Tính thuế “khoán” chứng khoán, nhà đất
Chị Nguyễn Ngọc (TP.Hà Nội) cho biết đầu tư chứng khoán thì lời hay lỗ gì, cứ bán khớp lệnh là tài khoản bị trừ thuế 0,1%. Chị “lướt sóng” mua bán mỗi ngày với giá trị giao dịch khoảng 100 - 200 triệu đồng, đóng thuế từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Tính ra mỗi năm chị Ngọc đóng từ 40 - 60 triệu đồng tiền thuế.
“Nhiều khi thắng 9 lệnh mà 1 lệnh thua thì bay sạch cả tiền lãi. Lời thì đóng không nói gì, mà lỗ đóng lại càng thêm tức. Đó là chưa kể những lúc nhận cổ tức bằng cổ phiếu, giá đã bị “pha loãng” ra nhưng số cổ phiếu này cũng bị tính thuế lên 5%”, chị Ngọc nói.
Cần sớm sửa những bất cập của luật Thuế TNCN |
Ngọc Thắng |
Là nhà đầu tư chứng khoán nhiều năm, Nguyễn Duy (TP.HCM) nhiều tháng nay đã tắt app vì thu lỗ nặng. Thị trường đi xuống nên cứ mua cổ phiếu nào bị lỗ mã đó. Vừa rồi cần tiền, anh Duy mở app ra bán 3.000 cổ phiếu S., bị lỗ hơn 17,5 triệu đồng mà vẫn phải đóng số thuế hơn 80.000 đồng, tính cả phí vào mất 165.000 đồng.
Lỗ vẫn phải đóng thuế là tình cảnh của rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán hiện nay. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index giảm 20,5%, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt hơn 40% và hơn 23%. Dù vậy, tổng thanh khoản trên 3 sàn tăng 13,4% so với cùng kỳ lên 25.844 tỉ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2022. Như vậy, số thuế từ chứng khoán nộp vào ngân sách mỗi ngày lên đến hàng chục tỉ đồng.
Tương tự, đối với bất động sản, người dân bán nhà, không biết lời hay lỗ, nộp ngay thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức “khoán” 2% trên tiền bán. Anh Hòa (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) mua căn nhà với giá 13 tỉ đồng rồi sửa chữa, làm lại toàn bộ nội thất thêm hơn 3 tỉ đồng nữa để ở. Khi chuyển về thì thấy không ổn, cộng thêm chọn được một căn nhà khác ưng ý hơn, nên bán nhanh với giá 14,5 tỉ đồng, lỗ hơn 1,5 tỉ đồng, chưa tính tiền lãi vay ngân hàng. Thế nhưng, anh Hòa vẫn phải đóng thuế TNCN mấy trăm triệu đồng. Khoảng 1 năm trở lại đây, cơ quan thuế đề nghị người dân bán nhà kê khai giá thực tế giao dịch, các biện pháp chống thất thu thuế trong giao dịch bất động sản được triển khai đồng loạt. Thế nhưng, trong giao dịch mua bán nhà có những chi phí mà người bán không thể nào được tính vào như sửa chữa nhà cửa, phí cò môi giới nhà đất, chi phí trả nợ vay ngân hàng.
“Méo mó” bản chất của sắc thuế thu nhập
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng: “Bản chất của thuế thu nhập là có thu nhập mới tính thuế nên cần sửa đổi lại cách tính để tạo tính công bằng hơn cho nhà đầu tư. Khi nào họ có lời thì mới thu, lỗ không phải đóng”.
Sớm chuyển từ tính thuế trên doanh thu sang thu nhập đối với chứng khoán, bất động sản càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo công bằng trong chính sách thuế, điều tiết đúng nghĩa của chính sách thuế TNCN.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty luật thuế Sài Gòn - nguyên Trưởng phòng thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM, cho hay: Trước đây, người bán nhà được lựa chọn 2 cách tính thuế, đó là mức khoán 2% trên giá bán, còn nếu có đầy đủ chứng từ thì tính 25% trên thu nhập. Sau vài năm thực hiện thì gặp vướng mắc và quy định được thống nhất thành 1 cách tính “khoán” 2% trên số tiền bán ra. Cách thu này khá đơn giản cho cơ quan thuế trong thực hiện, nhưng làm “méo mó” bản chất của sắc thuế này.
“Qua gần 10 năm, luật Thuế TNCN có hiệu lực đến nay, các dữ liệu, đặc biệt về giá bất động sản cũng đã có thể thu thập được để tính thuế nên luật Thuế cần sớm sửa lại theo nguyên tắc của luật này là có thu nhập thì mới tính thuế", ông Sơn nói.
Bình luận (0)