Lo cho lực lượng giữ rừng

25/08/2015 11:00 GMT+7

Tình trạng lâm tặc chống đối hoặc “huy động lực lượng” tấn công kiểm lâm và những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng đang là vấn đề “nóng” tại Lâm Đồng trong thời gian qua.

Tình trạng lâm tặc chống đối hoặc “huy động lực lượng” tấn công kiểm lâm và những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng đang là vấn đề “nóng” tại Lâm Đồng trong thời gian qua. 

 
Sự an toàn của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đang thật sự bị đe dọa, thậm chí họ phải trả giá bằng mạng sống của mình - Ảnh: Gia Bình
Sự việc 3 nhân viên kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm H.Đức Trọng là Vàng Đình Hoàng, Phạm Minh Tiến, Đoàn Văn Hà bị hàng chục đối tượng tấn công giật súng, cướp đạn, bị đánh đập và bị làm nhục khi đang thực thi nhiệm vụ tại thôn Gần Reo (xã Liên Hiệp) cách đây mấy hôm thực sự đã gây xôn xao dư luận tại địa phương. Sự việc này cũng đưa tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ lên mức báo động, sự an toàn của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đang thật sự bị đe dọa, thậm chí họ phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Còn nhớ cách đây không lâu, vào cuối tháng 12.2014, từ nguồn tin báo, ông Vũ Xuân Hải – Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng) tổ chức chặn bắt xe vận chuyển lâm sản trái phép tại huyện Đạ Tẻh đã bị đối tượng vi phạm Hoàng Minh Trung tông thẳng vào sau lưng xe gắn máy khiến ông Hải chết tại chỗ và người chở là ông Cao Viết Lư bị thương… Rồi tháng 3.2015, trong khi thi hành công vụ, ông Trần Sĩ Quý và ông Nguyễn Văn Thao, cán bộ Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Tam Hiệp cũng bị các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép hành hung… 
Khi tính mạng của lực lượng giữ rừng còn chưa đảm bảo an toàn thì “máu rừng” sẽ khó ngừng chảy  - Ảnh: Gia Bình
Đây chỉ là 2 sự vụ nghiêm trọng xảy ra gần đây, còn trước đó chuyện chống người thi hành công vụ đã xảy ra hàng loạt trên địa bàn tỉnh này. Từ chuyện kiểm lâm bị cản trở, bao vây, bị đánh “bầm mình” đến việc cán bộ công ty lâm nghiệp bị hành hung… là câu chuyện được nghe thường xuyên trong những năm qua. Từ cuối năm 2008 đến nay, đã có hơn 60 vụ chống người thi hành công vụ kiểu như thế này xảy ra tại các huyện của tỉnh Lâm Đồng.
Theo Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, các đối tượng chống người thi hành công vụ hiện nay rất manh động, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn như chống đối, cướp lại tang vật, đánh, ném đá từ xa, nhắn tin đe dọa, thách đố… Những chuyện như thế, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng khi thực thi nhiệm vụ.
Một lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, cho biết thêm: “Tình trạng chống người thi hành công vụ (lực lượng giữ rừng) hiện nay diễn ra với mức độ trắng trợn hơn, không còn chống đối nhỏ lẻ nữa mà họ cứ kéo đông người để gây áp lực và có tính tổ chức cao hơn trước. Trong khi đó, lực lượng giữ rừng gặp khó là lực lượng mỏng, sự việc xảy ra luôn đột xuất, bất ngờ không tập trung lực lượng kịp, hơn nữa nếu chờ tập trung đủ lực lượng thì đối tượng vi phạm trốn thoát mất”.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng đây nhất định cũng là một phần nguyên nhân làm cho “máu rừng” liên tục chảy. Tính từ tháng 10.2008 cho đến 7 tháng đầu năm 2015, tại Lâm Đồng đã xảy ra hơn 14.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng với hàng ngàn héc ta rừng bị phá -  một con số quả đáng lo ngại.  
Trước thực trạng trên, nếu như các cấp, ngành, các cơ quan liên quan cũng như chính lực lượng bảo vệ rừng không kịp thời có biện pháp phù hợp để xử lý nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe đối tượng vi phạm thì tình trạng chống người thi hành công vụ khó mà chấm dứt. Tính mạng của lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng luôn trong tình trạng bị đe dọa, bất an.
Câu hỏi “máu rừng” bao giờ mới ngừng chảy sẽ khó có câu trả lời, bởi ngay cả tính mạng người giữ rừng chưa đảm bảo an toàn thì lấy gì đảm bảo được rừng sẽ an toàn?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.