Đầu tháng 3, báo Thanh Niên đã đăng 2 bài viết phản ánh sự việc một giáo sư ngoại của Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị tố giả mạo trong hoạt động khoa học, bài Một "giáo sư ngoại" trường ĐH Việt Nam bị tố giả mạo trong hoạt động khoa học đăng ngày 3.3 và bài Góc khuất công bố khoa học quốc tế đăng ngày 4.3.
Trong các bài viết, chúng tôi đã phân tích trường hợp “giáo sư ngoại” Tim Chen ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị Viện nghiên cứu Quốc gia về Khoa học Biển của Pháp (IFREMER) tố cáo nhiều hành vi gian lận và sai phạm nghiêm trọng về đạo đức xuất bản - bao gồm mạo danh, ngụy tạo tác giả, khai man địa chỉ và đạo văn - trong một loạt bài báo mà người này giả mạo tên tuổi các nhà nghiên cứu làm việc tại IFREMER và Đại học Melbourne, Úc.
Hình ảnh Tim Chen trên website Khoa CNTT của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong bản tin về một sinh hoạt học thuật của khoa do Tim Chen chủ trì ngày 29.10.2018 |
Quý Hiên |
Chúng tôi cũng phản ánh, “…thông tin về lai lịch, hồ sơ học thuật của Tim Chen hoàn toàn trống trơn, vì thế không ai có thể xác định người này đã được đào tạo ở đâu hay từng làm việc cho đơn vị nào trước khi đầu quân cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng”.
Trả lời báo Thanh Niên, đại diện Ban truyền thông và quan hệ công chúng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng chỉ thông tin ngắn gọn “ông Tim Chen có hợp đồng làm việc với trường từ tháng 8.2018” và “nhà trường đã kết thúc hợp đồng làm việc với ông Tim Chen từ tháng 7.2021”, mà không hề cho biết Tim Chen là ai, từ đâu đến.
Anh em họ Chen
Tuy nhiên, mới đây, Retraction Watch, trang tin khoa học quen thuộc với giới nghiên cứu, đã đưa ra những thông tin bất ngờ liên quan tới trường hợp Tim Chen. Từ thông tin này, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu trên báo chí Mỹ và Đài Loan thì phát hiện ra một sự thật gây choáng váng: trước khi về Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm việc, Tim Chen đã cùng anh trai tham gia vào một vụ gian lận và lừa đảo học thuật quy mô cực lớn gây chấn động Đài Loan, khiến người đứng đầu ngành Giáo dục vùng lãnh thổ này phải từ chức vào tháng 7.2014.
Báo Taipei Times đăng tin ông Chiang (trái), người đứng đầu cơ quan phụ trách Giáo dục của Đài Loan, từ chối trách nhiệm liên quan tới các bài báo của nhóm Peter Chen dù mình có đứng tên đồng tác giả. Ngồi canh ông Chiang là CW Chen (Tim Chen), học trò của ông Chiang. |
Quý HIên |
Theo trang tin Retraction Watch, bà Marianne Alunno-Bruscia, chuyên gia về liêm chính nghiên cứu của IFREMER, là người phát hiện một nhà nghiên cứu của đơn vị mình (ông Bertrand Chapron) và một nhà nghiên cứu ở ĐH Melbourne, Úc (ông Alexander Babanin) bị Tim Chen bịa đặt là đồng tác giả của ông ta trong hàng loạt bài báo khoa học. Sau khi tiếp tục tìm hiểu về Tim Chen, bà Alunno-Bruscia mới biết hóa ra Tim Chen và C.Y.J. Chen (một đồng tác giả của Tim Chen trong hàng loạt bài báo mà trong đó Tim Chen mạo danh nhiều đồng tác giả là nhà khoa học ở đơn vị danh tiếng) chính là 2 anh em sinh đôi.
Trước khi mang tên C.Y.J. Chen, người anh họ Chen này lấy tên là Peter Chen; còn Tim Chen vốn tên là CW Chen.
Bài viết vạch mặt Tim Chen được đăng trên trang tin Retraction Watch mới đây, ngày 22.3. |
Quý Hiên |
Peter Chen là cựu phó giáo sư Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Bình Đông, Đài Loan. Tim Chen (CW Chen) là cựu giảng viên Trường ĐH Hàng hải Quốc gia Cao Hùng. Có lẽ vì làm việc ở một trường đại học hàng hải nên Tim Chen biết đến và mạo danh các nhà nghiên cứu về khoa học biển của IFREMER và ĐH Melbourne.
