Lịch sử 'thất thủ' của Nhà Trắng

06/10/2013 09:00 GMT+7

Tình trạng chính phủ liên bang Mỹ đang ngừng hoạt động đã ghi dấu lần thứ 18 việc Nhà Trắng bị “thất thủ” vì không được quốc hội thông qua ngân sách.

Tình trạng chính phủ liên bang Mỹ đang ngừng hoạt động đã ghi dấu lần thứ 18 việc Nhà Trắng bị “thất thủ” vì không được quốc hội thông qua ngân sách.

 
Nhà Trắng đang bị “thất thủ” lần thứ 18 kể từ năm 1976 - Ảnh: shutterstock

Không hẹn mà gặp, các nhà làm phim Hollywood tung ra đến 2 tác phẩm điện ảnh là  Olympus Has Fallen (Tựa tiếng Việt: Nhà Trắng thất thủ) và White House Down (Giải cứu Nhà Trắng) đều nói về việc Nhà Trắng bị kiểm soát bởi các lực lượng khủng bố. Tất nhiên, cả hai đều là kịch bản điện ảnh. Thế nhưng, trong thực tế, Nhà Trắng đã “thất thủ” theo một cách khác. Đó là khi Đồi Capitol ngày 30.9 “cầm tù” thỏa thuận ngân sách liên bang do Nhà Trắng đệ trình. Vì thế, chính phủ liên bang Mỹ phải tạm ngưng hoạt động kể từ ngày 1.10, ngoại trừ những bộ phận thiết yếu nhất, còn lại hầu hết các cơ quan công quyền đều phải đóng cửa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Nhà Trắng, đầu não của chính quyền liên bang, xem như “sụp đổ”.

18 lần “chết máy”

Theo tờ The Washington Post, kể từ khi quá trình chuẩn thuận ngân sách mới chính thức có hiệu lực vào năm 1976, chính phủ liên bang Mỹ đã có đến 18 lần rơi vào tình trạng ngưng hoạt động vì Đồi Capitol và Nhà Trắng không tìm được tiếng nói chung.

Lần đầu tiên xảy ra vào năm 1976, dưới thời Tổng thống Gerald Ford. Lúc bấy giờ, Tổng thống Ford phủ quyết một dự luật tài trợ cho Bộ Y tế và Lao động, Giáo dục, phúc lợi. Cả hai phía đều không chịu nhún nhường, dẫn đến kết quả chính phủ liên bang phải nghỉ mệt đến 10 ngày.

Tương tự, hai năm sau đó, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, Nhà Trắng và Đồi Capitol lại bất đồng sâu sắc vì một vấn đề hệ trọng khác của quốc gia là kinh phí tăng cường tàu sân bay hạt nhân. Ông Carter cho rằng tàu sân bay hạt nhân là quá tốn kém và lãng phí nên phủ quyết chương trình này. Ngoài ra, ông còn phủ quyết một dự án công cộng khác. Trời không chịu đất mà đất cũng chẳng chịu trời nên chính phủ “ngồi chơi xơi nước” suốt 18 ngày. Cuối cùng, Carter có phần thắng thế khi lưỡng viện quốc hội tạm chấp nhận chưa làm tàu sân bay hạt nhân. Tuy nhiên, đến nay Mỹ lại là quốc gia đang sở hữu đến 10 chiếc hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng nguyên tử, lực lượng hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

Cứ mỗi lần chính phủ liên bang ngưng hoạt động thì không ít hoạt động bị đình trệ. Theo tài liệu do Quốc hội Mỹ công bố hồi cuối tháng 9, nếu tình trạng “chết máy” xảy ra, trừ các trường hợp “cháy nhà chết người” cực kỳ quan trọng, còn lại hầu hết các cơ quan công sở, bộ ngành liên quan đều ở không. Ước tính, khoảng 800.000 công chức Mỹ sẽ ngồi nhà chơi và hàng trăm ngàn người khác “treo niêu” chờ lương.

