Năm 2020 với ngành GD-ĐT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi cả nước bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thập niên 20 của thế kỷ 21, người ta trông đợi vào một nền giáo dục nhân văn, hiện đại mà ở đó giáo viên và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc.
Lớp 1 - thử thách đầu tiên với “đổi mới căn bản, toàn diện”
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới và áp dụng duy nhất với lớp 1 nhưng mở ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho đổi mới.
Sau gần 20 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (năm 2000) với quy định duy nhất một chương trình, một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc thì việc “thay sách” lần này có hướng đi hoàn toàn mới với một chương trình và nhiều bộ sách. Thay vì cả nước dạy học theo SGK của Bộ GD-ĐT như “pháp lệnh”, thì lần đổi mới này, Bộ không tổ chức biên soạn sách, mà SGK được biên soạn theo hình thức xã hội hóa và đến thời điểm này đã có tới 5 bộ sách lớp 1 của các nhà xuất bản biên soạn mà không dùng đến kinh phí nhà nước. Nhiều bộ SGK là xu hướng tất yếu nhưng mong muốn của nhà giáo và phụ huynh có con sắp vào lớp 1 trong năm tới là việc vận hành nhiều bộ sách phải thực sự công khai minh bạch.
Đào tạo lại hơn 400.000 giáo viên
Tháng 7.2020, luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực với nhiều thay đổi liên quan đến giáo viên (GV), trong đó có quy định về nâng chuẩn đào tạo với GV mầm non, tiểu học, THCS. Trước đây, bậc mầm non chuẩn trình độ đào tạo chỉ là trung cấp, giờ được nâng lên trình độ CĐ. GV tiểu học thì nâng chuẩn từ trung cấp lên ĐH. GV cấp THCS từ CĐ lên ĐH. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống GV phổ thông sẽ có chuẩn tối thiểu là trình độ ĐH, mầm non là CĐ.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết đội ngũ GV trên cả nước hiện nay khoảng 1,3 triệu nhưng lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn từ mầm non, tiểu học và THCS là khoảng 400.000 - 500.000, một lượng tương đối lớn. Dự kiến tháng 4.2020 sẽ có nghị định về thực hiện lộ trình đào tạo đáp ứng chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục.
Lương cho giáo viên có tăng ?
Chương trình giáo dục phổ thông mới có những thay đổi liên quan trực tiếp tới công việc của GV. Ví dụ, cấp tiểu học đang dạy học 2 buổi/ngày không bắt buộc; cấp THCS có nhiều môn học tích hợp nên tới đây bắt buộc khối lượng công việc của GV sẽ tăng lên. Nhiều GV “tâm tư”, khi dự các buổi hội thảo, tập huấn thấy lãnh đạo ngành GD-ĐT và các chuyên gia nói rất nhiều về việc “GV phải...”, nào là phải thay đổi, phải sáng tạo, phải quan tâm từng học sinh, phải... nhưng không thấy nói đến chính sách, thu nhập dành cho nhà giáo sẽ đổi mới ra sao.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo luật Giáo dục sửa đổi thì lương GV cũng sẽ tăng đáng kể. Dự kiến như với GV tiểu học khởi đầu trước đây chuẩn trình độ là trung cấp có hệ số lương cơ bản 1,86 thì nay lên thành 2,34. Như vậy, ngay hệ số cơ bản, nếu tính so với hiện nay thì đã gấp rưỡi.
Thế nào là trường học hạnh phúc ?
Năm 2019, một trong những cụm từ được nhắc rất nhiều là “trường học hạnh phúc”. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều lễ ký kết, “ra quân” mang tính phong trào để xây dựng cái gọi là hạnh phúc trong trường học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường học hạnh phúc rõ ràng không phải là việc một sớm một chiều; càng không phải có phong trào thì thầy trò sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn; nó là sự bền bỉ xây dựng của nhiều năm.
