Liên kết vùng để phòng chống dịch

24/06/2021 06:12 GMT+7

Trước tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, 2 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm Bình Dương và Đồng Nai đang xây dựng các kịch bản phòng chống, đối phó nguy cơ dịch bệnh lan rộng

Ý kiến của nhiều cơ quan chức năng cho rằng, rất cần một cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng để phòng chống dịch hiệu quả vì sự giao thoa và mối liên hệ giữa các địa phương này với nhau rất chặt chẽ.

Sáng 24.6: TP.HCM thêm 26 ca Covid-19, ghi nhận tổng cộng 2.413 bệnh nhân

“Phối hợp liên vùng” chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Sáng 23.6, hai thứ trưởng Bộ Y tế gồm ông Nguyễn Trường Sơn và ông Trần Văn Thuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. Theo Sở Y tế Bình Dương, từ đợt dịch thứ 4 bùng phát cho đến ngày 23.6, Bình Dương ghi nhận 164 ca F0 lây lan trong cộng đồng. Bệnh viện (BV) đa khoa Bình Dương đang điều trị cho 166 bệnh nhân (BN). Bình Dương cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho trên 40.911 trường hợp, truy vết 3.000 F1 và trên 8.000 F2.
Việc 3 địa phương cùng ngồi lại bàn và thống nhất các giải pháp chung để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa là hết sức cần thiết
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Đoàn công tác đã đi kiểm tra khu nhà trọ của công nhân (CN) ở P.Bình Hòa (TP.Thuận An) và 1 trung tâm cách ly tập trung là Trường THPT Lý Thái Tổ (P.An Phú, TP.Thuận An). Sau đó, đoàn công tác về Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, với tổng số 164 ca F0 ở Bình Dương chưa phải là số lớn, nhưng trong thời gian sắp tới tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp, khó lường nếu không kịp thời ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm thì số ca F0 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt ở các địa bàn có nhiều KCN, đông CN. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết cơ quan thường trực phía nam của Bộ Y tế đã tăng cường tập huấn cho 60 đoàn để kiểm tra trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) ở Bình Dương. Ông Sơn cũng cho rằng, Bình Dương cần phải tiêm vắc xin cho CN trên diện rộng như ở TP.HCM.
Tiếp tục siết chặt kiểm soát người, phương tiện ra vào ở Đồng Nai Ảnh: ĐỨC NGUYỄN

Tiếp tục siết chặt kiểm soát người, phương tiện ra vào ở Đồng Nai

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề nghị Bộ Y tế chi viện cho Bình Dương cả về nhân lực, vật lực để phòng chống dịch. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho hay đến nay Bình Dương có hơn 100 ca dương tính chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Do đó, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin nhiều nhất có thể so với nhu cầu của Bình Dương đang cần là 500.000 liều để tiêm cho CN. Ngoài ra, Bình Dương đề nghị chi viện máy móc, trang thiết bị, sinh phẩm, test nhanh… và kể cả về nhân lực.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý các KCN Bình Dương cho rằng cần thiết nhất phải “phối hợp liên vùng” để xác định và cắt đứt nguồn lây một cách nhanh chóng. Ngoài ra, Bình Dương đã thiết lập các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường giao thương với Đồng Nai, TP.HCM để phòng dịch Covid-19.
Về đề nghị chi viện của Bình Dương, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, sẽ sắp xếp để tăng cường trang thiết bị xét nghiệm từ TP.HCM về cho Bình Dương, trước mắt Bộ Y tế chi viện ngay 10.000 test PCR và 300.000 khẩu trang phòng chống dịch. Về nguồn vắc xin, trong tháng 7 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin về VN và sẽ phân bổ cho Bình Dương từ 500.000 - 1 triệu liều để tiêm cho CN trên diện rộng.
Tại cuộc họp trực tuyến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao cho Bộ Y tế xem xét, giải quyết những đề nghị của Bình Dương; đồng thời yêu cầu tỉnh này khoanh vùng chặt chẽ khi phát hiện F0, nhưng tránh trường hợp khi phát hiện một F0 thì cả nhà máy phải ngừng sản xuất, mà phải phong tỏa, truy vết nhanh, không được tràn lan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân.

