TP.HCM với 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ. TP.HCM với 13 tỉnh thành ĐBSCL. TP.HCM với 8 tỉnh vùng Đông Bắc. TP.HCM với 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng.
Các địa phương với tư cách là những điểm đến du lịch có quyền tự tin và tự hào về những giá trị sản phẩm du lịch khác biệt được phát triển trên những ưu thế về tài nguyên du lịch của địa phương. Nhưng đó cũng chính là điểm yếu cố hữu của du lịch Việt Nam. Các địa phương mạnh ai nấy làm du lịch, mạnh ai nấy quảng bá du lịch, ngầm cạnh tranh với nhau mà không nhìn thấy lợi ích của liên kết hợp tác, dẫn đến tình trạng khai thác quá mức các tài nguyên du lịch mà hiệu quả đạt được không cao.
Tôi có lần ngẩn ngơ ngắm nhìn một đoạn hương lộ dọc bờ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thuộc địa bàn Sóc Trăng và tự hỏi tại sao những nơi thơ mộng và duyên dáng thế này trên đất nước mình lại bị bỏ quên trên bản đồ du lịch. Đất nước mình còn nhiều chỗ đẹp lắm, gần lắm, vậy mà không được biết đến.
Một gia đình nông dân say mê làm du lịch ở đó đã dựng lên một khu homestay nho nhỏ với khao khát được đón khách đến thăm. Tôi cố lắng nghe trọn vẹn giấc mơ làm du lịch của nhiều người dân địa phương trong suốt chuyến đi
2 ngày 1 đêm ở đó, rồi thử ướm giấc mơ của họ vào bản đồ du lịch hiện hữu mà thấy lo lắng. Điểm đến tuyệt vời ấy bên dòng kênh thơ mộng Quản Lộ - Phụng Hiệp chắc chắn phải trông chờ vào kết nối du lịch giữa các địa phương liên quan như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và mở rộng hơn nữa thì may chăng mới tìm được cơ hội thật sự để thăng hoa.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về những điểm đến du lịch còn chưa được đánh thức ở các địa phương do chưa được kết nối vào mạng lưới phát triển du lịch. Và nhìn từ một góc độ khác, góc độ quyền lợi của du khách, thì thực tế đó là một thiệt thòi rất lớn với những người yêu thích trải nghiệm du lịch.
Chúng ta cần nhiều hơn một chương trình nghị sự, cần nhiều hơn một văn bản ký kết để thực hiện liên kết du lịch giữa các địa phương. Cần hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được đầu tư quyết liệt với tiêu chí hỗ trợ phát triển du lịch rõ ràng hơn. Cần có cam kết giữa các địa phương về thực hiện giá dịch vụ kích cầu thật sự bền vững. Cần một bản đồ quy hoạch khai thác sản phẩm du lịch có tính phân công lợi thế giữa các địa phương, chứ không phải là kiểu “anh có gì tôi có nấy”.
Liên kết hiệu quả thì du khách nội địa chắc sẽ không bỏ qua cơ hội thuận tiện được đến thăm nhiều điểm tuyệt vời trên đất nước mình.
Bình luận (0)