Liêm chính nghiên cứu khoa học: Nhiều quan niệm cần được 'giải ảo'

Quý Hiên
Quý Hiên
22/12/2023 07:23 GMT+7

Theo các nhà khoa học, để xác lập được nền tảng liêm chính khoa học thì trước hết cần "giải ảo" một số quan niệm trong đánh giá sản phẩm khoa học, nhà khoa học.

SẢN XUẤT TRI THỨC "RÁC" CŨNG LÀ PHI LIÊM CHÍNH

Theo nhiều nhà khoa học, một trong những thước đo quan trọng, được xem là tiêu chuẩn cứng khi xét duyệt tài trợ đề tài khoa học, xét duyệt tiêu chuẩn để được công nhận là GS, PGS, là có công trình khoa học (bài báo) được công bố trên các tạp chí danh mục ISI/Scopus. Việc lợi dụng thước đo này để công bố các bài báo kém chất lượng hoặc chất lượng thấp trên các tạp chí mang danh "ISI/Scopus" để chạy KPI, để nhận tài trợ, cũng là một biểu hiện phi liêm chính.

Trong hội thảo khoa học về liêm chính khoa học (LCKH) do Bộ KH-CN phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19.12, PGS Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, Ủy viên Hội đồng (HĐ) quản lý Quỹ NAFOSTED, đã nêu lên một thực trạng để bày tỏ sự đồng tình với nhận định LCKH hiện nay rất tinh vi, phức tạp. Mới đây, HĐ liên ngành triết học, chính trị học, xã hội học Quỹ NAFOSTED họp xét duyệt đề tài để tài trợ rất căng thẳng, có 24 đề tài nhưng HĐ chỉ thông qua hơn 30%. PGS Nguyễn Tài Đông lý giải: "Vì có những đề tài nếu như trong công bố chúng ta gọi là student paper (bài tập của sinh viên) thì trong khoa học cũng rất có khả năng xuất hiện các student project (dự án của sinh viên, ý nói tầm vụn vặt của công trình khoa học - PV). Với những công trình khoa học này làm mãi nó vẫn chỉ là thế thôi. Bây giờ làm thế nào chúng ta nâng được tầm cái đó thì đó cũng là vấn đề".

Liêm chính nghiên cứu khoa học: Nhiều quan niệm cần được 'giải ảo'- Ảnh 1.

TS Phạm Phương Chi, Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, phát biểu tại hội thảo về liêm chính khoa học do Bộ KH-CN phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức

KHÔI NGUYÊN

Nhưng PGS Đông cho rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng VN mà ngay cả giới khoa học phương Tây cũng đau đầu khi đối diện với những trào lưu khoa học bị chi phối bởi các nhà xuất bản, các tập đoàn kinh doanh xuất bản. "Cũng tương tự như vậy với khoa học VN. Cũng sẽ có việc trong số những cái chúng ta tạo ra có thể có một số thứ tạm gọi là tri thức "rác", và chúng ta ngập trong những cái tri thức giả khoa học, ta không tìm được khoa học chân chính", PGS Đông cảnh báo.

SỰ "SÙNG BÁI" ISI/SCOPUS

Cũng tại hội thảo nói trên, GS Hoàng Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn bị nói nhiều nhất, bị bàn thảo nhiều nhất về LCKH, nhưng lại bị "vướng" nhiều nhất do những quan niệm không đúng về đánh giá sản phẩm khoa học. Trong các quy định hiện hành, bài báo khoa học về căn bản đang được định nghĩa là bài đăng trên tạp chí. Trong khi đó, một sản phẩm khoa học phổ biến của các nhà khoa học trong lĩnh vực này là sách. "Theo tôi, cần định nghĩa lại, bài báo khoa học là sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc sách (một chương sách nên được xem là một bài báo)", GS Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

TS Phạm Phương Chi, Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho biết bấy lâu nay bà rất băn khoăn về việc tại sao tiêu chuẩn đánh giá về khoa học, nhà khoa học ở VN lại phải dựa vào tiêu chí ISI/Scopus (yêu cầu phải có bài báo đăng tạp chí danh mục ISI/Scopus là một tiêu chí cứng khi xét đề tài hoặc ứng viên trong các hội đồng cấp quốc gia - PV). Trong khi đó, trong danh mục ISI/Scopus có nhiều tạp chí kém chất lượng. Ở Mỹ (là nơi TS Chi được đào tạo sau ĐH), hoặc ở Đức, các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu văn học không biết đến khái niệm "bài báo ISI/Scopus". Khi công bố bài báo khoa học, họ cố gắng đăng trên tạp chí của các trường ĐH, và đánh giá cao việc các bài báo được nhận đăng ở những tạp chí đó.

Theo ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH-CN, ông cũng băn khoăn vấn đề đề cao quá mức bài báo ISI/Scopus mà không quan tâm chất lượng thực của sản phẩm khoa học cụ thể. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng sở dĩ có sự đề cao này bởi trước kia chúng ta chưa có đội ngũ khoa học công nghệ phản biện vững chắc, nhưng hiện nay ta đã có.