Sau khi bị phát hiện gian lận và lừa đảo học thuật năm 2014, Peter Chen đã đổi tên thành C.Y.J. Chen, còn CW Chen sử dụng tên Tim Chen, để tiếp tục tham gia vào hệ thống xuất bản bài báo khoa học. Trong bài viết trên trang tin Retraction Watch, bà Alunno-Bruscia cho biết rằng bà đã liệt kê các địa chỉ giả mạo mà anh em họ Chen sử dụng khi công bố bài báo với các tên gọi C.Y.J. Chen và Tim Chen. Con số bà thu được là “không thể tin được”: 29 trường ĐH, viện nghiên cứu! 2 ví dụ được Alunno-Bruscia nêu ra trong danh sách 29 trường, viện là ĐH Cankaya ở Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ và Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở TP.HCM của VN.
Trên trang Retraction Watch, bà Alunno-Bruscia cũng cho biết, sau khi phát hiện anh em nhà Chen bịa tên đồng tác giả là nhà khoa học ở các đơn vị danh tiếng, các nhà khoa học bị mạo danh đã liên lạc để yêu cầu anh em nhà Chen bỏ tên của họ ra khỏi các bài báo. Nhưng cặp song sinh này đã không hề biết xấu hổ hay nhận lỗi. Ngược lại, C.Y.J. Chen còn dọa nạt hai nhà nghiên cứu bị mạo danh rằng anh ta sẽ sử dụng mọi nguồn lực để tấn công và trả đũa họ.
Bị tạp chí JVC rút 60 bài vì gian lận bình duyệt và trích dẫn
Theo các thông báo đăng trên tạp chí Journal of Vibration and Control (JVC) thuộc Nhà xuất bản SAGE (một NXB có trụ sở tại Mỹ, thuộc nhóm NXB lớn nhất thế giới về xuất bản thông tin khoa học), và của chính NXB SAGE, từ năm 2013, Tổng biên tập tạp chí JVC bắt đầu phát hiện một băng nhóm bình duyệt và trích dẫn (peer review and citation ring).
Đây là hiện tượng một nhóm người cấu kết với nhau nhằm thao túng và gian lận quá trình bình duyệt bằng cách bình duyệt bài báo cho nhau hoặc tự bình duyệt bài của chính mình; sau đó trích dẫn lẫn nhau để tăng lượt trích dẫn ảo.
Thông báo của NXB SAGE về việc gỡ 60 bài của nhóm Peter Chen trên tạp chí JVC |
Băng nhóm bình duyệt và trích dẫn này xoay quanh một nhân vật mang tên Peter Chen, lúc đó là phó giáo sư ngành khoa học máy tính tại ĐH Sư phạm Quốc gia Bình Đông (National Pingtung University of Education - NPUE), Đài Loan.
Nhà xuất bản SAGE và tạp chí JVC đã tiến hành điều tra băng nhóm này trong suốt 14 tháng (2013 - 2014) và phát hiện Peter Chen cùng đồng bọn đã dùng nhiều địa chỉ email để mở hàng loạt tài khoản khác nhau trên hệ thống bình duyệt, ngụy tạo khoảng 130 danh tính nhằm lũng đoạn quá trình bình duyệt và bơm thổi trích dẫn ảo.
Washington Post đăng tải vụ việc tạp chí JVC gỡ 60 bài của nhóm Peter Chen |
Quý Hiên |
Sau khi Peter Chen và những người liên quan nhiều lần giải trình không thỏa đáng, tháng 9.2013, SAGE và JVC đã thông báo hành vi lừa đảo của nhóm tới NPUE, đồng thời rút bỏ cùng lúc 60 bài báo mà nhóm này đã công bố trên JVC. Tháng 5.2014, NPUE thông báo cho SAGE và JVC biết rằng Peter Chen đã thôi việc vào ngày 2.2.2014. Trước đó, NPUE đã phối hợp chặt chẽ với SAGE và JVC để điều tra gian lận của Peter Chen cùng đồng bọn.
