Linga vàng: Tài sản vô giá của văn hóa Chăm

Quế Hà
Quế Hà
04/10/2024 14:00 GMT+7

Ngày 2.10, trong lễ khai mạc tết Katê của đồng bào Chăm dưới tháp Pô Saih Inư (P.Phú Hài, TP.Phan Thiết), Sở VH-TT-DL Bình Thuận đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Linga vàng của người Chăm là bảo vật quốc gia.

Năm 2013, Sở VH-TT-DL Bình Thuận phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức khai quật khảo cổ tại khuôn viên nhóm đền tháp Chăm Pô Dam (xã Phú Lạc, H.Tuy Phong) để phục vụ công tác trùng tu và phục hồi một số hạng mục kiến trúc của di tích.


Linga vàng: Tài sản vô giá của văn hóa Chăm- Ảnh 1.

Linga vàng bị móp khi phát hiện ở tháp Pô Dam

ẢNH: BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

Linga vàng độc bản, đặc biệt quý hiếm của người Chăm cổ

Theo Bảo tàng Bình Thuận, quá trình khảo cổ tại tháp Pô Dam đã phát lộ nhiều kiến trúc dạng nhà dài, nhà vuông, bậc cấp cầu thang cổ dẫn lên tháp Nam. Đồng thời, các nhà khảo cổ phát hiện tại đây nhiều hiện vật có giá trị như phiến đá chạm có chữ Chăm cổ, khắc lên đá ghi niên đại xây dựng ngọn tháp Pô Dam vào năm 710 AD.

Đặc biệt, đoàn đã phát hiện Linga vàng độc bản, đặc biệt quý hiếm của người Chăm cổ. Việc phát hiện này góp phần khẳng định giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm cổ trước đây.

Linga vàng: Tài sản vô giá của văn hóa Chăm- Ảnh 2.

Khai quật khảo cổ học ở tháp Pô Dam từ năm 2013 đã phát hiện Linga vàng

ẢNH: BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

Cũng theo các chuyên gia của Bảo tàng Bình Thuận, Linga vàng tìm thấy ở tháp Pô Dam được coi là hiện vật "độc nhất vô nhị" và quý hiếm được phát hiện, tính đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam.

Linga vàng được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ 8-9; Linga có trọng lượng 78,36 gram. Qua phân tích thành phần hợp kim đúc Linga thì tỷ lệ vàng rồng chiếm 90,4%, còn lại 9,6% là bạc và đồng.

Đây là loại hình Linga làm bằng kim loại vàng quý hiếm trong văn hóa Chăm cổ. Việc phát hiện các cổ vật và đặc biệt là Linga bằng vàng trong quá trình khai quật khảo cổ ngay trong địa tầng văn hóa. Không những thế, nó chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, có giá trị đối với công tác nghiên cứu khoa học và nhận thức các vấn đề về văn hóa, lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung.

Linga vàng: Tài sản vô giá của văn hóa Chăm- Ảnh 3.

Tháp Pô Dam ở xã Phú Lạc, H.Tuy Phong, Bình Thuận đã được trùng tu

ẢNH; BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

Sự hóa thân thiêng liêng của thần Shiva trong Hindu giáo

Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ sử học Phan Văn Bông (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) cho rằng giá trị của Linga vàng được phát hiện ở Bình Thuận không chỉ có giá trị vật chất, mà nó mang ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, văn hóa và giáo dục của người Chăm cổ.

Về tôn giáo, tiến sĩ sử học Phan Văn Bông cho rằng, Linga là sự hóa thân thiêng liêng của thần Shiva trong Hindu giáo. Nó khẳng định tín ngưỡng tôn thờ thần Shiva của người Chăm và sự ảnh hưởng của Hindu giáo, cũng như sự hòa quyện với tín ngưỡng phồn thực truyền thống của người Chăm.

Linga vàng: Tài sản vô giá của văn hóa Chăm- Ảnh 4.

Linga vàng được công bố ngày 2.10 là bảo vật quốc gia

ẢNH: QUẾ HÀ

Còn về văn hóa, Linga vàng là minh chứng cho kỹ thuật chế tác kim hoàn tinh xảo của người Chăm xuyên suốt từ đầu công nguyên, phản ánh trình độ phát triển của nghệ thuật và nghề thủ công chế tác kim khí.

Ở góc độ lịch sử, phát hiện này cung cấp thông tin quý giá về quá trình phát triển của vương quốc Chămpa, cho thấy sự giao lưu văn hóa và thương mại với các nền văn minh khác.

Linga vàng: Tài sản vô giá của văn hóa Chăm- Ảnh 5.

Các nhà khảo cổ học quan sát tại tháp Pô Dam trước khi khai quật khảo cổ tại đây

ẢNH: BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

Đặc biệt là về giáo dục, sự kiện tìm thấy Linga vàng (và được công nhận là bảo vật của quốc gia) sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về một nền văn minh rực rỡ của người Chăm trước đây cho đến bây giờ.

Năm 2023, Sở VH-TT-DL Bình Thuận đã xây dựng hồ sơ hiện vật Linga vàng, tham mưu UBND tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền ở T.Ư xem xét, công nhận bảo vật quốc gia. Ngày 18.1.2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12). Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận, có Linga vàng tìm được ở tháp Pô Dam. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân tỉnh Bình Thuận; đặc biệt là đồng bào Chăm khi lần đầu tiên có hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.