Tình hình ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine đang căng thẳng sau khi các lãnh đạo của lực lượng ly khai tuyên bố huy động toàn bộ các lực lượng và yêu cầu dân thường sơ tán đến Nga. Trong mấy ngày qua, lực lượng ly khai và lực lượng chính phủ Ukraine cáo buộc nã pháo qua lại ở miền đông nước này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters ngày 19.2, trước khi cuộc sơ tán bắt đầu ở miền đông Ukraine, ông Stanislav Zas, tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) có trụ sở tại Moscow, cho hay tổ chức này có thể điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến Donbass nếu có sự đồng thuận quốc tế cho cuộc điều động như thế.
CSTO là một liên minh quân sự hiện có 6 thành viên đều là những nước từng thuộc Liên Xô cũ gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Hồi tháng trước, CSTO lần đầu tiên trong 20 năm điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến hỗ trợ giới chức Kazakhstan dẹp bạo loạn.
Quân nhân Nga tham gia lễ rút binh sĩ gìn giữ hòa bình của CSTO khỏi Kazakhstan, tại thành phố Almaty, Kazakhstan, ngày 13.1.2022 |
REuters |
Ông Zas khẳng định CSTO và các nước thành viên luôn cân nhắc kỹ bất kỳ quyết định dùng vũ lực. Ông nói rằng CSTO có lực lượng hùng mạnh với 17.000 thành viên và một lực lượng chuyên gìn giữ hòa bình với gần 4.000 binh sĩ. Ông Zas nhấn mạnh nếu cần, CSTO có thể nhanh chóng triển khai số lượng lớn binh sĩ. “Nếu cần 3.000, chúng tôi có thể gửi số lượng đó. Nếu cần 17.000, chúng tôi sẽ đáp ứng. Nếu chúng tôi cần thêm sẽ có thêm”, ông Zas nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Reuters, khó có khả năng CSTO được bật đèn xanh cho việc triển khai binh sĩ đến Donbass trong lúc này, do phương Tây cho rằng CSTO là một công cụ tạo ảnh hưởng của Moscow. Ông Zas đã bác bỏ suy đoán CSTO là công cụ gia tăng ảnh hưởng của Nga.
Nga tiếp tục diễn tập hải-lục-không quân giữa căng thẳng với Ukraine |
Ông Zas dự đoán căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn còn ở mức nguy hiểm cao cho đến khi các bên đạt một thỏa thuận về những đảm bảo an ninh mà Moscow đang tìm kiếm từ phương Tây. Ông còn cho rằng cách duy nhất chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine là thông qua đàm phán.
Ngoài ra, phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở thành phố Munich (Đức) ngày 19.2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hướng tới hòa bình về vấn đề Ukraine, thay vì chỉ làm leo thang căng thẳng, gây ra hoảng sợ và thổi phồng mối đe dọa chiến tranh.
Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 19.2 đánh giá Nga có thể phát động hành động quân sự nhắm vào Ukraine vào bất kỳ lúc nào, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra quyết định về Ukraine, gây ra nỗi sợ về nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Ukraine.
Moscow lâu nay bác bỏ các đồn đoán liên quan Ukraine, khẳng định không đe dọa bất kỳ ai.
Bình luận (0)