Liên Xô kiếm được bao nhiêu tiền từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973?

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
23/01/2021 16:46 GMT+7

Câu thành ngữ “Ngư ông đắc lợi” mô tả rất chính xác và đầy đủ tình hình và vị thế của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới 1973-1974.

Cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ tư khiến việc cung cấp dầu ở Trung Đông cho các nước phương Tây bị đình trệ, do đó Liên Xô trở thành nhà cung cấp năng lượng gần như độc quyền và vớ bẫm nhờ cuộc khủng hoảng dầu mỏ này.

Ủng hộ Israel thì không có xăng dầu!

Trong cuộc xung đột Ả Rập - Israel lần thứ tư, Mỹ và các nước Tây Âu đã dứt khoát đứng về phía Israel, điều này gây ra sự tức giận có thể hiểu được của những quốc gia Ả Rập đã và đang cung cấp dầu cho các nước phương Tây. Đến thời điểm năm 1973, Trung Đông cung cấp tới 66% nguồn dầu cho các quốc gia Âu – Mỹ.

Quân đội Israel nã pháo về phía quân Syria trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973

AFP

Tình hình diễn tiến với tốc độ cực nhanh. Vào ngày 8.10.1973, ngày thứ hai của cuộc chiến tranh, các cuộc đàm phán về giá dầu giữa các quốc gia Ả Rập thuộc tổ chức các nước xuất khẩu OPEC với những người tiêu dùng chính đã bị cắt đứt tại Vienna. 8 ngày sau, giá dầu tăng lên 7,15 USD/thùng, mặc dù trong suốt thập niên 1960 và đầu 1970, giá được giữ ổn định ở mức 3-4 USD/thùng. Ngày 20.10, Quốc vương Faisal của Ả Rập Xê-út tuyên bố ngừng cung cấp dầu cho Mỹ, Tây Âu và Nam Phi. Quyết định này được các nước Ả Rập khác ủng hộ, và cả Nhật Bản cũng được đưa vào danh sách các quốc gia bị cấm vận dầu mỏ.
Tại các trạm xăng của tất cả các nước phương Tây, xe cộ xếp hàng dài nhiều km để chờ đổ xăng; một số quốc gia đưa ra định mức hạn chế tiêu thụ xăng dầu hàng ngày của phương tiện cá nhân. Ngành công nghiệp ô tô đã phản ứng gần như ngay lập tức và tung ra thị trường dòng xe hơi nhỏ gọn ít tốn xăng thay vì những chiếc xe limousine sang trọng nhưng ngốn xăng như điên vốn được ưa chuộng trong các thập niên 1950-1960.

Xe nối đuôi chờ đổ xăng trong cuộc khủng hoảng năng lượng 1973

Quan trọng nhất là không thể duy trì tăng trưởng kinh tế nếu không tiêu thụ một lượng lớn xăng dầu và các chế phẩm dầu mỏ khác. Phương Tây bắt đầu tìm lối thoát.

Kiếm tiền từ các nhà tư bản không phải là một tội lỗi

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dầu mỏ nêu trên, Liên Xô nổi lên như một nhà cung cấp khổng lồ. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới không phản đối việc lợi dụng những mâu thuẫn trong phe của kẻ thù là khối tư bản toàn cầu. May mắn thay, đến thời điểm đó, các đường ống dẫn dầu đã được mở rộng đến Đông Âu, trong đó đường ống lớn nhất, Druzhba (Hữu nghị), đã hoàn thành việc xây dựng nhánh thứ hai vào cuối năm 1973. Trước đó, việc giao hàng đến các nước thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế (Council for Mutual Economic Assistance – Comecon) đã được thực hiện với giá thấp hơn 3-4 lần so với giá thị trường, nhưng giờ đây, với việc xuất hàng cho các nước phương Tây, Liên Xô có thể nhận được những đồng đô la có giá trị gấp nhiều lần. Không khó để kéo dài các tuyến đường ống ra xa hơn một chút, đồng thời bắt đầu xây dựng các đường ống mới với sự tham gia nhân công của Tiệp Khắc, Bulgaria, Hungary... Dòng dầu Liên Xô bắt đầu ào ạt chảy sang các nước Tây Âu.
Ở Liên Xô, kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (1971 - 1975) đang được thực hiện, và giờ đây, với nguồn thu từ dầu mỏ tăng đột biến, một vài điều chỉnh đã được đưa vào. Chẳng hạn, đẩy mạnh khai thác các nguồn tài nguyên của Siberia, trước hết là các mỏ dầu khí. Việc xây dựng tuyến đường sắt Baikal-Amur, bị gián đoạn từ thời Stalin, đã được nối lại. Các khoản đầu tư đã được thực hiện để đổi mới hạ tầng cơ sở của các ngành công nghiệp trọng yếu, và Liên Xô bắt đầu tiến hành mua một lượng lớn các quy trình công nghệ từ phương Tây.
Chỉ với vài năm giữ vị thế “một mình một chợ” trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, Liên Xô đã tích lũy được một ngân khoản khổng lồ đủ để “đổi đời”.
Doanh thu xuất khẩu dầu mỏ đạt 200 tỷ USD/năm, ngân sách quốc gia siêu bội thu. Nhà nước Liên Xô quyết định sử dụng một phần đáng kể nguồn thu từ dầu mỏ để cải thiện phúc lợi cho người dân. Trước hết, việc xây dựng nhà ở đã được tăng cường, kể cả ở nông thôn, đặc biệt là nhà ở cho giáo viên ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhiều trường học và nhà trẻ được xây mới. Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (1976-1980), Liên Xô sẽ xây thêm các trường học đủ chỗ cho hơn 7 triệu học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, Liên Xô tăng cường mua thực phẩm và hàng tiêu dùng, chủ yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng tiêu dùng đạt đến sự phong phú chưa từng thấy trong nước. Khoảng thời gian từ giữa đến cuối thập niên 1970 được coi là “thời điểm vàng” của đời sống Liên Xô. Tất cả là nhờ có cuộc khủng hoảng dầu mỏ giữa phương Tây với các nước Trung Đông, như một món quà từ trên trời rơi xuống!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.