ĐẠI CHIẾN Ở STADE DE LYON
Pháp đã 40 năm không đoạt nổi một tấm huy chương môn bóng đá nam tại Olympic; còn Argentina đã 16 năm trắng tay cùng 2 kỳ Olympic liên tiếp bị loại ở vòng bảng. Hẳn nhiên, dưới sự dẫn dắt của HLV Thierry Henry, năm nay Pháp muốn vô địch trên sân nhà. Argentina cũng triệu tập đầy đủ nhân tố mạnh nhất, trong đó có ngôi sao Julian Alvarez - đã dám cãi lệnh HLV Pep Guardiola để gác lại loạt trận giao hữu của Man City vì muốn góp mặt ở Olympic.
Đội Olympic Pháp đã thắng cả 3 trận vòng bảng trước Mỹ, New Zealand và Guinea. Lịch sử chỉ ra: các đội toàn thắng và sạch lưới ở vòng bảng luôn có huy chương Olympic. Song màn trình diễn của Pháp chưa ấn tượng. Đối thủ quá yếu, còn lối chơi của các học trò HLV Henry vẫn tùy hứng và rời rạc, phần lớn thắng nhờ chất lượng cá nhân hơn là lối đá ưu việt. Olympic Argentina cũng… rời rạc không kém, khi đội bóng của Mascherano thiếu tính tổ chức. Thế nhưng hai đội bóng vốn dĩ thất thường có thể sẽ tạo nên trận đấu khó lường.
Khán giả quan tâm đặc biệt đến cuộc đối đầu này còn bởi những câu chuyện ngoài bóng đá. Mới đây thôi, sau khi giành chức vô địch Copa America, cầu thủ Enzo Fernandez của đội tuyển Argentina đã hát bài có lời lẽ phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ Pháp gốc Phi. Bê bối nghiêm trọng ấy khiến mọi người e ngại, trận đấu trên sân Stade de Lyon vào rạng sáng mai sẽ chẳng thể "yên". Chưa hết, trong trận ra quân Olympic, cầu thủ Argentina đã bị CĐV Ma Rốc tấn công mà ban tổ chức đã không thể ngăn cản. Làm thế nào để sự cố an ninh không lặp lại là bài toán cần phải giải quyết đối với ban tổ chức.
CUỘC LẬT ĐỔ CỦA NHẬT BẢN
Nhật Bản đang là đội ấn tượng nhất ở môn bóng đá nam Olympic Paris khi giành trọn vẹn 9 điểm ở vòng bảng, ghi 7 bàn và không thủng lưới trước Paraguay, Mali và Israel. Thầy trò HLV Tsuyoshi Oiwa toàn thắng dù không có cầu thủ quá tuổi nào trong đội hình. "Samurai áo xanh" trở thành đội đầu tiên trong lịch sử Olympic không cần cầu thủ quá tuổi để vượt qua vòng bảng.
Nhật Bản không chỉ thắng mà còn thắng rất thuyết phục (đúng với phong cách người Nhật): kiểm soát thế trận, tấn công dồn dập, luân chuyển bóng khoa học. Trong khi các đội trẻ phần lớn chơi tùy hứng và khó đoán, lối đá kỷ luật và chặt chẽ giúp Nhật Bản trở nên khó bị đánh bại, dù gần nửa đội hình đang chơi ở giải quốc nội và còn vô danh.
3 năm trước, Nhật Bản thua 0-1 trước Tây Ban Nha ở bán kết Olympic Tokyo với bàn thua trong hiệp phụ. Nhưng nên nhớ, đó là khi Tây Ban Nha còn nguyên bộ khung lực lượng mới dự EURO 2020 như Torres, Olmo, Oyarzabal hay Pedri. Với nhiều cầu thủ kinh nghiệm, Tây Ban Nha phải rất vất vả mới khuất phục được Nhật Bản (bằng khoảnh khắc xuất thần của Marco Asensio). Lực lượng Tây Ban Nha ở Olympic Paris khiêm tốn hơn nhiều so với 3 năm trước, khi những sao trẻ giỏi nhất đều đã… nghỉ hè sau chức vô địch EURO 2024. Tây Ban Nha đã bại trận trước Ai Cập và phải thắng khó nhọc trước Uzbekistan. Trước đối thủ đang chênh vênh, Nhật Bản có cơ hội vàng để "phục hận" trong trận đấu lúc 22 giờ hôm nay (2.8).
MA RỐC VÀ AI CẬP CÓ CƠ HỘI ĐI TIẾP
Ở hai trận tứ kết còn lại, Ma Rốc gặp Mỹ lúc 20 giờ ngày 2.8, còn Paraguay gặp Ai Cập lúc 0 giờ ngày 3.8. Ma Rốc đã chơi cực hay ở vòng bảng khi khuất phục Argentina và Iraq để đoạt ngôi đầu, nhờ lối đá tốc độ, trực diện và ngẫu hứng. Ở chiều ngược lại, Mỹ chưa thể hiện được bất cứ điều gì đặc biệt ở vòng bảng. Ma Rốc đủ sức đánh bật cửa ải này để viết tiếp câu chuyện ly kỳ tại Olympic. Trong khi Ai Cập nhiều khả năng hạ Paraguay để đoạt vé lịch sử vào bán kết.
Bình luận (0)