Liêm chính nghiên cứu khoa học: Nhiều quan niệm cần được 'giải ảo'- Ảnh 2.

PGS Nguyễn Tài Đông, PGS Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN

KHÔI NGUYÊN


NGUY CƠ KHIẾN KHOA HỌC VN đi sai đường

Theo TS Dương Tú (ĐH Purdue, Mỹ), sau khi dự hội thảo nói trên, ông nhận thấy một điều là nhiều người trong giới quản lý và cộng đồng khoa học vẫn còn rất thích sử dụng các chỉ số trắc lượng như impact factor, phân nhóm tạp chí Q1 - Q4, H-index để đánh giá nghiên cứu, cũng như lệ thuộc vào các danh mục sẵn có như Scopus, ISI để đánh giá chất lượng tạp chí. Trong khi những chỉ số trắc lượng tuy rất tiện dụng nhưng dễ dàng bị thao túng; còn việc lạm dụng chúng thể hiện sự lười biếng và có thể dẫn cả nền khoa học VN đi sai đường.

Ngay cả những người sáng tạo ra các chỉ số này cũng nhiều lần cảnh báo rủi ro khi sùng bái chúng. Những văn bản quan trọng về cải cách đánh giá nghiên cứu khắp thế giới hơn một thập niên qua, từ Tuyên bố DORA năm 2012 đến Thỏa thuận mới về cải cách đánh giá nghiên cứu của châu Âu vừa công bố hồi tháng 7 năm ngoái, hay 2 văn bản định hình nền khoa học Trung Quốc ban hành giữa năm 2018 đều khuyến cáo hay yêu cầu từ bỏ các chỉ số trắc lượng trong đánh giá nghiên cứu, hoặc sử dụng chúng như một công cụ theo cách rất có trách nhiệm.

Tương tự, các danh mục Scopus, ISI tuy giúp tra cứu đơn giản, nhanh chóng nhưng không phải chuẩn mực hay khuôn vàng thước ngọc bảo chứng cho chất lượng tạp chí, lại càng không phản ánh chất lượng mỗi bài báo, mà chỉ là hàng rào kỹ thuật và mặt bằng tối thiểu về chất lượng tạp chí mà thôi. Đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm chủ đề thảo luận trong nhóm LCKH cho thấy các danh mục này chứa rất nhiều tạp chí đáng ngờ, tạp chí săn mồi và gần đây là tạp chí mạo danh. Tạp chí trong các danh mục thương mại này không phải do cộng đồng khoa học hay các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực đề xuất, mà được nhân viên hành chính của Elsevier (với danh mục Scopus) và Clarivate (với danh mục ISI) chọn ra. "Lẽ nào cộng đồng khoa học VN lại mặc nhiên tin tưởng và lệ thuộc vào quyết định của những nhân viên hành chính làm việc cho các công ty thương mại này thay vì tự xây dựng danh mục tạp chí uy tín của riêng mình?", TS Tú đặt câu hỏi.

Yếu tố quan trọng nhất là con người

Theo TS Phạm Phương Chi, trong đánh giá khoa học và sản phẩm khoa học, yếu tố quan trọng nhất là vấn đề con người. "Chính các nhà khoa học và các thành viên hội đồng là phải dựa vào năng lực, tính liêm chính của họ để xét duyệt sản phẩm đó thực sự có chất lượng, có liêm chính hay không. Chứ không phải cứ thấy bài này nằm trong tạp chí danh mục ISI/Scopus, ở tạp chí có ranking (xếp hạng - PV) này kia thì mặc nhiên là có chất lượng. Do đó, cần phải nâng cao năng lực, tính liêm chính của thành viên các HĐ (xét tài trợ hoặc xét chức danh)", bà Chi yêu cầu.

Bà Chi cũng đề nghị cần thắt chặt định nghĩa thế nào là tạp chí quốc tế uy tín. Quy định là tạp chí trong danh mục uy tín chưa đủ mà còn phải thêm vào yếu tố không có những dấu hiệu của tạp chí kém chất lượng như: tạp chí được xuất bản bởi các NXB kém chất lượng hoặc tổ chức khoa học giả mạo, tạp chí có thời gian đăng bài nhanh (dưới 6 tháng), yêu cầu đóng phí đăng bài (khác với phí open access). Ngoài ra cũng cần xem xét cả yếu tố thành viên của ban biên tập tạp chí đó có lý lịch khoa học rõ ràng hay không, họ có tham gia các cơ quan học thuật hay không! "Với tạp chí uy tín, sau khi gửi bài sẽ có quá trình xét duyệt nội bộ ít nhất là 3 tháng, qua được vòng này được gửi đi phản biện và quá trình này thường kéo dài 3 - 6 tháng, thậm chí là 1 năm. Kết quả phản biện luôn yêu cầu sửa rất nhiều cả nội dung và hình thức (trong trường hợp đồng ý cho sửa, không bị từ chối). Nên quá trình gửi bài cho đến lúc đăng bài với ngành của tôi thường là 2 năm", bà Chi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.