người mượn, người thuê vi phạm trật tự, an toàn giao thông với nhận dạng như trên thì chủ xe là đối tượng bị phạt. Vì lẽ đó, ông kiến nghị cần có giải pháp điều chỉnh hợp lý hơn.

Một vấn đề nữa là việc tạm giữ xe theo quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là một biện pháp buộc người vi phạm giao thông thực hiện nghĩa vụ của mình trước pháp luật bằng biện pháp giữ phương tiện.

Ông Hận cho rằng, hệ lụy của biện pháp này là gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đơn cử một người vi phạm nồng độ cồn và không mang theo giấy tờ lái xe, khung phạt có khi tương đương với giá trị còn lại của chiếc xe bị tạm giữ, nên người vi phạm không thực hiện việc đóng phạt mà bỏ luôn chiếc xe, mua xe khác có cùng giá trị.

Nếu chiếc xe đấy không bị tạm giữ thì có thể sử dụng được 5 - 10 năm. Ngược lại, nếu người vi phạm không đến thực hiện nghĩa vụ để lấy lại xe thì số xe này được hóa giá bán đi, mà giá trị chỉ bằng một phần nhỏ của giá trị còn lại của chiếc xe. "Chưa kể phải nhập một số lượng lớn xe khác để bù đắp vào nhu cầu của xã hội", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.