Vụ việc này gây sốc cộng đồng khoa học khắp thế giới và đã được phản ánh trên nhiều tờ báo lớn ở Mỹ như New York Times, Washington Post hay tại Đài Loan như Taipei Times, trên trang Tin tức Đại học (một trang thông tin chuyên về hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học có phạm vi toàn cầu).
Người đứng đầu ngành Giáo dục Đài Loan phải từ chức
Theo báo chí Đài Loan, trong số 60 bài báo của nhóm Peter Chen bị tạp chí JVC gỡ bỏ đồng loạt, có 5 bài báo có đồng tác giả là Wei-ling Chiang, người mà vào thời điểm đầu năm 2014 là người đứng đầu cơ quan phụ trách Giáo dục Đài Loan. Những bài báo bị tạp chí JVC gỡ bỏ mà Wei-ling Chiang đứng tên đồng tác giả với nhóm Peter Chen là những bài được thực hiện khi Wei-ling Chiang còn là giáo sư ĐH Quốc lập Trung ương Đài Loan (National Central University - NCU). Ngoài 5 bài này, ông Chiang còn đứng tên chung với anh em nhà Chen trong 12 bài báo khác.
Báo Taipei Times đăng tin lãnh đạo Chiang xin từ chức vì bê bối học thuật liên quan tới anh em họ Chen |
Quý Hiên |
Ông Yi-bing Lin, một lãnh đạo cơ quan phụ trách Khoa học và Công nghệ Đài Loan thời điểm đó, cho biết cơ quan này có thể đã tài trợ tiền nghiên cứu cho 40 bài báo của Peter Chen bị tạp chí JVC rút bỏ, với tổng số tiền khoảng hơn 5 triệu Đài tệ (tức gần 170 ngàn đô-la Mỹ).
Theo lời Peter Chen, 5 bài báo liên quan tới lãnh đạo Chiang là do CW Chen (Tim Chen), em trai song sinh của ông ta, viết. Tim Chen đã đưa tên của anh trai (Peter Chen) và Chiang vào danh sách tác giả. GS Chiang là người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho Tim Chen tại NCU, và 5 bài báo bị gỡ bỏ được viết trong thời gian Tim Chen làm việc trong nhóm nghiên cứu của Chiang ở NCU.
Hình ảnh anh em nhà Chen và ông Chiang trên báo Taipei Enews (Tim Chen là người ngoài cùng bên tay trái). |
Quý Hiên |
Còn lãnh đạo Chiang thì chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến hành vi lừa đảo của anh em nhà Chen. Tuy nhiên, dư luận Đài Loan đã phê phán ông Chiang về việc ông đứng tên trong các bài báo với học trò nhưng khi xảy ra sự cố thì lại đổ hết tội lỗi lên đầu sinh viên.
Trước sức ép của báo chí, dư luận, các quan chức trong nội các và đồng nghiệp, nhất là sau khi lãnh đạo Đài Loan chỉ đạo cơ quan phụ trách Khoa học và Công nghệ lãnh thổ này tiến hành điều tra vụ gian lận cũng như yêu cầu ngành Giáo dục công khai mọi thông tin, lãnh đạo Chiang đã từ chức vào ngày 14.7.2014.
Điều đáng ngạc nhiên là với tiểu sử lừa đảo học thuật chấn động Đài Loan như vậy mà từ tháng 8.2018 Tim Chen vẫn trở thành giáo sư tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (theo trả lời của đại diện trường này với báo Thanh Niên)!
Cho đến nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn không có một thông báo nào để giải thích về trường hợp Tim Chen sau khi báo Thanh Niên đăng tải 2 bài báo vạch trần một giáo sư ngoại của trường bị tố giả mạo trong hoạt động khoa học.
Việc duy nhất trường đã làm cho đến nay là xóa bỏ thông tin về buổi “Sinh hoạt học thuật chủ đề "The Supervisor" của GS Tim Chen” ngày 29.10.2018 trên website của trường (mà slide bài trình bày của GS Tim Chen cũng là sản phẩm đạo văn).
Dương Tú (ĐH Purdue, Mỹ)
(Bài viết là của cá nhân tác giả, không phản ánh quan điểm của nơi tác giả làm việc).
Bình luận (0)