Đúng như dự đoán của thị trường tài chính, cuối tháng 7, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, đạt phạm vi mục tiêu là 5,25% - 5,5% - mức lãi suất cao nhất trong hơn 22 năm qua. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell không loại trừ khả năng tiến hành một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 9, nhưng các nhà phân tích và kinh tế học đánh giá Fed đã khá thành công trong việc giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Một loạt các dữ liệu khả quan đã làm tăng triển vọng nền kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm". Ông Powell cho biết các nhân viên ngân hàng trung ương Mỹ đã rút lại dự báo về suy thoái kinh tế, tuy vẫn phải thừa nhận rằng còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% như đã đề ra.
"Hạ cánh mềm" là gì?
Trong kinh tế học, hạ cánh mềm là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ nhưng tránh được suy thoái, theo trang Investopedia. Hạ cánh mềm là mục tiêu của một ngân hàng trung ương khi họ tìm cách tăng lãi suất vừa đủ để ngăn nền kinh tế quá nóng và lạm phát cao mà không gây ra suy thoái nghiêm trọng. Hạ cánh mềm cũng có thể được sử dụng để đề cập sự suy giảm dần dần, tương đối, không gây sốc trong một ngành hoặc lĩnh vực kinh tế cụ thể.
Những tín hiệu lạc quan
Ngày 28.7, Cơ quan Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy trong tháng 6, thước đo lạm phát của Fed - thước đo cốt lõi của chỉ số tiêu dùng cá nhân - đã hạ nhiệt xuống mức 4,1% (tháng 5 là 4,6%). Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10.2021. Bộ Thương mại Mỹ cũng ra báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trong quý 2/2023, cao hơn nhiều so với mức 1,8% mà các nhà kinh tế dự báo và cao hơn mức tăng trưởng 2% trong quý 1/2023.
"Bidenomics" có giúp Tổng thống Biden tái đắc cử?
Tuần trước, Ngân hàng Goldman Sachs đã giảm xác suất xảy ra suy thoái trong vòng một năm tới từ 25% xuống còn 20%. Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng này cho biết các dữ liệu kinh tế vừa qua đã củng cố niềm tin của ông về việc Mỹ có thể tránh được suy thoái kinh tế. Đồng quan điểm, bà Heidi Shierholz, cựu kinh tế trưởng tại Bộ Lao động Mỹ, lạc quan về việc kinh tế Mỹ đang "hạ cánh mềm" bởi lạm phát đang ở mức vừa phải và sẽ tiếp tục duy trì trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.
Một trong những tín hiệu kinh tế lạc quan phải kể đến đầu tiên là khả năng phục hồi của thị trường lao động. Người ta thường cho rằng chính sách tiền tệ sẽ đẩy nhu cầu lao động đi xuống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy về cơ bản thị trường lao động Mỹ đã có những phục hồi đáng kể, ngoại trừ trong lĩnh vực công nghệ xảy ra các đợt sa thải lớn do hậu quả của việc tuyển dụng nhân sự quá mức trước đó. Ở các lĩnh vực khác như ngành dịch vụ, tỷ lệ tuyển dụng lao động mới vẫn được duy trì với tốc độ cao.
Thị trường lao động là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự suy thoái kinh tế đã hạ nhiệt. Nhu cầu nhân công mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ cũng được đáp ứng nhờ nguồn cung lao động tăng lên với tỷ lệ nhóm dân số từ 25 - 54 tuổi đang làm việc hoặc đang tìm việc hiện cao hơn so với trước đại dịch Covid-19.
Thứ hai, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Lạm phát thời gian qua ở Mỹ là do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn cung đang phục hồi do các chuỗi cung ứng được nối lại và đa dạng hóa hơn. Đơn cử, trước đây lĩnh vực lắp ráp ô tô bị hạn chế do thiếu chip đã tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay.
Thứ ba, khả năng phục hồi của người tiêu dùng. Trong khi túi tiền của người dân bị siết chặt do tình trạng thất nghiệp và lạm phát, người lao động cũng nhanh chóng tìm được việc làm mới. Trong quý 2/2023, chỉ số chi phí nhân công (ECI), vốn được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ như một chỉ số tăng trưởng tiền lương, đã tăng 1% (quý 1 tăng 1,2%). Mặc dù một số nhà kinh tế lo ngại tiền lương tăng trưởng có thể gây ra lạm phát nhưng nó lại giúp vực dậy người tiêu dùng Mỹ, khiến họ mạnh dạn chi tiêu hơn. Sản lượng kinh tế Mỹ tăng tốc trong những tháng gần đây cũng là nhờ vào chi tiêu của người tiêu dùng vững chắc.
