Đội tuyển Anh sẽ đối đầu Hà Lan trong trận bán kết EURO 2024, diễn ra lúc 2 giờ ngày 11.7. Đây là cuộc đấu hấp dẫn không chỉ bởi hai đội cân tài cân sức, mà còn bởi cả Anh và Hà Lan đã nhiều lần vượt qua "ải khó" ở EURO 2024, dù không chơi thuyết phục, nhưng vẫn lọt vào vòng 4 đội mạnh nhất nhờ sự lì lợm.
Đừng lý giải đội tuyển Anh
Mặc cho bao chỉ trích về lối chơi nghèo nàn và thiếu ý tưởng, đội tuyển Anh vẫn lọt vào bán kết EURO 2024. Từ đầu giải đấu đến giờ, các học trò HLV Gareth Southgate chưa một lần bị đánh bại.
Một số lập luận nói rằng Anh may mắn khi rơi vào nhánh đấu nhẹ nhàng (tránh được Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ), nhưng hãy nhìn 4 giải lớn gần nhất: Anh đã lọt vào bán kết World Cup 2018, chung kết EURO 2020, tứ kết World Cup 2022 và hiện tại là bán kết EURO 2024. May mắn chỉ xuất hiện một lần, còn khi Anh đều đặn tiến sâu ở các giải lớn, không thể lý giải đó là vận may thuần túy.
Đội tuyển Anh không có lối chơi rõ ràng như Tây Ban Nha, Đức, không có hàng thủ mạnh như Pháp, cũng không lôi cuốn kiểu Hà Lan. Thậm chí, lối đá của Anh bị nhận xét là thận trọng đến mức có phần... hèn nhất. Song, HLV Southgate có cái lý riêng. Ông xây dựng hệ thống chiến thuật đơn giản nhất có thể, đặt nặng phòng ngự, thận trọng ở từng nước đi, nhằm hạn chế rủi ro mắc sai lầm.
Thực tế đã chứng minh, những đội bùng nổ thường không tiến xa bằng những đội dù tiến chậm, nhưng mắc ít sai lầm. Đơn cử ở EURO 2020, đội tuyển Ý đã chơi tấn công đẹp mắt ở vòng bảng, nhưng từ vòng 16 đội trở đi, đội bóng áo thiên thanh đã thắng Áo, Bỉ, Tây Ban Nha và sau đó là Anh ở chung kết bằng sự thực dụng, lầm lì đặc trưng của bóng đá Ý.
Trong 4 trận tứ kết đã diễn ra với tổng cộng 450 phút, chỉ có 8 bàn thắng được ghi, trung bình phải chờ tới 56,25 phút, khán giả mới được chứng kiến 1 bàn thắng. Thực dụng đang là xu thế ở EURO 2024, khi các đội đều đề cao sự chắc chắn và khoa học.
Đội tuyển Anh bị chỉ trích, bởi HLV Southgate đang có dàn cầu thủ tấn công ấn tượng. Tuy nhiên khi đang đưa Anh đi đúng hướng với thành tích ấn tượng bậc nhất trong gần 60 năm qua, Southgate không cần phải thay đổi. Ở trận bán kết với Hà Lan, Anh vẫn sẽ "cằn cỗi" như đã thể hiện trước Thụy Sĩ, Slovenia hay Slovakia.
Miễn "Tam Sư" chưa dừng bước, chê trách Southgate kiểu gì đây?
Khó cho Hà Lan
Câu chuyện "vô chiêu thắng hữu chiêu" đôi khi không chỉ tồn tại trong võ thuật, mà còn ở khuôn khổ bóng đá. Rất khó bắt bài đội tuyển Anh, khi học trò của HLV Southgate thực ra cũng... không có bài vở, mảng miếng.
Các cầu thủ phối hợp theo từng "tổ" đã quen với cách đá của nhau, đột phá cá nhân để ghi bàn, hơn là vận hành trên một nguyên lý chiến thuật cụ thể. Đối đầu với một đội bóng chưa biết bùng nổ ở đâu, hay có thể bùng nổ ở bất cứ vị trí nào, là bài toán khó của HLV Ronald Koeman.
Khác với đội tuyển Anh, Hà Lan thi đấu khá chân phương. Không có một chân chuyền cầm nhịp như Frenkie de Jong ở tuyến giữa, "cơn lốc da cam" dù vẫn lấy nền tảng tấn công làm chủ đạo, nhưng lại không kiểm soát được nhịp chơi.
Hà Lan có thể cuốn phăng những đội yếu bóng vía như Romania, nhưng gặp những đối thủ kiểm soát nhịp độ tốt (Áo, Pháp), hay lì lợm như Thổ Nhĩ Kỳ, đội bóng của Koeman sẽ lộ ra điểm yếu. Hà Lan tấn công tốt, song có đủ hay để hóa giải hàng thủ mới thủng lưới 3 bàn từ đầu giải của Anh, đó vẫn là dấu hỏi. Ngược lại, hàng thủ đã lọt lưới tới 5 bàn của Hà Lan không dễ chống chọi với những mũi công giỏi tạo đột biến như Bukayo Saka, Jude Bellingham, Cole Palmer hay Harry Kane.
Nếu đội tuyển Anh thi đấu cù cưa, kéo trận đấu vào hiệp phụ hay luân lưu, thầy trò HLV Southgate sẽ có lợi nhờ sở hữu lực lượng rất dày, khác với Hà Lan chỉ xoay quanh một bộ khung chính. Cửa chung kết đang rộng mở với "Tam Sư"!
Bình luận (0)