Lịch sử vay nợ được lưu 5 năm

16/06/2016 19:26 GMT+7

Các khách hàng vay dù số tiền nhỏ và đã hoàn thành rồi nhưng lịch sử vẫn bị ghi nhận và 5 năm sau mới bị xóa đi.

Trước thực trạng một số khách hàng vay, dù là khoản vay nhỏ nhưng chưa ý thức được nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị ghi nhận lịch sử trả nợ không tốt và ảnh hưởng đến những khoản vay sau này, ngày 16.6, Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng Home Credit tổ chức buổi tọa đàm ''Điểm tín dụng cá nhân trong vay tiêu dùng''.
Xét điểm tín dụng trước khi cho vay
Ông Cao Văn Bình - Phó tổng giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) cho biết các khách hàng vay dù số tiền nhỏ và đã hoàn thành rồi nhưng lịch sử vẫn bị ghi nhận và 5 năm sau mới bị xóa đi, ảnh hưởng khi tiếp cận các tổ chức tín dụng (TCTD) khác sau này. Chính vì vậy mà khách hàng cần tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tránh việc sơ suất dẫn đến phát sinh nợ xấu.
Ông Bình đưa ra một dẫn chứng, người chị đứng ra bảo lãnh cho em mua xe máy, người em quên đóng tiền, người chị sẽ bị ghi nợ xấu, sau này khi người chị tiếp cận các TCTD để vay vốn mới vỡ lẽ. Hoặc có trường hợp bị lợi dụng giả mạo giấy tờ, phải có tòa án can thiệp thì thông tin trên CIC mới có thể được chỉnh sửa. Ngoài ra, ông Bình khuyến cáo sinh viên vay chương trình hỗ trợ của Chính phủ cũng sẽ được ghi nhận vào hồ sơ tín dụng của cá nhân này. Khi đi tuyển dụng, các hồ sơ tuyển dụng cũng sẽ bị xấu và ảnh hưởng không nhỏ đến người ứng tuyển. “Nhiều người khi có thông tin xấu trên CIC và đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ xong, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử và vẫn còn lưu lại trên CIC, và các TCTD khác đều có thể xem được lịch sử này”, ông Bình cho hay.
Dưới góc độ là đơn vị cho cá nhân vay, bà Vương Thủy Tiên - Thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit cho biết: “Thông tin CIC là một yếu tố quan trọng khi xét duyệt khoản vay, nhưng chúng tôi còn tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nữa. Do vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ có những cách giải quuyết khác nhau”. Bà Lê Thị Kim Xuân - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng: “CIC có đầy đủ các thông tin về thuế, đóng tiền điện nước... của cá nhân, biết được khả năng tài chính, lịch sử trả nợ thế nào. Từ đó TCTD quyết định mức độ cho vay. Trường hợp khách hàng có thông tin tốt sẽ được vay với lãi suất ưu đãi hơn”.
Sửa được thông tin trên CIC hay không?
Đặt vấn đề khi các thông tin CIC không chính xác, CIC có can thiệp chỉnh sửa không? Ông Bình cho hay nếu thông tin trên CIC bị sai, CIC có phòng hỗ trợ để giải quyết khiếu nại của khách hàng khi thông tin sai lệch. Có thể liên lạc qua 3 kênh: bưu điện (gửi đơn, CIC đã có mẫu trên website), gửi email hoặc trực tiếp đến số 10 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội hoặc số 8 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM.
Ngoài ra ông Bình cho biết người tiêu dùng chỉ được thắc mắc những thông tin liên quan đến họ chứ không được tìm hiểu thông tin người khác. Sau khi tiếp nhận, CIC sẽ tìm hiểu quy trình của mình, nếu phát hiện sai sót, chẳng hạn 2 người có số CMND trùng nhau, CIC sẽ đối chiếu lại cơ sở dữ liệu, sau đó sẽ cấp cho người bị sai sót một bản báo chính thức, mã số khác, và cập nhật lại với TCTD đã hỏi về người này. Việc này xảy ra khá ít, còn lại nếu sai sót từ TCTD, CIC phải tra soát dữ liệu, từ đó mới quyết định xem có chỉnh sửa hay không. TCTD phải nói rõ lý do sai sót và người đại diện pháp luật của TCTD phải ký thì mới được điều chỉnh dữ liệu trên CIC.
“Hiện chúng tôi đang thực hiện hỗ trợ khách hàng đăng ký thông tin và nhận báo cáo trên online. Theo báo cáo Doing Business của World Bank, độ phủ thông tin ở Việt Nam hiện chỉ mới 40%, 60% khách hàng chưa được ghi nhận thông tin và họ sẽ gặp khó trong tiếp cận tài chính”, ông Bình cho hay.
Theo kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2020, CIC đang tích cực mở rộng thu thập thông tin ngoài ngành, như từ cơ quan công an, các đơn vị dịch vụ công ích (điện, viễn thông…). Điều này giúp khách hàng chưa tiếp cận tín dụng vẫn có hồ sơ trên CIC để các TCTD tham khảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.