Theo kế sách này, một phần lương hằng tháng của cán bộ, công chức sẽ được trích ra, gửi vào ngân hàng và treo ở đó như một khoản đặt cọc cho đến khi về hưu. Nếu “hạ cánh” an toàn, cán bộ sẽ nhận được phần lương đó, nếu tham nhũng, tài sản đó sẽ bị sung công.
Kiến nghị này có lẽ xuất phát từ mong muốn khiến cán bộ “không dám” tham nhũng, một trong “4 không” nổi tiếng mà Singapore đã áp dụng rất thành công, vì họ sẽ phải đánh đổi tài sản này để lấy một nguồn lợi khác. Thế nhưng áp dụng trong chế độ tiền lương của VN hiện nay, thì e là lợi bất cập hại. Ai cũng biết cán bộ, công chức hiện nay không sống bằng lương. Nó là sự thật hiển nhiên đến độ nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ cũng công khai nói điều này. Người ta chỉ chưa trả lời thẳng câu hỏi: Không sống bằng lương, vậy sống bằng gì, dù có một số người nói là "nuôi lợn và buôn chổi đót".
Với thu nhập theo thang, bảng hiện nay, dù có trích lương cả đời cũng không bằng “chơi” một cú, nên việc bắt đặt cọc như thế này chỉ khiến người liêm chính thêm chật vật, còn người tham nhũng lại bớt cắn rứt lương tâm.
Singapore thành công với việc xây dựng một chính phủ liêm chính vì họ đã xuất phát từ điều kiện cần đầu tiên: lương của nhân viên chính phủ phải đủ để không cần tham nhũng, họ vẫn nuôi được gia đình họ sung túc.
Đây không phải phát kiến vĩ đại gì của Singapore, bởi ở VN hàng nhiều trăm năm trước, các vua phong kiến cũng đã nghĩ đến việc này. Theo sử gia Phan Huy Chú ghi chép lại, thời vua Lý Thánh Tông, năm 1067, đã đặt vấn đề tăng bổng lộc cho quan lại để nuôi đức liêm, vì “đặt quan để làm việc, tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được”. Nhưng lấy đâu ra bổng lộc để tăng cho quan, thì lời xưa nói rằng: “Bớt quan thì dân yên. Việc trị nước nuôi dân là trước hết. Bớt quan lại, định bổng lộc, đó chính là việc trước tiên để nuôi dân”. Đây cũng là những việc VN hiện đang làm - tinh giản biên chế để tăng lương cho cán bộ, để họ có thể sống bằng lương.
Tất nhiên, những điều đó cũng chưa đủ để chống tham nhũng, thứ mà Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gọi là “căn bệnh ung thư của xã hội”, một thứ bệnh nan y, khó chữa. Thêm bổng lộc mà buông lỏng giám sát không khác gì chữa ung thư bằng thuốc phiện. Cùng với đãi ngộ hậu hĩnh, phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ, một chính sách trừng phạt đích đáng với những người vi phạm.
Giám sát chặt chẽ đương nhiên phải bắt đầu từ công khai, minh bạch để mọi hành vi của quan chức được soi rọi dưới ánh mắt của nhân dân, những người đóng thuế “thuê” họ, cho họ mượn tạm quyền lực để quản trị xã hội.
Bình luận (0)