Thế nhưng, may mắn là mỗi tiểu bang đều có ngân sách hoạt động riêng nên những hoạt động của chính quyền địa phương đều được tiếp diễn. Ngoài ra, quân đội và lực lượng an ninh liên bang vẫn được duy trì ở mức tối thiểu.

Các kỷ lục

Tất nhiên, dù có bị ảnh hưởng ít hay nhiều thì chẳng người dân Mỹ nào mong muốn chính phủ liên bang ngừng hoạt động. Vậy mà, trớ trêu thay, chẳng phải lần “chết máy” nào cũng do những bất đồng quá lớn mà đôi khi xuất phát từ những vấn đề rất đơn giản. Trong suốt 18 lần chính phủ liên bang ngưng hoạt động, có đến 3 lần bắt nguồn từ tranh cãi về bảo trợ phá thai. Năm 1977, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, Hạ viện nhất quyết tiếp tục cấm sử dụng tiền bảo trợ y tế để chi trả việc phá thai, trừ trường hợp tính mạng người mẹ bị đe dọa. Chỉ vì bất đồng này mà chính phủ phải ngưng hoạt động đến 12 ngày, kể từ ngày 30.9.

Sau đó, hai bên tạm đưa ra một thỏa thuận ngắn hạn để chính phủ nối lại hoạt động nhưng đến ngày 31.10 thì thỏa thuận ngắn hạn kết thúc mà bất đồng vẫn chưa được giải quyết. Kết quả là tình trạng “chết máy” lại kéo dài tiếp 8 ngày, rồi đạt thỏa thuận ngắn hạn thêm một lần nữa. Đến ngày 30.11, đến hẹn lại lên, thỏa thuận ngắn hạn kết thúc mà hai bên vẫn chẳng chịu nhường bước nên chính phủ liên bang lại “ngồi chơi xơi nước” thêm 8 ngày thì bất đồng mới chính thức kết thúc. Vì thế, vấn đề bảo trợ phá thai trở thành nguyên nhân của kỷ lục 3 lần “chết máy” trong một năm của chính phủ Mỹ.

 

Trong khi đó, Tổng thống Ronald Reagan lại giữ kỷ lục là ông chủ Nhà Trắng bị “thất thủ” nhiều lần nhất. Suốt quá trình lãnh đạo nước Mỹ từ năm 1981 - 1989, ông Reagan có đến 8 lần chứng kiến chính phủ liên bang “chết máy”. Ngoài ra, dưới thời tổng thống này, chính quyền liên bang ngày 30.9.1982 ngưng hoạt động do nguyên nhân “không đụng hàng” nhất. Đơn giản chỉ vì hôm đó quốc hội không có kế hoạch thảo luận về ngân sách, có cả ông nghị bận tham dự buổi tiệc vận động, nên lưỡng viện quốc hội đã chẳng thông qua ngân sách. Tất nhiên, qua đến hôm sau, Đồi Capitol đã nhanh chóng giải quyết nên hoạt động của chính phủ liên bang chỉ bị đình trệ trong một ngày.

Không nhiều bằng ông Reagan về số lần “chết máy”, nhưng Tổng thống Bill Clinton lại nắm giữ kỷ lục về lần ngừng hoạt động lâu nhất của chính phủ Mỹ khi kéo dài từ tháng 12.1995 qua đến tháng 1.1996. Hồi tháng 11.1995, chính phủ liên bang dưới quyền ông Clinton cũng từng ngưng hoạt động trong 5 ngày. 

Cuối cùng, đáng ngạc nhiên là dưới thời Tổng thống George Bush, người để lại rất nhiều tranh cãi và ông có không ít bất đồng với quốc hội, nhưng chính quyền liên bang Mỹ lại chẳng ngưng hoạt động ngày nào.  

Ngô Minh Trí

>> Báo chí Trung Quốc dè bỉu vụ chính phủ Mỹ đóng cửa
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa làm đóng băng các số liệu thống kê kinh tế
>> Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 1995 đã 'giúp' Bill Clinton ngoại tình?
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa, quân đội sẽ bị đồng minh nghi ngờ uy tín
>> Vụ chính phủ Mỹ đóng cửa: Hạ viện đổ lỗi cho Thượng viện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.