Trưa nay 19.2, Tân Hoa xã đưa tin chuyến bay đầu tiên chở vắc xin ngừa Covid-19 từ Trung Quốc đến Thái Lan sẽ đáp xuống phi trường Suvarnabhumi (Bangkok) vào ngày 24.2 tới đây. Chuyến nay này chở theo 200.000 liều vắc xin để Thái Lan tiến hành tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao.
“Vũ khí lợi hại” cho ngoại giao
Tại Đông Nam Á, Campuchia cũng đã tiếp nhận vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc cung cấp. Ngày 10.2, Campuchia đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin sau khi tiếp nhận lô hàng đầu tiên từ Trung Quốc. Hồi tháng 1, ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, cho biết nước này sẽ được Trung Quốc tặng 1 triệu liều vắc xin để ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc cam kết viện trợ 300.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho Myanmar.
|
Danh sách các quốc gia đang đặt mua, tiếp nhận vắc xin từ Trung Quốc đang ngày càng dài thêm và trải rộng trên khắp các châu lục như: Serbia, Indonesia, Zimbabwe, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Algeria…
Theo tờ South China Morning Post, tính đến ngày 15.2, Trung Quốc đã vận chuyển ít nhất 46 triệu liều vắc xin đến các nước và sắp tới sẽ còn hàng trăm triệu liều vắc xin được tiếp tục xuất khẩu.
Những tháng qua, vắc xin ngừa Covid-19 được Bắc Kinh sử dụng như một “vũ khí lợi hại” về ngoại giao. Điển hình như ông Sabri Boukadoum, Ngoại trưởng Algeria, mới đây thông báo rằng rất biết ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc về vắc xin, nên Algeria sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong chương trình Vành đai - Con đường.
Chương trình rủi ro
Trong khi đó, cũng theo tờ South China Morning Post, tính đến ngày 9.2, chỉ khoảng 40,52 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 được tiêm phòng tại Trung Quốc. Mức này chỉ đứng sau con số 50 triệu liều tại Mỹ. Tuy nhiên, với dân số đến khoảng 1,4 tỉ người, tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin ở Trung Quốc lại rất thấp khi có chưa đến 3 liều vắc xin được dùng cho 100 người dân. Con số này tại Mỹ đến nay là 15 liều/100 dân, tại Anh là 22 liều/100 dân, Israel đặc biệt cao với 70 liều/100 dân.
Chẳng những vậy, theo tờ báo trên, nhiều người dân Trung Quốc không muốn tiêm vắc xin, mà một trong các lý do là vắc xin chưa chứng minh được hiệu quả lâu dài, trong khi các biến thể mới của Covid-19 lại liên tục xuất hiện.
Không chỉ có tỷ lệ vắc xin tiêm chủng trên dân chúng khá thấp, chương trình tiêm chủng vắc xin của Trung Quốc chủ yếu được tiêm cho những người đang làm việc ở các khu vực nguy cơ cao, nên số lượng người lớn tuổi được tiêm vắc xin rất ít. Vì thế, một nhóm chuyên gia y tế của Đại học Hồng Kông đặt ra lo ngại người già ở Trung Quốc có thể chịu nhiều rủi ro nếu xuất hiện thêm các đợt bùng phát dịch tại nước này.
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Huang Yanzhong, một chuyên gia y tế toàn cầu, đặt vấn đề nếu Trung Quốc chậm hơn các nước phương Tây trong việc tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin để đạt mức miễn dịch cộng đồng, thì khi đó Trung Quốc lại phải tiếp tục đối mặt với việc bị các nước hạn chế đi lại.
Bình luận (0)