Lithuania - Trung Quốc: Khi nước nhỏ đối đầu cường quốc

23/11/2021 07:17 GMT+7

Việc Lithuania đối đầu với Trung Quốc cho thấy cách một nước nhỏ có thể khiến một cường quốc phải lo lắng khi đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm nhất.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Vilnius, Lithuania

Shutterstock

Căng thẳng ngoại giao giữa Lithuania - một quốc gia vùng Baltic với dân số chưa tới 3 triệu người, và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bắt đầu chỉ bằng một từ. Hồi tháng 7, Lithuania thông báo cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này. Song thay vì sử dụng từ “Đài Bắc” như hầu hết văn phòng đại diện của Đài Loan trên thế giới, địa chỉ tại thủ đô Vilnius của Lithuania lại sử dụng từ “Đài Loan”, lần đầu tiên tại châu Âu.

Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh của mình, lập tức nổi giận và căng thẳng nhanh chóng leo thang. Bắc Kinh triệu hồi đại sứ tại Lithuania, hình thức phản đối ngoại giao mà họ đã không áp dụng trong nhiều năm, đồng thời buộc Vilnius làm tương tự. Các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc đến Vilnius bị tạm dừng, và các công ty xuất khẩu thực phẩm của Lithuania không còn được cấp phép đưa hàng sang Trung Quốc.

Đến ngày 21.11, Trung Quốc tuyên bố giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania, từ cấp đại sứ xuống cấp đại biện, sau khi văn phòng của Đài Loan ở Vilnius chính thức đi vào hoạt động. Lần gần nhất Trung Quốc làm vậy là vào năm 1981 với Hà Lan, cũng vì vấn đề Đài Loan.

Trong cuộc đấu địa chính trị, Lithuania với Trung Quốc khó có thể xem là một cặp tương xứng. Thời báo Hoàn Cầu đã mỉa mai dân số của Lithuania “còn không bằng quận Triều Dương của Bắc Kinh”. Quân đội Lithuania cũng không có xe tăng hay chiến đấu cơ, và quy mô nền kinh tế chỉ bằng 1/270 so với Trung Quốc, New York Times chỉ ra. Và Bắc Kinh có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Vilnius mà không tổn thất gì nhiều, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Song Lithuania đã cho thấy cách một nước nhỏ có thể đối đầu với một cường quốc mà nhiều năm qua đã theo đuổi sách lược ngoại giao “chiến lang” như Trung Quốc. Căng thẳng lần này cũng làm nổi bật thách thức mà Liên minh Châu Âu (EU) phải đối mặt trong việc cân bằng lợi ích với đồng minh và đối tác.

Không chỉ là cái tên

Vụ văn phòng đại diện của Đài Loan không phải là điểm đen duy nhất trong quan hệ giữa Lithuania và Trung Quốc gần đây. Hồi tháng 5, quốc gia Baltic đã rút khỏi diễn đàn hợp tác “17+1” bao gồm Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu. Bắc Kinh hứa hẹn thúc đẩy các dự án hạ tầng tại khu vực thông qua chương trình “Vành đai, Con đường”, nhưng cũng bị cáo buộc lợi dụng cơ chế này để gia tăng ảnh hưởng ngoại giao. Lithuania góp tiếng kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19, cáo buộc Trung Quốc không minh bạch. Ngoài ra, Vilnius đã ngăn cản nhà đầu tư Trung Quốc tham gia dự án nâng cấp một cảng nước sâu vì lo ngại an ninh.

Và trong khi xa cách với Trung Quốc, Lithuania lại xích lại gần vùng lãnh thổ Đài Loan. Khoảng 15 nước EU có văn phòng đại diện ở Đài Loan và 18 nước cho phép vùng lãnh thổ này thiết lập các văn phòng kinh tế (và văn hóa) tại thủ đô của họ. Song Lithuania là nước đầu tiên cho phép sử dụng từ “Đài Loan” trong tên gọi văn phòng, hành động mà Bắc Kinh xem là tín hiệu ủng hộ Đài Loan độc lập.

Hồi tháng 8, Financial Times đưa tin Mỹ đang xem xét đề nghị của Đài Bắc về việc đổi tên văn phòng đại diện ở Washington, từ “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc” thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan”. Quyết định đổi tên cuối cùng cần được Tổng thống Joe Biden thông qua. Bắc Kinh đã phản đối động thái này và cảnh báo Washington không nên thách thức nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

“Một Trung Quốc” là nguyên tắc mà các nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc buộc phải thừa nhận, rằng chỉ có duy nhất một nước Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần trong đó. Bắc Kinh luôn nhạy cảm với bất cứ động thái nào mà họ xem là gửi đi tín hiệu ủng hộ tư cách nhà nước của vùng lãnh thổ này.

