Lì xì tết bao nhiêu để không bị 'chê ít'?

10/02/2024 12:16 GMT+7

Ngày tết, việc lì xì mang ý nghĩa đem đến sự may mắn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người cũng cân nhắc để phù hợp với tình hình vật giá leo thang.

Đôi khi rơi vào tình huống khó xử

Từ xưa đến nay, lì xì là một phần không thể thiếu trong tết. Những bao lì xì đỏ thắm tượng trưng cho lời chúc may mắn, thịnh vượng cả năm. Việc lì xì không chỉ giới hạn trong 3 ngày từ mùng 1 đến mùng 3, mà còn có thể kéo dài tới tận mùng 10.

Lễ nghĩa xưa, sáng mùng 1 tết, mọi người quây quần bên bữa cơm đoàn viên. Con cháu xếp thành hàng, từng người chờ tới lượt gửi lời chúc tốt đẹp đến ông bà, cha mẹ. Sau đó, người lớn mừng tuổi cho con cháu một số tiền nho nhỏ, mang ý nghĩa tinh thần là chính.

Lì xì tết bao nhiêu để không bị 'chê ít'?- Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ cân nhắc việc lì xì bao nhiêu để phù hợp với tình hình vật giá ngày càng leo thang

THANH DUY

Ngày nay, việc lì xì không chỉ có ở ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác. Người trẻ cũng rất quan tâm việc lì xì, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, với người trẻ, chuyện lì xì không đơn thuần là hình thức mà họ còn cân nhắc với số tiền bên trong để phù hợp với vật giá.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc (29 tuổi, xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang) chưa lập gia đình, có việc làm tại một bệnh viện tư ở Tiền Giang. Mỗi khi tết đến, anh đều lên danh sách những đứa cháu thân thuộc rồi chuẩn bị sẵn phong bao lì xì tết. Anh rất quan tâm tới việc lì xì bao nhiêu để không bị "chê ít" so với giá cả thị trường hiện tại.

Chị Võ Huyền Chân (28 tuổi, H.Hồng Dân, Bạc Liêu), nhân viên một siêu thị tại Cần Thơ, cho rằng số tiền lì xì "coi được" hiện nay phải 50.000 đồng trở lên. Chị từng rơi vào tình thế khó xử khi gửi bao lì xì 30.000 đồng, rồi bị đứa trẻ xé ngay trước mặt và chê ít, dấy lên sự ngượng ngùng không thể tả với đồng nghiệp xung quanh.

"Nhiều lúc, lì xì bao nhiêu cũng gây áp lực khi nghĩ đến việc phải làm vừa lòng cả cha mẹ đứa trẻ được tặng nữa. Điều đó làm tôi thấy việc lì xì dần mất đi ý nghĩa cội nguồn là món quà lấy hên, mong may mắn trong dịp đầu năm", chị Chân chia sẻ.

Phải "nhìn mặt" gia chủ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, chị N.T.D.M (30 tuổi, xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết từng được nghe một người bạn thẳng thừng chê bai lì xì ít. Số tiền 10.000 - 20.000 đồng còn không bằng tiền phụ huynh cho tiền con đi học bán trú một ngày. Số tiền này quy ra mua được ổ bánh mì thịt, 2 cây xúc xích thì đã hết sạch nên nhận xét là quá bèo.

Lì xì tết bao nhiêu để không bị 'chê ít'?- Ảnh 2.

Nhiều người trẻ quan niệm rằng, khi lì xì thì đừng nghĩ đến việc cho đi - nhận lại

THANH DUY

"Văn hóa xưa, người ta tặng phong bì 1 tờ tiền chẵn, vài đồng bạc lẻ cốt là để cho nó sinh sôi, nảy nở. Đáng nói là ngày nay, nhiều người lại dựa vào số tiền lì xì để đong đếm tình thương, thước đo mối quan hệ. Một vị khách xã giao đến lì xì 100.000 đồng thì được đánh giá là "sộp" hơn hẳn một người lì xì 20.000 đồng", chị M. bộc bạch.

Đối với người trẻ đi làm việc trong môi trường tập thể, dưới sự quản lý của cấp trên, việc lì xì một năm chỉ có 1 lần nhưng đôi lúc khiến họ cảm thấy không thoải mái khi rơi vào tình trạng bằng mặt không bằng lòng. Thực tế, có rất nhiều người trẻ "nhìn mặt" sếp để lì xì trước khi nghĩ tới những đứa trẻ.

Chị N.T.T (30 tuổi, ngụ H.Hồng Dân, Bạc Liêu) làm việc trong một cửa hàng tạp hóa. Mỗi khi tết đến, chị đều đến nhà sếp chúc tết và lì xì con của sếp. "Vì muốn giữ mối quan hệ tốt, làm việc suôn sẻ nên con của sếp mình lì xì hậu hĩnh hơn những đứa cháu trong dòng tộc. Nhiều lúc mình không thấy việc lì xì xuất phát từ tình cảm, tấm lòng nữa mà nó đã mang ý nghĩa là món quà thay lời cảm ơn, làm hài lòng người lớn nhiều hơn", chị T. tâm sự.

Theo anh Võ Thành Lập (24 tuổi, H.Hồng Dân, Bạc Liêu), những đứa trẻ còn nhỏ chưa biết gì, việc nhận tiền lì xì cốt để cho cha mẹ giữ và kiểm tra bao nhiêu. Trong đó, nhiều người còn giữ tâm lý nợ nần, số tiền lì xì trao qua lại ít nhất phải bằng hoặc cao hơn thì mới là biết điều. "Nhiều lúc rơi vào cảnh khó, người ta lì xì cho mình 500.000 đồng. Họ có 2 đứa con thì chẳng lẽ mình phải lì xì lại mỗi đứa 500.000 đồng thì mới phải phép. Tôi nghĩ, việc lì xì quan trọng nhất vẫn tấm lòng và trên tinh thần tự nguyện. Tùy vào hoàn cảnh, mình có thể gửi lì xì hoặc không, nhưng khi cho thì đừng nghĩ đến việc cho đi - nhận lại', anh Lập nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.