Lịch sử vẫn là mạch máu của cải lương

Hoàng Kim
Hoàng Kim
14/01/2019 15:24 GMT+7

Ngày 13.1 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Một đêm mãn nhãn với cải lương. Rực rỡ, sang trọng, phấn khích, nghẹn ngào.

100 năm gom lại chút này, dù chưa điểm danh hết những ngọc ngà của cải lương, nhưng vẫn lấp lánh những vàng son nghệ thuật, vẫn đủ cho người ta lướt qua thời gian và đọng lại…
Khán phòng không đủ chỗ cho người muốn xem. Sân khấu lung linh cuốn hút. Và ngoài kia là con đường với hàng trăm bức ảnh mà mỗi nghệ sĩ lừng danh, mỗi vai diễn, mỗi vở tuồng đã từng là kỷ niệm trong tuổi thơ ai đó, là thương nhớ trong tâm trí ai đó… Những áo bào, gươm giáo treo trên cột mốc thời gian, gợi những ngày cố chui vào hậu trường xem đào kép làm mặt, làm tuồng. Những đờn bầu, đờn cò thả vào gió đêm những Nam Ai, Nam Xuân như con sóng đưa người về bến xưa bao nỗi niềm yêu, giận… Cải lương không chỉ là hiện tại, mà còn là ký ức của mỗi thị dân Sài Gòn, bởi hầu như ai cũng có một góc quê xa, cũng có một thời tóc xanh đắm đuối chạy theo cánh màn nhung. Cho nên rung động từ những bước đầu tiên trên phố. Cho nên nghẹn ngào khi sân khấu lần giở những cánh cửa thời gian với anh hùng, mỹ nhân, hoàng đế, san hà, xã tắc, ly loạn, thanh bình…
NSND Ngọc Giàu, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Thoại Mỹ trong vai Dương Vân Nga. Ảnh: Hoàng Kim
Nhiều gương mặt nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn được giới thiệu. Rồi trao kỷ niệm chương. Rồi giao lưu, phỏng vấn… Trăm năm cố gom lại phần “tinh hoa”, “sự kiện”, để cuối cùng bùng vỡ những gì người ta mong đợi nhất, chính là được xem diễn cải lương. Hồn vía trăm năm là đây, khi nhân vật bước ra khuấy động trái tim người ta, trao cho nụ cười và nước mắt. Và lạ lùng làm sao, rung động nhất vẫn là một loạt câu chuyện lịch sử làm nên cốt lõi của cả đêm, làm nên dòng chảy trăm năm thật rõ.
Đất nước mình hình như chưa bao giờ bình yên trọn vẹn, lâu dài, cho nên những dấu son đẹp nhất vẫn là những cuộc đấu tranh giữ yên bờ cõi. Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền dậy sóng chưa tan thì đã nghe lời Thái hậu Dương Vân Nga vang rền Hoa Lư, kiên quyết không giao nộp long bào. Tướng quân Lý Thường Kiệt thức trắng đêm nghĩ mưu chống giặc, ngọn đuốc lập lòe khắc khoải thức theo, để cuối cùng từ trái tim sâu thẳm nỗi niềm bay lên những vần thơ bất hủ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư… Trái tim người xem như tan chảy theo từng vết bút lướt trên khuôn vải trắng, nghe sông Như Nguyệt cuồn cuộn chảy về lời thề chống giặc. Rồi những hào hùng lắng xuống, nhường chỗ cho dịu dàng khi Quang Trung Nguyễn Huệ đem cành đào phương Bắc về tặng công chúa Ngọc Hân, đánh dấu một khoảnh khắc thanh bình nhỏ nhoi lúc vừa tan khói bụi, để chuẩn bị một cuộc chiến sanh tử hơn nữa chống quân Thanh. Rồi lại nghẹn ngào, khi Nguyễn Trãi và Thị Lộ bước chân vào cửa tử với ánh sáng của sao Khuê. Đất nước còn những nỗi đau khác với gươm giáo sa trường, mà thân phận con người như bèo dạt mây trôi giữa công và tội, giữa đúng đắn và sai lầm. Lý Huệ Tông cũng là một thân phận như thế. Khán giả lặng lặng rơi nước mắt tiễn đưa một ông vua hiền lành nhưng vì không đủ năng lực đưa đất nước đến thanh bình thịnh trị, nên bị thái sư Trần Thủ Độ bức tử để nhà Trần lên ngôi chuẩn bị đánh giặc Nguyên sắp tràn sang xâm chiếm. Không phải là lúc xét xem Trần Thủ Độ công hay tội, chỉ kịp thời gian khóc cho một thân phận nhỏ nhoi chìm trong thân phận của đất nước, cảm thương nhà vua đã chấp nhận ra đi vì biết cái chết của mình giúp cho nhà Trần khôi phục giang sơn. Làm đại sự đôi khi không phải là ra chiến trường đẫm máu, mà còn là sự lặng thầm phía sau cuộc chiến. Hậu thế ngồi xem cải lương không để mua vui, mà để hiểu tiền nhân, khóc với tiền nhân, cúi đầu trước những hy sinh.
Và nghệ sĩ mình diễn sử đẹp vô cùng, cháy vô cùng. Ca hát, vũ đạo, tạo hình, trống phách rộn ràng, làm nên sức thu hút lạ kỳ. Chí Linh (Ngô Quyền), Xuân Trúc (Lý Thường Kiệt), Kim Tử Long (Nguyễn Trãi), Ngọc Giàu, Phượng Loan, Thoại Mỹ, Kim Ngân (cùng vai Dương Vân Nga), Vũ Luân (Nguyễn Huệ), Lê Trung Thảo (Lý Huệ Tông) bật lên rực rỡ. Khán giả vỗ tay không biết bao nhiêu lần. Và có khi lặng phắc lắng nghe từng lời từng chữ. Quá trân trọng và cảm động.
Trăm năm đọng lại thế thôi! Tạm đủ để những ngày sắp tới biết cải lương cần phải làm gì để nối tiếp dòng chảy ấy…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.