Thứ tư, khả năng phục hồi nhà ở. Nỗi lo sợ phổ biến là lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, làm trì hoãn hoạt động xây dựng, đẩy giá xuống và thậm chí có thể dẫn đến một cuộc suy thoái với nhà ở là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khả năng phục hồi nhà ở đã tăng trở lại.
Thứ năm, khả năng phục hồi của hệ thống tài chính. Một nỗi sợ phổ biến khác là Fed sẽ tăng lãi suất cho đến khi có điều gì đó xảy ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có vẻ như người ta đã quá cường điệu về sự sụp đổ của hệ thống tài chính sau vụ sụp đổ của một loạt ngân hàng lớn của Mỹ như Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).
Vẫn còn nhiều mối lo
Những tín hiệu kinh tế lạc quan đã thúc đẩy thị trường chứng khoán khởi sắc trong tuần trước. Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng gần 20% nhờ sự hào hứng của các nhà đầu tư về trí tuệ nhân tạo cùng với những tác động đối với các cổ phiếu công nghệ lớn. Cổ phiếu Nasdaq Composite, vốn có tỷ trọng lớn về cổ phiếu công nghệ, đã tăng 2% sau khi Meta công bố báo cáo thu nhập hàng quý khả quan.
Những dữ liệu lạc quan cho thấy nền kinh tế Mỹ có đầy triển vọng "hạ cánh mềm", đồng nghĩa với việc kinh tế sẽ tăng trưởng thêm 4 hoặc 5 năm nữa trước cuộc suy thoái tiếp theo như chu kỳ lịch sử trước đây.
Mặc dù vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với vô vàn thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase & Co cho biết tình trạng lạm phát có thể vẫn là vấn đề của vài tháng tới do hàng nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ ngày một nhiều, cùng với đó là sự thông suốt của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như giá nhà thuê giảm đi.
El-Erian, phụ trách chuyên mục ý kiến của Bloomberg, cho biết Fed có thể sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn trong quý 4 là đẩy mạnh nỗ lực giảm lạm phát để đạt được mục tiêu và mạo hiểm phá vỡ điều gì đó trên thị trường tài chính hoặc nền kinh tế, hoặc nhận ra rằng mục tiêu 2% như đặt ra không phải là dễ và cần phải xem xét lại trong tương lai. Do đó, rất có khả năng Fed lại phải tiếp tục tăng lãi suất.
Nhiều nhà kinh tế học, chuyên gia tài chính và chủ doanh nghiệp vẫn dự báo rằng lạm phát và lãi suất cao sẽ buộc các công ty phải sa thải nhân công, kéo theo giảm chi tiêu và khiến nền kinh tế sụp đổ.
Theo một khảo sát hồi tháng 6 của The Wall Street Journal, hơn 2/3 các chủ doanh nghiệp nhỏ cho biết họ đã triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí trong 6 tháng đầu năm và thậm chí một số doanh nghiệp vẫn có kế hoạch cắt giảm chi phí trong tương lai như tìm nguồn cung ứng mới, ngừng tuyển dụng, ngừng hoặc giảm chi phí vốn và loại bỏ những sản phẩm, dịch vụ không sinh lời. Những chiến lược này cho phép họ sẵn sàng ứng phó với khả năng suy giảm sâu hơn mà không phải cắt giảm nhân viên và chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế.
Hơn nữa, các yếu tố cấu trúc giúp kiểm soát chi phí trong những thập niên qua đã thay đổi. Quá trình toàn cầu hóa đang đảo ngược do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ dâng cao, trong khi tình trạng già hóa dân số cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động.
Mặc dù giai đoạn đầu tiên của cuộc "hạ cánh mềm" là một thành công, nhưng loại trừ khả năng xảy ra suy thoái sẽ là một sai lầm. Suy thoái thậm chí vẫn có thể xảy ra và theo thời gian thì đây là điều không thể tránh khỏi. Chính sách tiền tệ vẫn cần phải có "đà hãm" bởi những cú sốc thực tế luôn có thể kết thúc một chu kỳ, đặc biệt khi tăng trưởng đã chậm lại và nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn, đồng thời với các tác nhân gây căng thẳng tài chính có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.
Bình luận (0)