'Lên mạng' là gặp 'bóc phốt'

09/09/2023 11:35 GMT+7

Khi lướt mạng xã hội không khó để bắt gặp cảnh "bóc phốt", moi móc, tố nhau qua lại giữa các cá nhân tạo ra những thông tin tiêu cực ngày càng nhiều.

Mọi vấn đề đều bị “bóc phốt”

Tháng 7.2023, hàng loạt tài khoản mạng xã hội chia sẻ bài viết "bóc phốt" từ một cửa hàng thời trang ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM tố 2 thực tập sinh hành xử thiếu chuyên nghiệp. Nội dung bài viết nói về mâu thuẫn giữa cửa hàng và 2 thực tập sinh trong vấn đề công việc. Nguyên nhân chính là quản lý cửa hàng đã giữ lại tiền lương của 2 thực tập sinh cho tới khi bàn giao nghỉ việc. Trong khi đó, 2 thực tập sinh này không bàn giao theo cam kết, mà còn phá hủy nhiều dữ liệu quan trọng của cửa hàng.

Đây không phải là trường hợp duy nhất nói về chuyện “bóc phốt” liên quan đến vấn đề việc làm hiện nay. Thử gõ cụm từ “bốc phốt việc làm” trên các trang mạng xã hội cũng không thiếu những kết quả tố cáo qua lại giữa người lao động và các công ty tuyển dụng.

Hễ lên mạng là gặp “bóc phốt” - Ảnh 1.

Hình ảnh nữ sinh viên bị cho là ăn ở mất vệ sinh bị chủ trọ đăng tải lên mạng xã hội để "bóc phốt"

CHỤP MÀN HÌNH

Khoảng vài năm trở lại đây, xuất hiện nhiều hội nhóm trên mạng có lượt theo dõi lớn trở thành nơi “bóc phốt” đời tư của người nổi tiếng. Những hội nhóm này thường đưa thông tin, hình ảnh, chụp màn hình, bình luận để đẩy vấn đề thành cao trào. Từ đó khiến không ít người nổi tiếng nhận những bình luận chửi rủa, xúc phạm danh dự.

Còn nhớ, cách đây 1 năm, mạng xã hội lại bùng nổ tranh cãi giữa những “TikToker review” và các chủ hàng quán. Sau lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi liệu các TikToker có đang vượt quá giới hạn, cố tình chê, “bóc phốt”, tự cho mình là chuẩn mực nhằm "hạ bệ" các hàng quán? Sự việc này cũng làm xôn xao mạng xã hội trong thời gian dài.

Võ Thị Kim Oanh (26 tuổi), nhân viên văn phòng, ngụ tại đường Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết lướt mạng là việc không thể thiếu của người trẻ hiện nay. Trung bình mỗi ngày, Oanh dành ra ít nhất từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ để lướt mạng xã hội. Việc này, giúp Oanh giải trí, cập nhật những thông tin mới một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, dù không thích “hóng drama” nhưng Oanh vẫn bị những thông tin “bóc phốt” trên mạng tự động làm phiền. “Ban đầu, khi thấy những cảnh này tôi hứng thú và muốn theo dõi để nắm được toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, khi có quá nhiều người hoặc quá nhiều trang chia sẻ, cập nhật về vấn đề tiêu cực đó đã gây cho tôi cảm giác bị bội thực, khó chịu và ảnh hưởng đến tâm trạng của bản thân”, Oanh nói.

Hễ lên mạng là gặp “bóc phốt” - Ảnh 2.

Bài đăng tố nhân viên của 1 công ty thu hút sự quan tâm của dư luận

Chụp màn hình

Còn Nguyễn Thị Minh Lý (30 tuổi), làm việc tại Công ty cổ phần phát triển bất động sản Sunrise Holdings, cho biết dù không thích theo dõi “chuyện đời” trên mạng xã hội nhưng vẫn thường xuyên có những clip, cảnh “bóc phốt” ngoại tình, lừa đảo, ứng xử kém văn hóa, tố cáo người khác. Dù Lý đã thấy và báo cáo vi phạm hoặc hạn chế cho xuất hiện trên dòng thời gian trong tài khoản cá nhân nhưng vẫn không đếm xuể. Vài ngày sau đó, Lý vẫn thấy “phốt cũ đã qua thì phốt mới lại đến”.

