Lễ Tro của người Công giáo: Mùa Chay sống ý nghĩa, khiêm nhường đón nhận sự yếu đuối của nhau

22/02/2023 10:47 GMT+7

Lễ Tro của người Công giáo tập trung vào cầu nguyện và ăn chay. Thứ Tư Lễ Tro năm nay rơi vào ngày 22.2, bắt đầu Mùa Chay kéo dài 40 ngày.

Linh mục Gioan Baotixita Phương Đình Toại - dòng Camillo cho biết, trong tiếng Latin, Thứ Tư Lễ Tro được gọi là Feria quarta cinerum. Ngày lễ này có nguồn gốc từ thời Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô Cả và được Giáo hội Tây Phương cử hành để khai mạc 40 ngày Mùa Chay. Lễ Tro là ngày khởi đầu cho Mùa Chay trước lễ Phục sinh.

Các hoạt động trong Lễ Tro

Vị linh mục cho biết, Mùa Chay bắt đầu từ Lễ Tro. Đây chính là sự nhắc nhở tới 40 ngày mà Chúa Giêsu đã trải qua trong sa mạc để ăn chay và cầu nguyện. Mùa Chay là sự chuẩn bị cho đại lễ Phục sinh.

Trong Giáo hội Công giáo, Lễ Tro là 1 trong 2 ngày chay bắt buộc, các tín hữu phải giữ chay trong ngày này.

Lễ tro của người Công giáo: Mùa chay sám hối và tin vào tin mừng - Ảnh 1.

Năm nay Lễ Tro rơi vào ngày 22.2

NHẬT THỊNH

Đặc điểm của Lễ Tro là việc làm phép tro. Ngay sau khi làm phép, tro này được dùng để rắc lên đầu, vẽ trên trán các tín hữu theo hình Thánh Giá. Việc xức tro sẽ diễn ra trong Thánh lễ của Lễ Tro. Tro ở đây là tro của những cành lá được sử dụng trong chúa nhật Lễ Lá (chúa nhật Phục sinh) của năm trước đó.

"Những cành cây hay lá cây đó sẽ được đốt để lấy tro cho ngày Thứ Tư Lễ Tro. Sau khi kết thúc bài giảng, linh mục chủ tế sẽ làm phép tro thông qua một lời nguyện và thông qua việc rảy nước Thánh trên tro. Việc các tín hữu rắc tro lên đầu hay vẽ hình Thánh Giá trên trán với tro nói lên tinh thần sám hối và sự khiêm nhường của họ. Họ nhìn nhận thân phận cát bụi cũng như thân phận tội lỗi của mình", Linh mục Phương Đình Toại nói.

Lễ Tro có ý nghĩa như thế nào?

Cũng theo vị linh mục, bắt đầu Mùa Chay chuẩn bị cho lễ Phục sinh, các tín hữu luôn nhớ ý nghĩa của tro lãnh nhận là thống hối vì tội lỗi. Các tín hữu hướng tâm hồn về với Chúa là đấng chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại để con người được cứu rỗi.

Lễ tro của người Công giáo: Mùa chay sám hối và tin vào tin mừng - Ảnh 2.

Mùa Chay bắt đầu từ Lễ Tro

ĐỘC LẬP

Trong Lễ Tro, các tín hữu làm mới lại lời hứa khi chịu phép rửa tội, bỏ lối sống cũ và sống đời sống mới trong Đức Kitô. Khi nhớ lại tro bụi sẽ cố gắng sống ý nghĩa trong suốt thời gian Mùa Chay. Các tín hữu thể hiện để Chúa Thánh Thần lay động, tỏ lòng bác ái đối với người khác.

"Trong Mùa Chay, những việc làm tình yêu thương của các tín hữu trao ban cho những ai đang thiếu sẽ là một phần của sự thống hối, đổi mới. Những việc làm đó sẽ tạo thành sự công bằng và tính ràng buộc để xây dựng Nước Trời (một phép màu nhiệm) trong thế gian này", vị linh mục chia sẻ.

Linh mục Gioan Baotixita Phương Đình Toại nói thêm, Lễ Tro cũng nhắc nhở con người về thân phận mỏng giòn. Mọi người rồi sẽ phải đi qua cái chết, vì vậy mọi người cần khiêm nhường để đón nhận sự mỏng giòn, yếu đuối của nhau. Trên thế gian này không có gì là mãi mãi nên con người cần nhận thức phải biết sống buông bỏ và cho đi.

Một vị linh mục khác ở Giáo xứ Tân Định (TP.HCM) cho biết, trong Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ và chỉ được dùng nhạc cụ để đệm hát (trừ chúa nhật Phục sinh và các ngày lễ trọng, lễ kính). Các ngày trong tuần Mùa Chay không được cử hành các lễ ngoại lịch và các lễ cầu hồn hàng ngày.

"Trong thánh lễ, sau bài tin mừng và bài giảng sẽ làm phép và xức tro nên bỏ phần sám hối đầu lễ. Ngoài ra, cũng có thể làm phép và xức tro ngoài thánh lễ. Trong trường hợp này, nếu tiện sẽ cử hành phụng vụ lời Chúa gồm ca nhập lễ, lời nguyện, các bài đọc và các bài ca như trong thánh lễ. Tiếp đến là bài giảng rồi làm phép và xức tro. Nghi thức kết thúc bằng lời nguyện cho mọi người, tức lời nguyện các tín hữu. Ở Việt Nam, Tòa Thánh cho phép chủ tế được dùng những người không có chức thánh giúp xức tro", vị linh mục chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.