Tính toán đủ đường, anh Huỳnh Út (Q.Bình Chánh, TP.HCM) đành nghỉ làm công nhân để ở nhà chăm mẹ, con, thời gian rảnh rỗi thì tranh thủ chạy xe công nghệ. Mỗi tháng thu nhập từ tiền chạy xe công nghệ kiếm được 8 - 9 triệu đồng nhưng anh phải bỏ ra tiền xăng 1 triệu, 3 - 4 tháng thay bình nhớt xe, chưa tính tiền săm, lốp, xe hư… Thế nhưng, với số tiền ít ỏi kiếm được, anh Út cũng phải đóng thuế TNCN.
Một hộ kinh doanh bán phở, mỗi ngày chỉ cần bán 5 tô phở giá 60.000 đồng là đã thuộc diện phải đóng thuế |
Nhật Thịnh |
Anh Út cho biết, lúc đầu không biết doanh thu trên 8,3 triệu đồng mỗi tháng phải nộp thuế, cứ rảnh lúc nào thì anh chạy lúc đó. Sau này biết rồi thì cứ khi nào gần chạm mức doanh thu này anh lại đóng app, không chạy nữa. Chạy xe liên tục để tăng doanh thu lên 9 triệu/tháng, tương đương 108 triệu đồng/năm, đóng thuế ít cũng 1 triệu đồng, có thời điểm đóng hơn 4,8 triệu đồng. Anh Út bức xúc: “Chạy xe được ba cọc ba đồng còn phải đóng thuế, trong khi một số việc khác thì không thu, nản quá nên chắc tìm việc khác làm mà không chạy xe công nghệ nữa”.
Sở dĩ có tình trạng này bởi theo quy định hiện nay, cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN khi có tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, tương đương bình quân thu nhập mỗi tháng hơn 8,3 triệu đồng. Tùy theo danh mục ngành nghề như phân phối, cung cấp hàng hóa; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên liệu; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng… mà thuế suất từ 0,5 - 2% tính trên doanh thu. Ngoài thuế TNCN, người kinh doanh còn chịu thuế giá trị gia tăng. Thế nên không chỉ tài xế xe công nghệ, hầu hết những người bán phở, bún, hủ tiếu, bánh mì tại TP.HCM cũng là đối tượng phải chịu thuế TNCN do quy định lỗi thời này. Cụ thể, một hộ kinh doanh bán phở, mỗi ngày chỉ cần bán 5 tô phở giá 60.000 đồng là đã thuộc diện phải đóng thuế. Bởi thu nhập 300.000 đồng/ngày, tương ứng mỗi tháng 9 triệu đồng, mỗi năm 108 triệu đồng. Hay người có nhà cho thuê, chỉ cần giá thuê nhà mỗi tháng trên 8,3 triệu đồng cũng đã thuộc diện kinh doanh nộp thuế thu nhập… Trong khi hầu hết các hộ bán phở, bún thì cả nhà đều trông chờ vào thu nhập đó chứ không phải 1 người. Với quy định trên 100 triệu đồng phải đóng thuế, những cá nhân, hộ kinh doanh này rất dễ rơi vào thế “việt vị” trốn thuế mà không hề biết.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét nhiều hộ, cá nhân kinh doanh bức xúc với mức doanh thu chịu thuế 100 triệu đồng tồn tại từ gần 10 năm nay chưa được sửa. Ngoài sự lạc hậu về thời gian, mức doanh thu này hoàn toàn bất công cho chính người kinh doanh. Mặc dù mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với người nộp thuế nhưng cũng được điều chỉnh trong 10 năm nay từ mức 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và nay là 11 triệu đồng cho người nộp thuế; người phụ thuộc từ 1,6 lên 3,6 và nay là 4,4 triệu đồng. Trong khi đó, mức doanh thu áp dụng tính thuế cho người kinh doanh là trên 100 triệu đồng không hề thay đổi. Bất hợp lý thứ 2, người làm công ăn lương được trừ mỗi năm 132 triệu đồng cho bản thân và 52,8 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, phần thu nhập còn lại mới được tính thuế. Như vậy, thu nhập trừ thuế của người nộp thuế từ tiền lương tiền công cao hơn kinh doanh. Cũng từ bất hợp lý này mà dẫn đến cái không công bằng thứ 3, đó là tiền công tiền lương được tính trên đầu người, trong khi hộ kinh doanh có thể nhiều người mà vẫn chỉ được tính ở mức 100 triệu đồng/năm.
Bình luận (0)