Chân núi phía đông giáp với biển xã Hòa Tâm, phía tây là đoạn QL1A chạy qua chân đèo Cả, phía bắc giáp với cánh đồng xã Hòa Xuân Nam và phía nam là cảng biển Vũng Rô. Người Pháp gọi đỉnh núi là ngón tay của Chúa, người Chămpa gọi khối đá này là chiếc Linga vĩ đại (tượng trưng cho dương tính) tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và cảng biển Vũng Rô kề bên được người dân tạm xem như là một Yoni (tượng trưng cho âm tính) tuyệt trần.
|
Linga và Yoni đứng gần nhau biểu trưng cho sự cân bằng hòa hợp âm dương nên dân chúng sống quanh vùng này luôn xem viên đá kia là linh thạch, phù hộ cho người dân gặp điều lành, làm ăn phát đạt. Từ xưa đến nay, đã có bao người mỗi lần qua đèo Cả đều ngước cổ trông ngọn Đá Bia sừng sững chọc trời mà ước chi một lần lên đến đỉnh núi để được chạm tay vào khối đá, tham quan cho tường tận cảnh non xanh nước biếc.
Không khó. Để lên được đỉnh, chúng ta xuất phát từ chân đèo, men theo con đường dẫn vào khu rừng thuộc địa phận rừng đặc dụng đèo Cả. Đoạn đường mở đầu khá hữu tình, bên dưới có nước suối chảy róc rách, tiếp theo là leo lên những bậc đá, có độ cao dựng đứng, cứ thế trèo lên. Có một điều khá thú vị là đỉnh núi Đá Bia dường như “đánh lừa” người ta bởi đứng giữa độ lưng chừng núi, nhìn lên thấy đỉnh đá rất gần, nhưng kỳ thực đi hoài mà chẳng thấy đỉnh đâu. Đoạn nửa đường, cảnh thiên nhiên núi rừng còn nguyên sơ rất nên thơ hữu tình. Hay nhất là được tận mắt nhìn thấy cánh rừng nguyên sinh với những cây mìn lin cổ thụ, những cây cọ tuyệt đẹp, những loài cây rừng xòe tán mát rượi lá trổ nhiều màu đẹp đến ngất ngây.
Khoảng cách từ chân đến đỉnh núi khoảng 2,5 km nhưng khi thượng sơn phải mất hơn 3 giờ đi bộ. Một hành trình vất vả nhưng rất đáng chinh phục. Trước khi đến đỉnh, người leo núi phải qua một “cổng trời” dựng đứng với 280 bậc tam cấp. Từ đỉnh núi, có thể quan sát khối linh thạch cao 76 m vững chắc nằm sừng sững giữa trời xanh, từ đây mặc sức ngắm cảnh quan thiên nhiên với một quần thể đá đẹp có nhiều hình dạng khác nhau. Nhìn về phía đông, biển hiện ra trong xanh phẳng lì như chiếc gương, phía bắc và phía tây ngắm cả đồng lúa Tuy Hòa xanh ngút ngàn, ngắm đèo Cả uốn lượn như dải lụa mềm và những xóm làng nhỏ bé dọc theo cung biển hiền lành song song với QL1A. Lên đỉnh Đá Bia ta sẽ tận hưởng được bầu không khí trong lành, mát dịu. Ngoài mục đích tham quan, du khách sẽ được “thử tài” và tự kiểm định sức khỏe của mình với một hành trình leo núi suốt hơn 3 giờ đồng hồ. Nhiều năm nay, Tỉnh đoàn Phú Yên đã triển khai dự án xây dựng con đường nhỏ lên đỉnh Đá Bia. Con đường này mở ra một khoảng cách “thân thiện” cho những ai có ý định thử sức với độ cao tức ngực này.
Trong kỳ vọng của nhiều người, núi Đá Bia là ngọn núi linh thiêng, vì thế, họ mong được một lần đặt chân đến để cảm nhận cuộc sống dương gian đầy ý nghĩa này. Chính vì thế, hiện nay phong trào chinh phục đỉnh Đá Bia để tham quan thưởng ngoạn khám phá đã thôi thúc nhiều du khách đến với ngọn núi nổi tiếng này.
Tuy An
>> Lên núi Bà Đen
>> Lên núi hái na
>> Lên núi Bà Đen câu thằn lằn
>> Quảy gánh đi lên núi
Bình luận (0)