Người Công giáo đón Tết Nguyên đán: Đi hái lộc Thánh, cầu năm mới bình an

23/01/2023 09:41 GMT+7

Với người Việt, Tết Nguyên đán có ý nghĩa thiêng liêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Người Công giáo vẫn giữ những nét phong tục đẹp đó và có thêm những nét riêng độc đáo thể hiện niềm vui, chữ “hiếu” khi nhớ về ông bà tổ tiên.

Đi dự Thánh lễ, hái lộc Thánh ở nhà thờ

Trong không khí cả nước chuẩn bị đón tết, người Công giáo cũng rộn ràng mua sắm, lau bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa… Bên cạnh đó, họ có những cách đón năm mới rất riêng.

Người Công giáo có cách đón tết rất riêng

nguyễn trung phước

Ông Nguyễn Trung Phước (45 tuổi, ở giáo xứ Võ Dõng, Đồng Nai) cho biết, thường các nhà thờ sẽ tổ chức lễ tạ ơn vào đêm giao thừa để mọi người cùng đi lễ, tạ ơn Chúa sau một năm. Tùy từng giáo xứ sẽ có khung giờ tổ chức khác nhau. Người Công giáo không cúng ông Công, ông Táo.

“Khoảnh khắc giao thừa mọi người thường về nhà. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau đọc kinh trước bàn thờ của gia đình để tạ ơn, đón năm mới. Nhà tôi cũng vậy, giao thừa năm nào cũng có mặt ở nhà, đến nhà thờ hái lộc Thánh”, ông cho hay.

Cũng theo ông Phước, sáng mùng 1 tết nguyên đán thường có Thánh lễ ở các nhà thờ. Mọi người thường đến để tạ ơn, cầu năm mới bình an và chúc tuổi nhau.

Bà con giáo dân hái lộc Thánh ở nhà thờ đầu năm

nguyễn trung phước

Ở nhà thờ, vào đêm giao thừa hoặc Thánh lễ sáng mùng 1 thường có những câu kinh thánh do Hội đồng mục vụ các giáo xứ chuẩn bị để bà con đến nhận. Những câu kinh thánh được soạn ra trên những tờ giấy rất đẹp với nội dung được mọi người xem là định hướng, tôn chỉ sống cho cả năm. Mỗi gia đình khi “hái lộc” sẽ cử một người trong nhà lên nhận những câu kinh thánh đó về đặt ở bàn thờ và xem đó như tôn chỉ sống của năm.

Ông Phước cho biết, trước tết, người Công giáo cũng trang hoàng, sửa soạn nhà cửa đón tết. Sáng mùng 1 tết, sau khi đi lễ tại nhà thờ, mọi người sẽ đi chúc năm mới. Vào mùng 2 tết, nhiều người thường ra nghĩa trang cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà.

“Người Công giáo có hai dịp lễ lớn để cầu cho tổ tiên, ông bà là lễ các linh hồn (2.11) và mùng 2 tết. Đó là truyền thống văn hóa, ghi nhớ về cội nguồn. Mùng 3 tết mọi người thường tham dự lễ cầu thánh hóa công ăn việc làm”, ông chia sẻ.

Trong gia đình ông Phước, bàn thờ Chúa sẽ được đặt ở nơi cao nhất, tiếp đó là bàn thờ tổ tiên, ông bà.

“Tết âm lịch vẫn là dịp để gia đình tôi nhìn lại một năm vừa qua và đón chào năm mới. Ở nhà thờ cũng có những cây hoa mai thật đẹp và mọi người dự Thánh lễ rất đông. Riêng vợ chồng mới cưới trong năm, mùng 1, mùng 2 tết sẽ đi chúc tết những bậc cao tuổi và người thân trong dòng họ. Người được chúc tết cũng mừng tuổi cho vợ chồng mới cưới”, ông nói thêm.

Không kiêng kỵ ngày đẹp, xấu

Chị Nguyễn Thị Linh (23 tuổi, ở giáo xứ Nhượng Bạn, Hà Tĩnh) chia sẻ, người Công giáo không cúng tất niên hay giao thừa. Đêm giao thừa, gia đình chị thường đến nhà thờ cầu nguyện.

Vào dịp tết, nhiều gia đình thường đi lễ ở nhà thờ

nguyễn trung phước

“Tết đến, các thành viên trong gia đình thường tụ họp, cùng nhau đọc kinh giao thừa, cầu nguyện, chúc nhau một năm mới bình an, mạnh khỏe. Người Công giáo không có quan niệm chọn ngày xông nhà trong năm mới và không kiêng ngày nào là ngày xấu. Mọi ngày đều tốt đẹp nên người Công giáo vẫn đi chúc tết, tổ chức công việc kể cả ngày đó nhiều người không theo đạo kiêng kỵ”, chị cho hay.

Linh mục Gioan Baotixita Trần Ngọc Bảo, Phó ban Truyền thông giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết trước tết nhiều giáo xứ trong giáo phận Xuân Lộc có chương trình gói bánh chưng, phát quà tết cho người nghèo, thăm viếng và trao quà cho những bệnh nhân trong giáo xứ (kể cả người không có đạo Công giáo).

Gia đình anh Phước quây quần bên nhau vào dịp tết

nguyễn trung phước

Thánh lễ đêm giao thừa để tạ ơn Chúa và cũng là dịp để mọi người nhìn lại những lỗi sai thiếu sót trong năm qua. Thánh lễ mùng 1 (lễ tân niên) để cầu bình an cho năm mới. Trong lễ tân niên thường có hái lộc lời Chúa.

“Lộc này không giống như lộc may mắn đầu năm nhưng là kim chỉ nam để sống theo lời Chúa dạy trong năm mới. Người Công giáo quan niệm, lời Chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”, vị linh mục nói.

Thánh lễ mùng 2 tết là kính nhớ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên thường được cử hành tại các nghĩa trang của các giáo xứ. Thánh lễ mùng 3 tết là xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, xin Chúa chúc lành cho mùa màng trong năm mới. Ngoài các Thánh lễ đầu năm, một số giáo xứ tổ chức hội chợ ẩm thực hoặc văn nghệ mừng xuân.

Các năm, vào dịp tết giáo phận Xuân Lộc có những chương trình vào dịp tết như gặp gỡ và trao quà cho người nghèo, người di dân hoặc bệnh nhân. Đức Giám mục giáo phận gặp gỡ và trao quà cho những người lao công, bảo vệ môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.