Linh vật Sao La của SEA Games 31 mang ý nghĩa đặc biệt thế nào?

23/04/2022 16:07 GMT+7

Nước chủ nhà Việt Nam cũng đã công bố linh vật của đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 31. Đó là hình tượng chú Sao La do họa sĩ Ngô Xuân Khôi sáng tác.

Tháng 5 tới đây, người hâm mộ thể thao cả nước sẽ hướng về thủ đô Hà Nội để đón chào kỳ SEA Games lần thứ 31. Nước chủ nhà Việt Nam cũng đã công bố linh vật của đại hội. Đó là hình tượng chú Sao La do họa sĩ Ngô Xuân Khôi sáng tác.

Hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Ông là hội viên của hội Mỹ Thuật Việt Nam và có không ít lần được vinh danh ở các cuộc thi mỹ thuật ở quy mô toàn quốc. Theo chia sẻ của ông Khôi, tác phẩm linh vật SEA Games 31 chính là phần thưởng bất ngờ nhất nhưng cũng đặc biệt nhất sau nhiều năm dấn thân vào làng mỹ thuật của ông.

Và để có thể tạo ra sự khác biệt, ông Ngô Xuân Khôi đã có suy nghĩ táo bạo đồng thời vẫn giữ được những giá trị truyền thống của quê hương, khi thậm chí ông còn chưa chứng kiến con linh vật của giải đấu ở ngoài đời. Họa sĩ này chia sẻ:

“Tôi suy nghĩ, trăn trở, cân nhắc rất nhiều về nhiều con vật được đề xuất. Bỗng một đêm, tôi vụt nhớ lại cách đây gần 30 năm, tôi đọc một tờ báo đưa tin thế giới ngỡ ngàng vì lần đầu phát hiện một loài thú quý hiếm tại miền Trung Việt Nam. Loài vật này có tên là Sao La. Việc khám phá ra loài này đã gây chấn động trên thế giới, vì giới khoa học đã cho rằng phát hiện mới về giống loài đối với thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra. Tôi lao vào tra cứu, càng đọc thì càng tâm đắc thích thú.”

Và rồi cảm xúc đã vỡ oà với họa sĩ xứ Nghệ khi bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT công bố tác phẩm đạt giải nhất của cuộc thi sáng tác biểu trưng, bài hát và khẩu hiệu của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

Sao la lần đầu tiên được phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1992 tại vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Sao la chính là một trong những loài động vật được tổ chức World Wide Fund for Nature (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới) chú trọng đặc biệt trong việc bảo tồn. Thậm chí đã có một nhóm tên là Saola Working Group được thành lập, quy tụ những nhà khoa học hàng đầu thế giới với dự án bảo tồn có kinh phí lên đến hàng triệu đô la.

Vì sở hữu vẻ đẹp bí ẩn cùng với độ quý hiếm không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn là ở những quốc gia khác tại châu Á, sao la được mệnh danh là “Kỳ lân của châu Á.”

Không chỉ mang biểu tượng của sự độc nhất, cặp sừng chữ V của sao la còn chỉ ra hai ý nghĩa to lớn nữa, đó là từ “Việt Nam” và từ “Victory” tức là chiến thắng. Sao la cũng được biết đến là loài vật sở hữu sự dẻo dai và bền bỉ. Thân hình cân đối, cơ bắp chắc nịch cũng là những đặc điểm khiến cho loài vật này trở nên vô cùng ấn tượng. Đây cũng được xem là lời nhắc nhở về đoàn thể thao Việt Nam đầy khát khao chiến thắng đã sẵn sàng cạnh tranh huy chương vàng trước các đối thủ khu vực.

Sao la đang được xếp vào mức “Cực kỳ nguy cấp” trong sách đỏ thế giới, tức là mức cuối cùng trước khi được liệt vào danh sách “Bị tuyệt chủng”.

Hơn cả một linh vật, hình tượng Sao La tại SEA Games chính là lời kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường, lên án nạn phá rừng, bẫy thú trái phép và kêu gọi sự đầu tư nhiều hơn nữa để bảo vệ những cá thể sao la cuối cùng còn sót lại trên trái đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.