Sau hàng chục năm dư luận lên tiếng về tình trạng đàn Âm hồn ở Huế bị xâm hại nghiêm trọng do các hộ dân xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố trong khuôn viên đàn, cuối cùng di tích tâm linh gắn liền với sự kiện bi tráng thất thủ kinh đô năm 1885 cũng đã được trả lại đất.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đơn vị vừa chi 2,7 tỉ đồng để đền bù cho các hộ dân, chưa kể chi phí san ủi lại mặt bằng và che chắn chung quanh khuôn viên. Đến nay, diện tích sử dụng của đàn với gần 1.400 m2 đã được thu hồi; trung tâm cũng đã tiến hành các bước như thu thập tư liệu, xác lập hồ sơ để lên kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích này.
Theo tư liệu của PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, 9 năm sau ngày kinh đô thất thủ, dưới triều vua Thành Thái, đàn Âm hồn mới được triều đình cho thiết lập. Năm 1894, Bộ Lễ lập đàn ở một bãi đất ở gần cửa Quảng Đức, người ta dựng các bàn thờ để cúng vong linh tử nạn trong chiến tranh. Sau năm 1945, Phổ Phước Lợi, một tổ chức tế lễ "phi nhà nước", gồm hơn 100 gia đình thành viên, đã đảm nhận việc cúng tế đến tận hôm nay.
Bình luận (0)