(TNO) Việt Nam lần đầu tiên vinh dự có được một nhà khoa học trẻ nằm trong danh sách 35 nhà sáng tạo dưới 35 tuổi hàng đầu thế giới do tạp chí công nghệ uy tín MIT Technology Review (Mỹ) bình chọn.
|
MIT Technology Review, một trong những tạp chí công nghệ lâu đời nhất nước Mỹ, đã xếp Lê Viết Quốc vào công bố danh sách 35 Nhà sáng tạo dưới 35 của năm 2014.
Đây là danh sách bình chọn được công bố thường niên và có tên gọi là TR35.
Miêu tả về anh Quốc, tạp chí Mỹ cho biết anh sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn Việt Nam, nơi thường xuyên bị thiếu điện sinh hoạt.
Nhà gần một thư viện, Quốc thường đọc ngấu nghiến các quyển sách nói về các phát minh vĩ đại trên thế giới và mơ ước mình sẽ đóng góp cho danh sách các phát minh này.
Ở tuổi 14, anh cho rằng phát minh có ích nhất cho nhân loại sẽ là một cỗ máy đủ thông minh để tự sáng chế - một ý tưởng đến giờ vẫn chỉ mơ, MIT Technology Review bình luận.
Nhưng ý tưởng đó đưa Quốc trở thành người đi tiên phong trong việc nghĩ ra một công nghệ mới về trí thông minh nhân tạo, cho phép các phần mềm hiểu được thế giới xung quanh theo cách giống với cách hiểu của con người hơn, theo tạp chí Mỹ.
Công nghệ mới này đã được nảy sinh từ bức xúc với việc phải chờ đợi máy tính nhận biết dữ liệu của Quốc khi anh còn đang học tại Đại học Quốc gia Úc và sau đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ), nơi anh nghiên cứu về trạng thái của trí tuệ máy móc.
MIT Technology Review cho biết các phần mềm trí tuệ nhân tạo trước đây thường rất cần con người hỗ trợ. Người ta phải nhập dữ liệu trước khi phần mềm có thể hiểu chúng. Sau đó, họ phải tương tác để phần mềm có thể nhận biết những đặc tính nào của dữ liệu mà chúng cần phải tập trung xử lý.
“Kiểu công việc đòi hỏi tỉ mỉ không thu hút Quốc. Anh rất tử tế với con người, nhưng lại đặt rất nhiều đòi hỏi với máy móc”, MIT Technology Review nhận xét.
“Tôi là một người không có nhiều kiên nhẫn”, anh cười lớn cho hay”, tạp chí Mỹ thuật lại.
Khi còn ở Đại học Stanford, người đàn ông Việt Nam 32 tuổi này đã nghĩ ra một thuật toán cho phép phần mềm tự học.
Giới nghiên cứu trước đó đã có những bước tiến khả quan nhưng rất chậm về việc phát minh phương pháp cho máy tính tự học gọi là deep learning, nghĩa là sử dụng các hệ thống máy tính giả lập tế bào thần kinh con người.
Quốc đã tìm ra cách tăng tốc đáng kể việc nghiên cứu này, bằng cách thiết lập các mạng lưới thần kinh giả lập với quy mô lớn hơn 100 lần để truy xuất lượng dữ liệu lớn hơn gấp nhiều ngàn lần.
Trong khi đó, Quốc đã tìm ra cách tăng tốc đáng kể nghiên cứu này bằng cách thiết lập các mạng lưới máy tính giả lập tế báo thần kinh với quy mô lớn gấp 100 lần mạng lưới thông thường, cho phép truy xuất lượng dữ liệu lớn hơn gấp nhiều ngàn lần.
Công nghệ này có tính thực tiễn cao đến nỗi “gã khổng lồ” Google phải chú ý, MIT Technology Review cho hay.
Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sau đó đã mời Quốc về thử nghiệm công nghệ này dưới sự hướng dẫn của Andrew Ng, một giáo sư nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại Stanford.
Khi kết quả thử nghiệm được công bố vào năm 2012, nhóm nghiên cứu của Google đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua đầu tư nghiên cứu công nghệ deep learning giữa Facebook, Microsoft và các hãng công nghệ khác.
Không cần tương tác của con người, hệ thống do Quốc tạo ra tự lĩnh hội được cách nhận dạng các chú mèo, con người và hơn 3.000 đồ vật khác thông qua ghi nhận 10 triệu hình ảnh từ các đoạn video trên YouTube.
Công nghệ của nhà khoa học trẻ tuổi Việt Nam chứng minh rằng máy tính có thể tự học mà không cần đến sự hỗ trợ từ con người và có thể đạt đến độ chính xác mới.
Google hiện đang dùng công nghệ này cho tính năng tìm kiếm hình ảnh và phần mềm nhận dạng giọng nói.
“Một bộ máy thông minh tuyệt đỉnh mà Việt từng tưởng tượng vẫn còn là ý tưởng xa vời. Nhưng chứng kiến ý tưởng của anh ấy tạo ra các phần mềm đủ thông minh để hỗ trợ con người trong cuộc sống hằng ngày đã vui lắm rồi", MIT Technology Review nhận xét.
Vài nét về danh sách 35 Nhà sáng tạo dưới 35 Được hình thành hồi năm 1999 với tên gọi TR100, danh sách các nhà sáng tạo hàng đầu thế giới theo bình chọn của tạp chí MIT Technology Review vinh danh 100 nhân vật, nhưng sau đó đã rút xuống còn 35 người từ năm 2005. Toàn bộ 35 người được chọn có những thành tựu có khả năng định hình lĩnh vực mà họ đang theo đuổi trong nhiều thập kỷ và họ đã giải quyết các khó khăn bằng nhiều cách khác nhau theo một cách rất đáng ghi nhận, MIT Technology Review cho biết. Một vài người trong số những người được bình chọn được xếp vào hạng mục Nhà sáng tạo vì họ phát triển công nghệ mới. Lê Viết Quốc nằm trong hạng mục Người có tầm nhìn xa vì đây là những người mà MIT Technology Review cho rằng đã cho thấy các công nghệ có thể được dùng theo một cách mới mẻ và tốt đẹp hơn. Hạng mục Nhà từ tâm gồm những người dùng công nghệ để tăng cơ hội hoặc thông báo các chính sách cộng đồng. Hạng mục Nhà tiên phong gồm những người xây dựng nền tảng cho các sáng chế trong tương lai, còn Doanh nhân là hạng mục để chỉ những người xây dựng các doanh nghiệp công nghệ mới. Trong số những nhân vật từng có tên trong danh sách của MIT Technology Review có Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập Google, Linus Torvalds, “cha đẻ” hệ điều hành Linux, Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo!, Jonathan Ive, người tạo ra hình hài của các sản phẩm Apple và Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook. |
Hoàng Uy
>> Ba nhà khoa học Việt Nam lọt vào top 'có ảnh hưởng nhất thế giới
>> 6 nhà khoa học Việt Nam nhận giải thưởng ngành công nghiệp hạt nhân
>> Vụ thuyền viên VN gặp nạn trên tàu Hàn Quốc: Một nhà khoa học Việt Nam tham gia cứu hộ
Bình luận (0)