Xe

Liên Hiệp Quốc bỏ cấm vận vũ khí với Iran: Dấu mốc mới

19/10/2020 10:00 GMT+7

Việc Liên Hiệp Quốc bỏ cấm vận vũ khí với Iran là dấu mốc mới về thất bại của Mỹ trong việc sử dụng HĐBA LHQ để chống Iran.

Bằng một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Iran đã thể hiện quan điểm cho rằng nghị quyết của HĐBA LHQ hồi năm 2007 về cấm vận vũ khí đối với Iran đã hết hiệu lực và từ nay Tehran có quyền mua sắm, trang bị các loại vũ khí cần thiết để phòng vệ.
Thời hạn hết hiệu lực (ngày 18.10.2020) của nghị quyết trên được quy định trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) ký kết năm 2015 giữa Iran với Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức. Chuyện này lẽ ra không có gì đáng bàn nếu như không có việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút Mỹ ra khỏi JCPOA và áp dụng trở lại các biện pháp cấm vận Iran như thời trước khi có JCPOA.
Mỹ tuy đơn phương rút khỏi JCPOA, nhưng biện luận rằng vì là một bên tham gia ký kết JCPOA nên vẫn có quyền yêu cầu HĐBA LHQ gia hạn quy định cấm vận vũ khí đối với Iran. Yêu cầu này của Mỹ đã 2 lần bị bác bỏ.
Cũng vì thế mà việc nghị quyết nói trên hết thời hạn có hiệu lực hàm ý dấu mốc mới trên hai phương diện. Thứ nhất, nó đánh dấu việc thực hiện cụ thể JCPOA và cho thấy JCPOA về cơ bản vẫn được triển khai thực hiện bất chấp Mỹ đã rút ra. Như thế cũng có nghĩa là cho dù bị Mỹ cản trở đến đâu thì JCPOA vẫn không dễ dàng bị đổ vỡ. Chừng nào JCPOA còn tồn tại và vẫn được các bên tham gia ký kết khác tuân thủ thì Mỹ cũng không thể dồn ép Iran phải đàm phán lại với Mỹ để có thỏa thuận mới.
Thứ hai, đó là dấu mốc mới về thất bại của Mỹ trong việc sử dụng HĐBA LHQ để chống Iran. Thực tế này không có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.