“Cụ thể, gần đây tôi thấy nhiều clip của các bạn gen z nói về quan điểm cá nhân nhưng thường chê bai người khác, thích gì nói đó mà không có bằng chứng cụ thể nào. Hoặc một số TikToker trẻ tìm cách bới móc, “bóc phốt” người khác khi có vấn đề gì đó nổ ra chỉ để tăng tương tác. Các thông tin như vậy luôn gây hoang mang, tiêu cực về tâm lý cho mọi người và cả tôi”, Lý nhìn nhận.

Hãy tắt những thông báo từ các nhóm

Là người nghiên cứu truyền thông, mạng xã hội, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông Trường ĐH Văn Lang, cho rằng những vấn đề tiêu cực từ chuyện “bóc phốt” đang chiếm nhiều không gian trên mạng xã hội và thu hút lượng lớn người theo dõi, nhất là giới trẻ. Nguyên nhân xuất phát từ bản chất của con người thường ưa thích những chuyện ồn ào, có liên quan tới người nổi tiếng, hoặc những tai tiếng nào đó.

“Đây là điều đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu truyền thông đúc kết. Hiện nay, mạng xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều hội, nhóm có chung sở thích, quan điểm phát triển. Khi đó, việc một vấn đề được đưa lên nhóm và trở thành một chủ điểm ồn ào, thu hút dư luận là thường thấy. Nhìn lại cách đây khoảng 10 năm, khi các diễn đàn trên mạng mới hình thành, cũng đã có rất nhiều dạng ồn ào, bàn tán về “phốt” và tai tiếng. Nhưng có lẽ số lượng thành viên tương tác và mức độ lan tỏa của mạng xã hội cao hơn nhiều so với dạng diễn đàn, nên ta thấy mọi chuyện đang có chiều hướng nở rộ hơn”, thạc sĩ Tú nói.

Thạc sĩ Tú cho biết thêm để đi đến kết luận tần suất xuất hiện của “phốt” ngày càng nhiều, chắc chắn cần có thêm những khảo sát, nghiên cứu trên diện rộng. Do đó, giới chuyên gia sẽ chưa vội đưa ra giải pháp. Song, rõ ràng nếu nhiều người đang cảm thấy mình bị hao phí thời gian, tâm sức vào mạng xã hội, hay cụ thể hơn, vào những chuyện “bóc phốt” trên mạng, có lẽ giới trẻ cần tập thói quen tắt những thông báo từ các mạng xã hội hoặc hội, nhóm mà mình đang tham gia. Đây có vẻ là một giải pháp đơn giản và mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian của sự xao nhãng.

Hễ lên mạng là gặp “bóc phốt” - Ảnh 3.

Các hội nhóm "bóc phốt" trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều

Chụp màn hình

Trong khi đó, Phạm Đức Trung, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cho biết đã nhìn nhận một cách tích cực hơn khi thấy các vấn đề “bóc phốt” trên mạng. Trung cho biết: “Tôi thường theo dõi thông tin "bóc phốt" liên quan đến lừa đảo, vi phạm pháp luật, văn hóa ứng xử. Bởi vì nếu chịu khó quan sát, phân tích sẽ giúp tôi biết các hành vi lừa đảo để bản thân phòng tránh và không bị lôi kéo tham gia. Đồng thời, khi theo dõi về các vụ việc tôi có thêm nhiều kiến thức pháp luật về các lĩnh vực khác nhau”.

Còn Lê Công Danh, sinh viên Trường CĐ FPT, cho biết mục đích dùng mạng xã hội để theo dõi cuộc sống hằng ngày của bạn bè, thầy cô, gia đình. Những nội dung mang năng lượng tích cực thì Danh sẽ tiếp thu và học lấy làm kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên, nếu “phốt” xuất hiện nhiều trên tài khoản mạng xã hội thì Danh cố gắng lướt qua, lựa chọn tin tức bắt mắt và những câu chuyện tích cực để theo dõi và lan truyền.

Danh nói: “Không có trường hợp nào gây ảnh hưởng đến tâm trạng, tâm lý của tôi hết, vì bản thân tự biết cân bằng, chắt lọc. Tôi luôn xác định bản thân là người lan tỏa năng lượng tích cực hơn là a dua vào những cuộc bàn tán, “bóc phốt” vô bổ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.