Nhu cầu người học giảm mạnh
Theo phương án tuyển sinh vừa công bố, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sẽ dừng tuyển sinh liên thông chính quy trong năm 2020. Trước đó, năm 2019 trường tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ 26 thí sinh trúng tuyển. Số chỉ tiêu này trường giữ nguyên suốt từ năm 2017 - 2019, trong khi trước đó có năm tuyển trên 400 người. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết do nhu cầu người học không còn nhiều nên trường quyết định dừng tuyển trong năm tới để tập trung đào tạo ĐH chính quy.
Trước đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã dừng tuyển liên thông ĐH chính quy từ năm 2017. Lý giải việc này, theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, là do nguồn tuyển thời điểm đó ngày càng thấp, có năm chỉ nhận được vài ba chục hồ sơ. Nhu cầu người học sụt giảm mạnh. Những năm trước, kỳ thi tuyển sinh liên thông do trường tổ chức thu hút tới trên ngàn người tham dự. Hiện nay trường chỉ còn đào tạo liên thông vừa làm vừa học nhưng cũng không có nhiều hồ sơ.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thì dừng tuyển sinh liên thông chính quy từ nhiều năm về trước. Hệ vừa làm vừa học hiện vẫn tuyển sinh nhưng không còn nhiều người quan tâm. Năm 2019, theo quy định chỉ tiêu liên thông chính quy bằng tối đa 1/3 tổng chỉ tiêu chính quy, tương đương trên 2.000 nhưng chỉ tuyển được 400 - 500. Trong đó, chỉ khoảng 6 - 7 ngành mở được lớp, còn lại trên 10 ngành không đủ người học.
Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trước nay chỉ tuyển thí sinh liên thông từ bậc CĐ của trường nhưng theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, hiện nhà trường đã ngưng tuyển và chỉ còn 2 khóa sinh viên tốt nghiệp bậc học này. Do vậy, chỉ tiêu tuyển liên thông chính quy còn lại chỉ dành cho sinh viên tốt nghiệp CĐ từ trường, sau đó sẽ dừng lại.
Một trong số ít nơi còn đào tạo liên thông ĐH chính quy là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên, số lượng đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2019 chỉ tiêu tuyển 1.000 nhưng có khoảng trên 800 nhập học, năm 2020 dự kiến giảm chỉ tiêu xuống còn 800. Trước đó, có những năm thí sinh trúng tuyển 2.000 - 3.000.
Theo Trưởng phòng Đào tạo một trường CĐ tại TP.HCM, nhu cầu học liên thông của sinh viên tốt nghiệp CĐ không còn nhiều như trước đây. Phần lớn người học khi tốt nghiệp các bậc học này có xu hướng đi làm ngay, đặc biệt là sinh viên các ngành kỹ thuật và kinh tế.
Do cơ chế tuyển sinh ?
Theo trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM, nguyên nhân quan trọng đến từ cơ chế tuyển sinh. “Trước đây việc tuyển sinh ĐH chỉ theo hình thức kỳ thi chung, thí sinh có ngưỡng điểm thấp hơn sẽ khó vào ĐH và đây chính là đầu vào liên thông lên ĐH. Trong khi với cơ chế hiện nay, có thể nói thí sinh không học ĐH sẽ rất lạ. Các trường ĐH mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ở hình thức xét học bạ thì chỉ trừ trường hợp quá “bết” không được công nhận tốt nghiệp thí sinh mới không thể vào ĐH. Vậy thì lấy đâu ra người cần học liên thông?”, người này phân tích.
Cũng theo người này, một thực tế là nhiều trường ĐH đào tạo liên thông với mục tiêu chính là phục vụ cho sinh viên tốt nghiệp bậc CĐ của chính trường mình. Nay theo lộ trình đến 2020 các trường ĐH dừng hẳn tuyển sinh bậc CĐ, nên nguồn tuyển sinh chính không còn.
Trong khi đó, một trưởng phòng đào tạo khác lại chỉ ra nguyên nhân nhìn từ bài toán kinh tế của trường. Tiến sĩ này nói: “Vài năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu chính quy. Trong khi sinh viên chính quy học 4 năm thì sinh viên liên thông chỉ học 1 năm rưỡi. Do vậy, khi chỉ tiêu bằng nhau nhưng số tín chỉ liên thông chỉ bằng một nửa chính quy, điều này sẽ ảnh hưởng nguồn thu học phí. Vậy nên chỉ khi không tuyển được sinh viên chính quy, các trường mới tuyển tới liên thông”.
Tuy nhiên vấn đề lớn được nhiều người nhắc tới còn ở chất lượng người học. Hiện nay, sinh viên liên thông học tập chung với sinh viên chính quy nhưng tình trạng bỏ học giữa chừng rất nhiều. Thống kê số liệu này tại một trường ĐH cho thấy, trong năm học 2018 - 2019 trường đã buộc thôi học sinh viên liên thông chính quy tới 82 người trong tổng số 335 người. Riêng năm 2018, trường tuyển được 122 sinh viên nhưng đến nay trường đã ra quyết định nghỉ học 18 người và số này chưa tính tới diện sinh viên tự ý bỏ học.
Học lên cao bằng cách nào ?
Trước tình trạng “đóng cửa” đào tạo liên thông chính quy ở nhiều trường, câu hỏi được đặt ra là con đường nào cho người muốn học nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp trung cấp, CĐ?
Theo tiến sĩ Trần Thiện Lưu, sinh viên liên thông chính quy bắt buộc học chung chương trình, cùng thời gian đào tạo với sinh viên chính quy đại trà. Do đó, người học liên thông chính quy chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp. Hiện nay, hình thức đào tạo liên thông vừa làm vừa học tổ chức tại các địa phương vẫn đang thu hút người học.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đang áp dụng hình thức xét tuyển sinh viên tốt nghiệp một số trường CĐ vào học ĐH vừa làm vừa học. Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, hình thức tuyển sinh này cũng rút ngắn thời gian đào tạo còn khoảng 1 năm rưỡi - 2 năm rưỡi dựa trên việc miễn khối kiến thức môn học.
Trong khi đó, trước sự thay đổi chương trình đào tạo của hệ thống trường CĐ khi chuyển về Bộ LĐ-TB-XH với định hướng đào tạo nghề, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có những thay đổi trong định hướng tuyển sinh liên thông. Theo đó, chỉ những trường không có sự thay đổi quá nhiều về chương trình đào tạo thì trường mới chấp nhận người học chương trình liên thông. Mới nhất, trường ĐH này đã ký kết với các trường CĐ gồm: Kinh tế TP.HCM, Kinh tế đối ngoại, Bách Việt, Quốc tế TP.HCM...
|
Bình luận (0)