Trong bối cảnh đó, việc mua bộ sạc phù hợp cho smartphone lại không phải là điều dễ dàng. Gần đây, các báo cáo về việc bộ sạc giả làm bong tróc lớp sơn trên Galaxy Z Fold6 đã làm gia tăng lo ngại về chất lượng bộ sạc có trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là, liệu bộ sạc có thực sự gây hại cho điện thoại? Hãy cùng khám phá sự thật và những hiểu lầm xung quanh vấn đề này.
Samsung nói gì về bộ sạc bên thứ ba?
Trong ngành công nghiệp smartphone, sự cố liên quan đến sạc pin không phải là điều mới. Tiêu biểu là khi kỹ sư Benson Leung của Google chỉ ra rằng một số cáp USB-C từ Amazon không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, gây nguy hiểm khi sử dụng với công suất cao. Mới đây, Samsung đưa ra tuyên bố rằng sự cố với Galaxy Z Fold6 có thể do "bộ sạc của bên thứ ba không được nối đất đúng cách".
Việc Samsung chỉ trích bộ sạc bên ngoài có thể khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp lý của tuyên bố. Liệu có thật sự tồn tại vấn đề nối đất không đúng cách trong kết nối USB-C? Có thể, nếu bộ sạc không kết nối đầy đủ các chân nối đất hoặc không nối vỏ cáp với khung máy, dòng điện có thể chạy qua những đường nối đất không an toàn, gây ra hiện tượng bong tróc lớp sơn.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn là bộ sạc gây ra nguy cơ mất an toàn. Một lỗi bên trong, đặc biệt khi sạc ở mức công suất cao, có thể dẫn đến điện giật, làm hư hỏng thiết bị và thậm chí gây hỏa hoạn. Nếu trên thị trường xuất hiện những bộ sạc lỗi như vậy, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với việc bong tróc lớp sơn trên những chiếc điện thoại cao cấp từ Samsung.
Tuy nhiên các sự cố như vậy dường như rất hiếm gặp. Đến nay, chưa có ghi nhận bất kỳ sự cố đáng lo ngại nào ở những sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng, cho thấy người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm khi sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại.
Sạc quá mức có thể làm hỏng smartphone?
Nhiều người lo ngại việc sạc quá mức có thể làm hỏng smartphone, nhưng những lo ngại này phần lớn không có cơ sở. Về lý thuyết, khi bộ sạc cung cấp điện áp vượt quá mức mà pin hoặc mạch điện thoại có thể xử lý, sẽ dẫn đến nhiệt độ cao, làm giảm tuổi thọ của pin và gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, smartphone hiện đại được trang bị nhiều tính năng an toàn để ngăn chặn tình trạng này xảy ra.
Đầu tiên, các công nghệ sạc nhanh như USB Power Delivery yêu cầu một quá trình điều chỉnh kỹ thuật số liên tục giữa bộ sạc và thiết bị để xác định mức công suất phù hợp. Nếu không có sự thống nhất về giao thức và mức công suất, thiết bị sẽ tự động chuyển sang chế độ sạc chậm, từ đó loại bỏ nguy cơ quá áp.
Thứ hai, các thiết bị hiện đại liên tục theo dõi trạng thái pin, kiểm tra điện áp và nhiệt độ để đảm bảo chúng nằm trong giới hạn an toàn. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, thiết bị sẽ tự động điều chỉnh mức công suất thấp hơn, giúp pin có thời gian nguội lại.
Ngoài ra, cổng USB-C trên smartphone cũng được trang bị tính năng chống phóng tĩnh điện và bảo vệ quá áp, giúp bảo vệ thiết bị khỏi các mạch điện tiềm ẩn và nguồn hư hỏng khác. Hầu hết smartphone cao cấp và cả một số mẫu tầm trung đều có những tính năng bảo vệ này.
Tuy nhiên, các công nghệ sạc nhanh độc quyền có thể có mức độ bảo vệ khác nhau. Khi chọn bộ sạc của bên thứ ba, người dùng cần lưu ý tiêu chuẩn sạc độc quyền có thể không rõ ràng. Điều này không có nghĩa sạc nhanh độc quyền là không an toàn nhưng thông tin về cách thức triển khai của chúng thường ít được biết đến hơn so với các tiêu chuẩn USB phổ biến.
Mặc dù không có sản phẩm nào đảm bảo hoàn toàn không có lỗi, nhưng việc lựa chọn các thương hiệu sạc uy tín sẽ giúp người dùng yên tâm hơn nhờ đảm bảo tính tương thích và đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Nên tránh xa các sản phẩm vô danh, giá rẻ và kém chất lượng, đặc biệt được sản xuất tại các quốc gia có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng thấp.
Bình luận (0)