Liều thuốc mạnh

17/07/2014 03:00 GMT+7

Miễn, giảm, giãn thuế; xóa nợ thuế, tiền chậm nộp - phạt mà gốc là tiền nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tính đến cuối năm 2013 để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất là các giải pháp đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất theo yêu cầu của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp (DN) việc này chẳng khác nào được "nhấc gánh nặng" ra khỏi đôi vai đã trĩu vì nợ nần, khó khăn của họ.

DN nợ thuế hầu hết là vì thua lỗ do khó khăn kéo dài. Nhưng nợ thì bị phạt, nợ càng dài thì mức phạt càng cao. Đã thua lỗ còn nặng nợ trong khi thị trường tiêu thụ vẫn ảm đạm, rất nhiều DN rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cầm cự duy trì thì nợ càng tăng, ngưng hoạt động thì nhà xưởng, máy móc, lao động, vốn vay... không giải quyết được. Vì thế được xóa nợ thuế sẽ giúp họ trút được gánh nặng và có thêm nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu xóa nợ thuế được ví như "nhấc gánh nặng" ra khỏi vai DN thì việc miễn, giảm thuế lại có ý nghĩa quan trọng đến việc tăng tổng cầu, tháo tồn kho cho nền kinh tế. Vì chỉ như vậy, DN mới có cơ sở, có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ, từ đó kích thích sức mua, từng bước lấy lại thị phần bị chèn lấn bởi hàng ngoại, hàng giá rẻ, hàng nhập lậu… thừa cơ tung hoành tại thị trường nội địa mấy năm nay.

Tuy nhiên, sử dụng giải pháp hỗ trợ thuế thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là liều lượng và thời gian. Chúng ta đã có bài học về việc này khi triển khai gói hỗ trợ không đạt hiệu quả như mong muốn trước đây. Nguyên nhân do quy mô gói hỗ trợ quá bé, thời gian hỗ trợ quá ngắn, triển khai chậm trễ và chưa đánh đúng vào khó khăn của DN.

Đơn cử như giải pháp giãn, gia hạn thuế trong khi hầu hết DN được hỗ trợ lại thua lỗ, không có doanh thu, lấy đâu tiền nộp thuế để được "giãn"? Kết quả là rất nhiều DN vừa và nhỏ, đối tượng chính của gói hỗ trợ phàn nàn rằng, họ không hề biết "mùi vị" của gói này như thế nào. Vì vậy hỗ trợ thuế lần này cần được tính toán kỹ về liều lượng để phát huy tối đa hiệu quả, để người dân và DN hiểu rõ sự chia sẻ của Chính phủ với khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Việc này nói một cách đơn giản cũng như bác sĩ trị bệnh. Nếu chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc, uống đúng liều lượng thì người bệnh sẽ nhanh khỏi. Còn ngược lại, bệnh không những khó dứt mà còn nguy cơ trở thành mãn tính. Lúc đó, muốn cứu cũng muộn.

Sức khỏe của các DN đang ở trong tình trạng kiệt quệ. Đầu vào thì chi phí tăng, đầu ra thì sức mua yếu lại còn đối mặt với nợ nần, lãi vay, không tiếp cận được tín dụng ngân hàng, bị chèn lấn bởi hàng nhái, giả, lậu... Nên hỗ trợ thuế phải là miễn, giảm chứ không nên giãn, gia hạn; thời gian cần kéo dài chứ không nên tính bằng quý, tháng và đặc biệt phải giản lược tối đa thủ tục hành chính để chính sách nhanh chóng đến tay DN.

Bên cạnh hỗ trợ thuế cho DN, cũng nên miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân. Đây là giải pháp hiệu quả đã được rất nhiều nước áp dụng khi cần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Bởi thu nhập tăng, giá thành giảm thì tâm lý "thắt lưng buộc bụng" sẽ bớt, sức mua chắc chắn sẽ được cải thiện.

Chính phủ đã nhìn rõ khó khăn, đã "chẩn" đúng bệnh của các DN, vấn đề còn lại là một liều thuốc đủ mạnh để giúp họ bứt lên và vượt qua giai đoạn cam go hiện nay.

Nguyên Khanh

>> Giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp
>> Giảm chứ không chỉ giãn thuế
>> Giãn thuế cho doanh nghiệp
>> Giãn thuế thu nhập cá nhân trong tháng 6
>> Giảm, giãn thuế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.