“Với Bắc Kinh, bất cứ nước nào cổ súy quan điểm rằng Đài Loan là một quốc gia đều phải bị chỉ trích, vì Đài Loan đã trở thành vấn đề chính trị hàng đầu tại Trung Quốc, nơi mà chủ nghĩa dân tộc đang lớn mạnh”, ông Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, nói với Thanh Niên.

Sau Hội nghị Trung ương 6 tại Trung Quốc mới đây, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đã coi việc thống nhất Đài Loan với đại lục là một trong những nội dung của “mục tiêu trăm năm thứ hai”, dự kiến hoàn thành vào năm 2049 (khi Trung Quốc kỷ niệm quốc khánh lần thứ 100). Do đó, vấn đề này đã trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, và Lithuania đã chạm đến lằn ranh đỏ của Bắc Kinh khi thách thức giới hạn của chính sách “Một Trung Quốc”.

Sau quyết định giáng cấp quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, Lithuania nói cảm thấy “lấy làm tiếc”, song chưa cho thấy dấu hiệu họ sẽ chùn bước. Lithuania và cả EU đều nhấn mạnh lập trường rằng họ không coi việc văn phòng có từ “Đài Loan” trong tên gọi là vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”.

“Lithuania tái khẳng định việc tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, nhưng đồng thời có quyền mở rộng hợp tác với Đài Loan, bao gồm cả việc thành lập các cơ quan đại diện phi ngoại giao", Bộ Ngoại giao nước này cho biết hôm 21.11.

Nước nhỏ có võ ?

Khác với nhiều nước trong EU, Lithuania không bị phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Theo một bài báo trên Politico hồi tháng 10, một quan chức cấp cao ở Vilnius tiết lộ rằng đầu tư của Trung Quốc tại Lithuania chỉ 3 triệu euro, trong khi ở chiều ngược lại, các công ty Lithuania đã đầu tư khoảng 40 triệu euro vào Trung Quốc. “Lithuania có rất ít quan hệ làm ăn với Trung Quốc và không cần Trung Quốc về mặt kinh tế”, ông Le Corre, một người chuyên nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc với châu Âu, nhận định.

Do đó, trong trường hợp Lithuania bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế, thiệt hại của Lithuania có thể không đáng kể. Thực tế, Vilnius đã bắt đầu hành động để hạn chế tổn thất, như việc đạt được thỏa thuận về gói tín dụng 600 triệu USD với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (USEIB). Đây là một phần trong “hành động hợp tác song phương” giữa Mỹ và Lithuania nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Cũng theo chuyên gia Le Corre, nỗi lo lớn nhất của Lithuania là sự can thiệp của Nga ở biên giới và do đó họ cần sự bảo vệ từ NATO. Trong khi đó, Moscow và Bắc Kinh tiếp tục cho thấy sự nồng ấm trong mối quan hệ. Hai nước từng tập trận trên biển Baltic năm 2017 và một năm rưỡi sau cuộc tập trận đó, Lithuania đã xem Trung Quốc ngang hàng với Nga và Belarus trong “Đánh giá Nguy cơ Quốc gia” của mình.

Cùng lúc, sự hiện diện về kinh tế và quân sự của Mỹ ở Lithuania cũng như khu vực Baltic ngày càng gia tăng, theo một báo cáo của Jamestown Foundation. Vilnius cũng ngày càng coi Washington là đồng minh cũng như chiếc ô an ninh lớn nhất để đối phó với Nga và Trung Quốc. Các quốc gia Baltic khác cũng có chung lo lắng, song cách tiếp cận của Vilnius dường như quyết đoán hơn.

Cách tiếp cận đó có lẽ tiếp tục củng cố hôm 11.8, sau khi Bắc Kinh triệu hồi đại sứ tại Vilnius, và Global Times đăng bài viết nói Trung Quốc nên bắt tay với Nga và Belarus để “trừng phạt Lithuania”, rằng Lithuania nên được Nga và Trung Quốc “dạy cho bài học”.

Dù vậy, theo tiến sĩ Thành Hiểu Hà, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc có thể không cần đến Nga. “Tôi không chắc Nga sẽ đồng ý giúp Trung Quốc một tay. Không phải là ý tưởng hay khi nhờ sự trợ giúp của Nga để trừng phạt Lithuinia”, ông nói với Thanh Niên.“Trung Quốc có thể tự mình làm vậy”.

Chính phủ hiện tại của Lithuania, được bầu vào cuối năm 2020, tập hợp các đảng trung hữu đề cao giá trị tự do mà đại diện là Ngoại trưởng Gabrielius Lansbergis. Ông là cháu của Vytautas Landsbergis, nhân vật đi đầu trong phong trào đưa Lithuania tách khỏi Liên Xô vào đầu thập niên 1990, về sau trở thành chủ tịch quốc hội.

