Lịch sử và tương lai của điện thoại có khả năng lắp ghép

25/02/2017 16:20 GMT+7

Dòng điện thoại cho phép tháo lắp bộ phận có một lịch sử khá thú vị nhưng tương lai phía trước thì vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Theo PhoneArena, hầu hết các smartphone trên thị trường hiện đều có khuôn dạng tương tự nhau: một tấm nhựa, kính hoặc kim loại, bên trên là màn hình cảm ứng, camera trước, sau, vài nút bấm vật lý.
Người dùng sẽ sở hữu một chiếc smartphone trong vài năm, không thể thay đổi hay nâng cấp được gì. Đến khi những tính năng, công nghệ mới được đưa ra, họ phải mua sản phẩm khác.
Kiểu thiết kế này đã gần như không thay đổi trong 10 năm qua, kể từ sự xuất hiện của iPhone vào năm 2007.
Tuy nhiên, len lỏi giữa xu thế áp đảo đó, đã có một dòng smartphone được thiết kế với mục đích giảm thiểu chi phí sửa chữa và rác thải điện tử, cải thiện thời gian sở hữu smartphone ở một mức độ nhất định. Đó chính là smartphone lắp ráp.
Nhìn về lịch sử
Ý tưởng một thiết bị được lắp ráp từ nhiều thành phần đương nhiên không phải xuất phát từ điện thoại. Ít nhất những ai biết về máy tính để bàn cũng dễ dàng nhận ra một bộ máy có thể được tháo lắp các thành phần hết sức dễ dàng, chỉ cần các linh kiện phù hợp thông số.
Visor - chiếc PAD có thể lắp ráp thêm thành phần Ảnh: PhoneArena
Vào năm 1999, chiếc PDA Visor của Handspring đã trở thành một trong những thiết bị di động cầm tay đầu tiên cho phép lắp ráp bộ phận. Khe mở rộng Springboard cho phép chiếc máy này có thêm tính năng GPS, điện thoại, modem hoặc máy ảnh tuy nhiên chỉ gắng được mỗi lần một bộ phận. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng điều này vẫn là một bước nhảy vọt tại thời điểm đó.
Các điện thoại lắp ráp đầu tiên
Modu đã nhận được nhiều kỳ vọng khi ra mắt Ảnh: PhoneArena
Cố gắng đầu tiên để hình thành dòng điện thoại lắp ráp đến từ Modu, một công ty khởi nghiệp của Israel. Smartphone cùng tên với công ty đã được công bố tại MWC 2008 và ghi danh vào kỷ lục Guinness với tư cách smartphone nhẹ nhất: 40,1 gram. Modu có thể được gắng vào một loạt bộ phận khác để mở rộng chức năng, phím điều khiển.
Tuy nhiên, thiết bị này không thật sự thành công trên thị trường. Modu sau đó đã ngừng hoạt động vào năm 2011 và bán lại bản quyền sáng chế cho Google.
Phonebloks và Project Ara
Phonebloks có thể xem là smartphone lắp ráp đầu tiên của thế giới. Đây là sản phẩm được tạo bởi nhà thiết kế Hà Lan Dave Hakkens vào năm 2013. Thiết bị này nhận được sự quan tâm khá lớn với việc cho phép người dùng có thể linh hoạt lắp ráp thêm các bộ phận của bên thứ ba.
Phoneblocks giống như một ý tưởng hơn là một sản phẩm Ảnh: PhoneArena
Nhiều người nghĩ rằng Phonebloks sẽ xuất hiện với dạng sản phẩm thương mại nhưng Dave Hakkens lại không có ý định như vậy. Mục tiêu của ông là truyền cảm hứng để các công ty lớn có thể đi theo hướng đó nhằm giảm thiểu lượng chất thải điện tử trong tương lai. Ý tưởng của Hakkens thật sự đã nhận được sự quan tâm của các ông lớn công nghệ như ZTE, Xiaomi, hay các startup như Fairphone và Puzzlephone, tuy nhiên sự chú ý của Google mới là bước ngoặt thật sự.
Project Ara là một dự án đầy tham vọng của Google. Ara được giao cho nhóm ATAP, trực thuộc Motorola phát triển, trong thời điểm công ty này còn là một bộ phận của gã khổng lồ tìm kiếm.
Ara là dự án đầy tham vọng của Google Ảnh: PhoneArena
Ngay cả khi bán đi Motorola cho Lenovo, Google cũng lựa chọn giữ lại ATAP.
Mục tiêu ban đầu của dự án này là "cung cấp điện thoại lắp ráp cho toàn thế giới" với giá chỉ 50 USD bao gồm tài liệu và một số bộ phận có thể dễ dàng tháo lắp vào thân máy.
Đáng tiếc, dự án này đã bị hủy bỏ từ tháng 5.2016, không có sản phẩm hoàn thiện nào đến tay người dùng, không có một thế giới mà nơi đó, Google cung cấp bộ khung, các nhà sản xuất còn lại chỉ việc lấp đầy với các thành phần tùy chọn.
Đến năm 2016, hai nhà sản xuất lớn đã công bố smartphone với một vài thành phần có thể lắp ráp. LG G5, một sản phẩm được định vị ở phân khúc cao cấp có khả năng tháo rời phần dưới và pin để gắng thêm vào một số thành phần mở rộng như nâng cấp pin, bổ sung phụ kiện âm thanh, phụ kiện chụp ảnh. Đây là một bước đi táo bạo của LG tuy nhiên doanh số của G5 lại không được như mong đợi.
LG G5 cho phép tháo phần dưới để bổ sung thêm phụ kiện Ảnh: LG
Moto Z là cái tên nổi bật khác ra mắt vào năm ngoái với khả năng cho phép lắp ráp một vài thành phần. Thiết bị này cũng đạt được thành công nhất định trên lĩnh vực thương mại, tuy nhiên vẫn nằm dưới những gì được kì vọng. Moto Z được bán kèm với một số phụ kiện "Moto Mods" chẳng hạn như loa JBL SoundBoost, pin Power Pack, máy chiếu Moto Insta-Share.
Tương lai nào cho smartphone lắp ráp? Khó ai có thể trả lời được câu hỏi đó tại thời điểm này. Với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các nhà sản xuất luôn tìm cách đổi mới để tồn tại.
Trong năm 2017, Moto Mods sẽ tiếp tục được bổ sung cũng như sẽ có thêm các nhà phát triển độc lập khác tham gia vào việc sản xuất thành phần cho Moto Z. Alcatel và Puzzlephone cũng dự định ra mắt smartphone lắp ráp trong năm nay, vì vậy tương lai của dòng sản phẩm thú vị này vẫn đang ở phía trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.