Lèn Hà - Nơi thông tin như dòng máu đỏ

Bá Cường
Bá Cường
03/08/2023 09:49 GMT+7

Khi ngang tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận H.Tuyên Hóa (Quảng Bình), rất nhiều người muốn dừng chân viếng thăm hang Lèn Hà. Nơi đây từng có trạm thông tin liên lạc, vốn được các chiến sĩ xem thông tin như dòng máu đỏ của mình…

KÝ ỨC KHÓ QUÊN

Giữa tháng 7, tôi có dịp đến xã Thanh Hóa (H.Tuyên Hóa) để dâng hương tại Di tích lịch sử hang Lèn Hà, nơi đặt Trạm thông tin liên lạc A69 (Trạm A69, Trung đoàn thông tin 134, nay là Lữ đoàn thông tin 134) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, máy bay Mỹ ném bom khiến 13 chiến sĩ của Trạm A69 hy sinh và nhiều chiến sĩ khác bị thương…

Lèn Hà - Nơi thông tin như dòng máu đỏ - Ảnh 1.

Địa chỉ đỏ - hang Lèn Hà

BÁ CƯỜNG

Lúc vào nhà tưởng niệm xem những kỷ vật, tôi tình cờ gặp cụ ông tóc bạc, dáng người thấp. Cụ ông chỉ đi một mình. Hỏi thăm mới biết, cụ tên là Nguyễn Tiến Vinh, 72 tuổi, một cựu dân quân địa phương, hôm ấy về viếng các liệt sĩ. Nhà cụ Vinh ở thôn Bắc Sơn 1 (xã Thanh Hóa, H.Tuyên Hóa), cách hang Lèn Hà chỉ chừng 5km. Thời kỳ chiến tranh, cụ tham gia lực lượng dân quân tự vệ. "Trong số 13 liệt sĩ này, có 10 nữ chiến sĩ và một người do tôi chạy vào đưa thi thể ra khỏi đống đổ nát… Khoảnh khắc hoảng loạn đó đến giờ vẫn còn ám ảnh", cụ Vinh nhớ lại câu chuyện bi tráng của hơn 50 năm trước.

Trong số 13 liệt sĩ này, có 10 nữ chiến sĩ và một người do tôi chạy vào đưa thi thể ra khỏi đống đổ nát… Khoảnh khắc hoảng loạn đó đến giờ vẫn còn ám ảnh.

Cụ Nguyễn Tiến Vinh, 72 tuổi, cựu dân quân địa phương
Lèn Hà - Nơi thông tin như dòng máu đỏ - Ảnh 3.

Cụ Nguyễn Tiến Vinh

BÁ CƯỜNG

Tiếng bom nổ vang lên ngay đầu giờ chiều. Khi cùng lực lượng dân quân tập chạy vào hang, cụ Vinh thấy có 3 chiến sĩ còn sống nhưng mặt mày đã tái xanh. Chờ tình hình yên tĩnh hơn, cụ chạy xuống khu vực nhà ở dành cho các chiến sĩ nữ, nơi bị bom đạn đánh sập, chứng kiến cảnh lửa thiêu rụi nhiều thứ. "Lực lượng dân quân chúng tôi lao vào đống đổ nát để tìm kiếm thi thể các liệt sĩ, tìm thấy ai đưa lên cáng khiêng đi", cụ Vinh kể. Suốt hơn 50 năm qua, không chỉ đến dịp 27.7 mà thỉnh thoảng cụ Vinh vẫn đến hang Lèn Hà, thắp hương cho 13 liệt sĩ...

XỨNG DANH ĐỊA CHỈ ĐỎ

Ông Nguyễn Chí Thanh, cán bộ phụ trách văn hóa của xã Thanh Hóa, dẫn tôi vào sâu trong hang. Từ khu vực bia tưởng niệm, chúng tôi leo 269 bậc thang mới đến nơi đang lưu giữ các máy móc phục vụ cho việc thông tin liên lạc. Ông Thanh chia sẻ, 269 bậc thang được xây dựng có chủ đích, để "trùng" với tên của Trạm thông tin liên lạc A69.

Trên đường đến hang, tôi gặp anh Phan Xuân Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CP đường sắt Quảng Bình, đang cùng đoàn viếng thăm các địa chỉ đỏ tại Quảng Bình. Những chuyến tìm về địa chỉ đỏ của đoàn được thực hiện thường niên. "Đến tháng 7, công ty của chúng tôi lại tổ chức chuyến đi viếng thăm các địa chỉ đỏ trên khắp tỉnh Quảng Bình. Dẫu đến đây đã nhiều lần, nhưng khi nào đến tôi cũng không cũng khỏi xúc động, tiếc thương 13 liệt sĩ đã hy sinh. Bởi họ coi việc giữ thông tin liên lạc còn quý hơn cả mạng sống của mình", anh Dũng bày tỏ.

Từ ngoài tuyến đường Hồ Chí Minh vào đến di tích lịch sử hang Lèn Hà, hai bên đường được treo những băng rôn giới thiệu về các chiến sĩ tại Trạm A69. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là khẩu hiệu thể hiện sự quyết tâm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ của các chiến sĩ trẻ tuổi: "Dây là ruột, cốt là xương, thông tin là mạch máu".

Năm 2009, hang Lèn Hà được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và được đầu tư mở tuyến đường nhựa, xây dựng nhà dâng hương... "Hang Lèn Hà hiện đang được UBND tỉnh và các ban, ngành quan tâm. Sắp tới, di tích sẽ còn được nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hạng mục để phục vụ cho người dân viếng thăm, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ", bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hóa, nói.

Trạm thông tin liên lạc A69 (Trạm A69) thành lập ngày 7.1.1967, là trạm trung gian chuyển tiếp trên trục thông tin quân sự Bắc - Nam, trực tiếp đảm bảo thông tin cho Cụm kho binh trạm 25 thuộc Đoàn 559 ở Thanh Lạng, Binh trạm 12 ở Cổng Trời, Sư đoàn Phòng không 367, Viện 4 - Quân khu 4, Đồn biên phòng Cha Lo và căn cứ hải quân tại Ba Đồn. Đây cũng là kho dự trữ trang bị của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.