Cô Đỗ Thị Thu Huyền, GV Trường THPT Đống Đa, Hà Nội, cho rằng trường học hạnh phúc trước hết phải là khi GV cảm thấy hạnh phúc. Mỗi cá nhân luôn cảm thấy muốn đến trường với những hứng thú, niềm vui, có sự mong chờ. GV hạnh phúc sẽ làm cho học sinh hạnh phúc.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, nêu quan điểm: Trường học hạnh phúc sẽ thành sự thật khi mỗi người chủ động thay đổi bản thân mình, tự tạo ra và duy trì hạnh phúc của mình bằng cách làm cho mình hiểu biết hơn, làm việc hiệu quả hơn, thấu hiểu những người xung quanh và thấy mình có ích hơn.
Khẩn thiết đề nghị bỏ “dán nhãn” học trò
Suốt hàng thập niên qua, ẩn sau những câu chuyện không vui của giáo dục luôn có vấn đề về giáo dục đạo đức, lối sống, đánh giá, thưởng phạt học sinh chưa đúng cách. Quy định của Bộ GD-ĐT về kỷ luật, khen thưởng học sinh ban hành từ thập niên 80 của thế kỷ trước (năm 1988), đã rất lỗi thời và gây khó khăn cho các nhà trường trong quá trình thực hiện, mà sang đến thập niên 20 của thế kỷ 21 vẫn được áp dụng, dù chục năm qua, bộ này nhiều lần hứa hẹn sẽ thay đổi.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, tiếp tục tha thiết đề nghị với các cơ quan quản lý giáo dục: “Chúng ta đang chuyển từ giáo dục chỉ cung cấp kiến thức sang giáo dục để phát triển con người, thì những quy chế, quy định về giáo dục, dạy học đã tồn tại từ 50 - 60 năm nay rồi cần phải thay đổi. Bộ GD-ĐT cần xem xét và cải tổ lại việc này. Ít nhất trong vài ba năm nữa chúng ta làm thế nào để thay đổi mang lại màu sắc mới, không khí mới trong việc nhìn nhận học sinh của chúng ta trong thời đại này không phải dưới lăng kính điểm số, không phải theo con mắt đánh giá dán tem dán nhãn, phân loại con người như chúng ta đã làm trong nhiều năm nay”.
Mong hết “bệnh thành tích”
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, nêu thực tế: “Hàng chục năm qua, thi đua, khen thưởng đã sinh ra một loại bệnh: “bệnh thành tích”. Từ năm 2007, ngành giáo dục đã từng phát động “Nói không với bệnh thành tích”! Bệnh không thuyên giảm mà có xu hướng ngày một trầm trọng hơn. Do vậy, tôi đề nghị bỏ khen thưởng ở cấp cơ sở, quận/huyện, tỉnh/thành phố...; chỉ giữ lại khen thưởng ở cấp T.Ư. Nên bỏ các cuộc thi “GV dạy giỏi”; “GV chủ nhiệm giỏi”, “tổng phụ trách giỏi”... Cần bỏ việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện” vì thực tế hoạt động này không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng. Cần bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của GV, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này”.
Điều ước giản đơn: khai giảng xong mới đi học
Chuyện ngược đời tồn tại hàng chục năm qua đó là học sinh tựu trường trước cả tháng trời rồi mới rầm rộ tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Điều này được Bộ GD-ĐT chấp nhận, thậm chí hợp pháp hóa bằng ban hành khung kế hoạch thời gian năm học hằng năm, trong đó quy định lịch tựu trường cho phép từ 1.8 và khai giảng vào ngày 5.9. Cận kề ngày khai giảng năm học vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến thăm một trường học ở vùng sâu, vùng xa và khi hỏi học sinh lớp 1 của trường này muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như hiện nay, câu trả lời mà người đứng đầu ngành GD-ĐT nhận được từ học sinh, đó là “con muốn khai giảng rồi mới đi học”. Thời điểm này, ông Nhạ hứa sẽ tính toán để thực hiện được mong muốn đó của học sinh trong thời gian tới.
Bình luận (0)