Liên kết phát triển đô thị xanh

28/11/2013 09:10 GMT+7

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Vĩnh Long 2013 (MDEC - Vĩnh Long 2013), Hội thảo Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh đã phân tích những thuận lợi, thách thức cũng như đề ra giải pháp cho việc phát triển bền vững đô thị tại miền Tây.

Liên kết phát triển đô thị xanh

Quang cảnh Hội thảo Liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh - Ảnh: Thanh Đức

 Liên kết phát triển đô thị xanh1

Một góc TP.Vĩnh Long bên bờ sông Cổ Chiên - Ảnh: Thanh Đức

Cảnh báo ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, khu vực đô thị vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi, kiến trúc, cảnh quan không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, mang bản sắc riêng. Đến nay, toàn vùng có 158 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư, 3 đô thị loại 2, 12 đô thị loại 3, 15 đô thị loại 4 và 127 đô thị loại 5. Hệ thống đô thị chủ yếu phân bố theo hành lang dọc các sông chính và trục giao thông quan trọng của vùng. 

Trong vài chục năm gần đây, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL giảm đi nhanh chóng do việc phá rừng làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực chỉ còn khoảng 350.000 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 15% và 85% còn lại là rừng trồng tái sinh. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và các cụm dân cư đang gia tăng. Tổng lượng rác thải sinh hoạt ở đô thị và cụm dân cư khoảng 780.000 tấn/năm, tỷ lệ thu gom bình quân toàn khu vực đạt 69%, lượng nước thải sinh hoạt khoảng 150 triệu m3/năm. Hầu hết nguồn nước thải này chưa được xử lý triệt để mà thải trực tiếp ra sông rạch, gây tác động xấu đến sức khỏe của người dân. ĐBSCL hiện có 57% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu…

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, vấn đề phát triển kinh tế, hội nhập cùng những thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra yêu cầu trong việc phát triển đô thị vùng ĐBSCL. Thời gian qua cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá lại để phát triển đô thị khu vực theo hướng kinh tế xanh, bền vững.

Cần liên kết chặt chẽ

Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam cập nhật năm 2012, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5 - 1 m vào cuối thế kỷ 21. Trong trường hợp xấu nhất có khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng, gần 50% số đô thị trong toàn vùng có nguy cơ ngập nặng. Mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng nhưng liên kết giữa các đô thị chưa đồng đều và chặt chẽ. Việc liên kết chỉ mới thể hiện qua công tác quy hoạch, thiếu phương án thực sự khả thi. Chất lượng từng đô thị cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và mục tiêu quy hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, các đô thị lớn, trung tâm công nghiệp, nông nghiệp của vùng nằm ở những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Đội ngũ cán bộ quản lý đô thị nhìn chung còn thiếu về số lượng và cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị xác định ĐBSCL là 1 trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước; công tác phát triển đô thị những năm qua đạt nhiều thành tựu, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội cả khu vực. “Để phát triển đô thị vùng ĐBSCL bền vững cần những giải pháp đồng bộ, toàn diện phù hợp với bối cảnh và đặc thù riêng của mỗi đô thị. Các địa phương nên chú trọng việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, khai thác đặc trưng văn hóa để tạo dựng những mô hình đô thị đặc thù. Ngoài ra nên phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng, huy động các nguồn lực tại chỗ; đồng thời sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của T.Ư và bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Thanh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.