Lên án đa cấp ở điều gì?

16/12/2015 09:40 GMT+7

Hành động tràn xuống phố và hét lên những câu bày tỏ khát vọng của nhóm bạn trẻ bán hàng đa cấp không có gì đáng phê phán. Nhưng các bạn trẻ ấy sai điều gì? Đó là sai về cái nhìn trong việc kiếm tiền.

Hành động tràn xuống phố và hét lên những câu bày tỏ khát vọng của nhóm bạn trẻ bán hàng đa cấp không có gì đáng phê phán. Nhưng các bạn trẻ ấy sai điều gì? Đó là sai về cái nhìn trong việc kiếm tiền. 

Ở Việt Nam, người bán hàng đa cấp thường có xu hướng "chém gió" về tác dụng của sản phẩm - Minh họa: DADỞ Việt Nam, người bán hàng đa cấp thường có xu hướng "chém gió" về tác dụng của sản phẩm - Minh họa: DAD
Những ngày gần đây, clip về một nhóm thanh niên bán hàng đa cấp tràn xuống phố đi bộ Nguyễn Huệ được bàn tán rất nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Những bạn trẻ này hứng chịu rất nhiều lời đả kích nặng nề. Nhưng ý kiến chỉ trích lại đa phần xuất phát từ cảm tính cá nhân cực đoan, trong khi xét về hành động này, chúng ta không có quyền gì lên án họ.
Vì sao? 
Đầu tiên là đã có hẳn nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, cũng có nghĩa là hoạt động này được pháp luật thừa nhận. Pháp luật chỉ chế tài những hành vi nằm trong danh sách nghiêm cấm thực hiện. Một người rất bình thường cũng có quyền đứng ở phố đi bộ hét lên rằng tôi yêu gia đình tôi, người yêu tôi, thậm chí là yêu con chó của tôi. Vậy thì chúng ta có quyền gì lên án nhóm người thể hiện suy nghĩ của mình?
Khát vọng làm giàu cũng là chính đáng và không thể lên án. Xã hội Việt Nam lâu nay ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo rất lớn. Ngay từ xa xưa đến nay, cái nhìn của người dân đối với giới kinh doanh bao giờ cũng kèm theo ánh mắt nghi vấn. Câu “buôn gian bán lận” truyền từ đời này sang đời khác. Đây là cái nhìn thiếu công bằng. Và những bạn trẻ đứng giữa phố đi bộ, bày tỏ khát vọng kiếm được 1.000 USD/tháng, đặt mục tiêu có 100.000 USD, trở thành tỉ phú đô la… thì có gì sai? 
Hành động của họ cũng chả có gì sai nốt. Có thể những cái đập tay, những tiếng hét lạc giọng, những tràng pháo tay cổ vũ… không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Nhưng xin thưa, đó là hành động hết sức bình thường trong hoạt động kinh doanh của nhiều công ty trên thế giới. Ở Phố Wall, điều này không lạ. Ở tập đoàn Wal–Mart, việc đứng vòng tròn vỗ tay, hô to từng ký tự tên công ty cũng rất thường. Đó chẳng qua là một cách khích lệ lẫn nhau mà thôi.
Có thể nói phương thức bán hàng đa cấp là cách bán hàng thông minh nhất mà nhân loại từng nghĩ ra để tiền lời có thể sinh sôi theo cấp số nhân. Nếu không phải là hoạt động đa cấp trá hình thì việc những người bán hàng đa cấp trở nên giàu có cũng chỉ là bình thường. Chúng ta quá dị ứng với bán hàng đa cấp, bởi ở Việt Nam, các công ty trá hình hoạt động quá nhiều từ trước đến này. Ở nhiều nước, cách nhìn của người dân đối với bán hàng đa cấp không đến mức “kỳ thị” đến như vậy. 
Nhưng các bạn trẻ ấy sai điều gì? 
Đó là sai về cái nhìn trong việc kiếm tiền. Sau khi đưa ra mục tiêu, họ liên tục hét lạc giọng một câu “thần chú”: “Tôi sẽ bất chấp tất cả”! Trong bán hàng đa cấp, khi bất chấp tất cả, những người bán hàng sẽ rất dễ sa vào kiểu bán trá hình: chém gió về công dụng sản phẩm quá xa so với thực tế, nâng giá quá cao, dụ dỗ lôi kéo người không có hiểu biết gì tham gia chỉ để xây “kim tự tháp”… 
Năm 2007, tôi có tham gia viết chung trong một bộ sách của PACE về những huyền thoại trong kinh doanh. Ngoài những cái tên lẫy lừng trên thế giới như Henry Ford, Sam Walton, Thomas Watson, Akio Morita, Larry Page… còn là Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can. Một tư tưởng nhất quán mà bộ sách này hướng đến, cũng là đúc rút hàng trăm năm của các huyền thoại kinh doanh là: “Kinh doanh đầu tiên phải đem đến lợi ích cho người khác. Sau đó, lợi nhuận sẽ tự động tìm về”. Đó là Sam Walton thành lập Wal–Mart với triết lý tìm cách bán hàng rẻ nhất cho người dùng, là Larry Page sáng lập Google với quan niệm tạo một công cụ tìm kiếm mọi thứ trên thế giới cho người sử dụng…
Đó là tư tưởng mà giới khởi nghiệp trên khắp thế giới đều hướng đến. Một thủ lĩnh trong giới startup Việt cũng thừa nhận: “Khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ không phải là cách hay để kiếm tiền. Trên thực tế, đây là cách dễ mất tiền nhất với hơn 90% các công ty khởi nghiệp sẽ chết vì hết tiền. Bạn chỉ làm khởi nghiệp khi có niềm tin sắt đá vào 2 việc: “việc mình làm sẽ mang lại cực kỳ nhiều lợi ích cho xã hội” và “nếu mình mang đến đủ lợi ích cho xã hội thì xã hội sẽ luôn công bằng với mình cách này hay cách khác”.” Cách “làm thế nào để có nhiều lợi nhuận nhất” chính là “làm thế nào để tạo ra nhiều giá trị cho xã hội nhất”.
Bởi thế, tôi nghĩ đây là lời giải thích cho việc các bạn trẻ sẵn sàng lao vào bán hàng đa cấp như những con thiêu thân thời gian qua. Vì họ thiếu triết lý kinh doanh. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, kiếm tiền là kinh doanh, và để kiếm tiền thì có thể bất chấp tất cả. Đồng tiền luôn có cái giá riêng của nó và để kinh doanh bền vững và trường tồn, bất chấp mọi thứ để kiếm tiền không phải là hướng đi đúng đắn. 
Tôi không quá khó chịu với việc “xuống đường” của các bạn trẻ bán hàng đa cấp. Nhưng cái cách các bạn quan niệm về chuyện kiếm tiền thì tôi vô cùng khó chịu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.