Đồng Nai xin ý kiến lập dự thảo “phối hợp liên tỉnh” chống dịch

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 23.6, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết tính đến thời điểm này Đồng Nai tương đối ổn, các KCN tạm thời an toàn. Tuy nhiên, ông Vũ lo ngại số lượng người lao động sống ở TP.HCM, Bình Dương (khoảng 10.000 người) đang làm việc tại các KCN Đồng Nai. “Nếu những người này cứ đi đi về về mà không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, thì chắc chắn Đồng Nai sẽ vỡ trận, chỉ là sớm hay muộn mà thôi vì làm sao kiểm soát hết được”, ông Vũ nói.

Bình Dương khẩn cấp giãn cách xã hội 2 thành phố, 1 thị xã vì hàng chục ca Covid-19

Liên quan việc phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh, lân cận TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi từng lưu ý cần có cơ chế trao đổi thông tin giữa TP.HCM với các tỉnh thành lân cận cũng như các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Việc chủ động trao đổi thông tin giúp các tỉnh thành hiểu được tình hình dịch bệnh của nhau và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không để ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa, đi lại của người dân. Cơ chế trao đổi thông tin có thể thông qua Ban Tuyên giáo thành ủy, tỉnh ủy hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương.
Duy Tính - Sỹ Đông
Theo kế hoạch, hôm nay (24.6), đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ về Đồng Nai kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại địa phương. Ông Vũ cho hay sẽ kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nguồn vắc xin và giải pháp phối hợp giữa Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM trong công tác phòng chống dịch. “Việc 3 địa phương cùng ngồi lại bàn và thống nhất các giải pháp chung để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa là hết sức cần thiết”, ông Vũ nêu ý kiến.
Cũng theo Sở Y tế Đồng Nai, hiện tỉnh này được Bộ Y tế cấp (2 lần) tổng cộng gần 50.000 liều vắc xin. Sở Y tế đã tổ chức tiêm cho những đối tượng thuộc tuyến đầu chống dịch. Đối với CN, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Đồng Nai có văn bản trình Chính phủ cho phép triển khai chương trình xã hội hóa vắc xin Covid-19, trong đó các doanh nghiệp sẽ bỏ tiền ra mua theo giá đàm phán của Chính phủ để tiêm cho cán bộ nhân viên và CN. Ngày 21.6, Sở Y tế đã gửi thông báo rộng rãi đến các cơ sở SXKD, doanh nghiệp đăng ký mua và gửi số lượng về Sở Y tế để tổng hợp.
Trả lời Thanh Niên chiều cùng ngày, ông Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tại 3 địa phương trong “tam giác kinh tế” thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM “chưa có cuộc họp chính thức nào với nhau để phối hợp phòng chống dịch”. Các địa phương vẫn đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời ban hành kế hoạch phòng chống dịch linh hoạt tùy theo đặc thù của từng địa phương.
Ông Phạm Văn Cường, Phó ban Quản lý các KCN Đồng Nai nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ các tỉnh có nhiều KCN-KCX như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và Bình Dương, ngày 22.6 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký ban hành Kế hoạch (số 97/KH-BCĐ) về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở SXKD, KCN trên địa bàn.
Cũng theo ông Cường, việc phối hợp liên vùng là cần thiết vì nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các địa phương giáp ranh, có mối liên hệ kinh tế xã hội mật thiết như Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương rất lớn. “Hiện nay Đồng Nai tiếp tục kiểm soát tại 22 đầu ngõ, không buông lỏng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu lưu thông hàng hóa, sản xuất an toàn. Việc phối hợp là cần thiết để tránh chỉ đạo chồng chéo, phân rõ trách nhiệm, làm cho ra ngô ra khoai. Một vài đốm tàn thì có thể dập được, chứ bùng lên thành ngọn lửa thì sao dập nổi”, ông Cường nói.

Bản tin Covid-19 ngày 23.6: TP.HCM chiếm 69% số bệnh nhân; lo ngại biến thể mới nguy hiểm của chủng Delta

Khi được hỏi về cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng, ông Thái Bảo cho hay, Đồng Nai đang xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo văn bản kiến nghị Chính phủ và các địa phương trong việc “phối hợp liên tỉnh” về công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới. Theo ông Bảo, việc phối hợp là cần thiết nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại các cơ sở SXKD, KCN, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép, hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.