Vị ngoại trưởng 39 tuổi từng nói rằng việc Lithuania là nước nhỏ "khiến chúng tôi trở thành mục tiêu dễ dàng" đối với Trung Quốc vì "trong tính toán của Bắc Kinh, phương án tốt là chọn kẻ thù nhỏ hơn mình nhiều, nhiều lần, lôi họ lên sàn đấu và sau đó đánh họ nhừ tử”, theo New York Times.

Ông Landsbergis đã đến Washington hồi tháng 9 và gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Blinken sau đó đưa ra cam kết về “sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Lithuania trước nỗ lực bức ép của Trung Quốc”.

Bài toán cho EU

Như bình luận trên Politico, có thể Lithuania “không có gì để mất” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Song ở chiều ngược lại, Trung Quốc chưa hẳn là không có gì để mất. Một phần lý do là Lithuania đóng vai trò hành lang vận tải cho tàu hỏa chở hàng từ Trung Quốc đến châu Âu.

Một lo lắng khác là việc một số quốc gia EU có thể “nối gót” Lithuania trong cách tiếp cận với Đài Loan, tạo thành hiệu ứng domino. Tháng trước, CH Czech và Slovakia đã đón tiếp người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp khi ông đi thăm châu Âu.

Giới chức và cả truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đe dọa rằng bất kể nước nào ở châu Âu làm theo Vilnius, họ ít nhất sẽ phải hứng chịu hậu quả tương tự. “Trong thời đại mà sức mạnh của đại lục đang tăng lên nhanh chóng, Đài Loan không có cửa để giành ‘thắng lợi ngoại giao’. Các thế lực nhỏ nhoi như Lithuania cũng không có cơ hội để dẫn dắt thế giới phương Tây lay chuyển nguyên tắc Một Trung Quốc”, Global Times nói.

Cũng theo tờ báo, Bắc Kinh có thể sử dụng biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan nếu “sự cấu kết giữa hòn đảo với nước ngoài vượt khỏi tầm kiểm soát và khiến Trung Quốc đại lục phải chịu thêm phí tổn để duy trì nguyên tắc Một Trung Quốc”.

Theo một nhà ngoại giao EU, đây có thể là chiêu “giết gà dọa khỉ” của Trung Quốc, và Bắc Kinh đang theo dõi xem liệu rằng “con khỉ” này - tức EU - sẽ đứng về phía nào.

EU, cho đến nay, đang cố giữ cân bằng. Trong cuộc đối thoại chiến lược gần đây với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, cao ủy đối ngoại của EU Josep Borrell đã bảo vệ Lithuania nhưng cũng trấn an Bắc Kinh rằng EU không phải đang đặt câu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc”.

“EU và các nước thành viên có lợi ích trong việc phát triển hợp tác với Đài Loan, một đối tác kinh tế cùng chí hướng và quan trọng tại khu vực, mà không có bất kỳ sự công nhận nào về tư cách nhà nước”, ông Borrell nói.

Trong khi la bàn chiến lược của EU vẫn đang được vạch ra, một điều rõ ràng là: Bằng việc đối đầu với Bắc Kinh, Lithuania đã thúc đẩy việc thảo luận mạnh mẽ hơn về chủ đề Đài Loan và quan hệ với Trung Quốc trong chương trình nghị sự của EU. “Tôi không nghĩ EU có chính sách thân Trung Quốc, mà chỉ là họ có cách tiếp cận khác với Mỹ, nước chỉ coi mối quan hệ đó là sự đối đầu và việc này đến nay hầu như không cho thấy lợi ích”, ông Le Corre nói với Thanh Niên. “EU ủng hộ Lithuania, như cách mà EU ủng hộ các nước khác đang đối mặt với những mối đe dọa tương tự”.

Bất luận thế nào, cả hai bên đều khó có thể trở thành bên nhượng bộ trước trong tương lai gần. Trung Quốc từng giáng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Lan xuống cấp đại biện vào năm 1981 và phải đến năm 1984, hai bên mới khôi phục về cấp cao nhất. “Trung Quốc sẽ không lùi bước và châu Âu cũng vậy. Nên nhớ rằng EU là thị trường quan trọng cho hàng hóa của Trung Quốc”, ông Le Corre nói.

Tiến sĩ Thành Hiểu Hà cho rằng Trung Quốc chắc chắn quan tâm đến những hệ quả từ vụ việc, bao gồm hình ảnh quốc tế của mình, dù điều này không ngăn cản Bắc Kinh tiến hành các hành động chống lại Vilnius. Tuy nhiên, cả hai bên đều không mong muốn đi đến mức chấm dứt quan hệ.

“Căng thẳng có thể tiếp tục diễn ra thêm một thời gian nhưng tôi không nghĩ quan hệ giữa Trung Quốc và Lithuania sẽ tiếp tục xấu đi và dẫn đến tuyệt giao”, tiến sĩ Thành Hiểu Hà của Đại học Nhân dân nhận định với Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.