Lộ diện những bộ sưu tập tranh quý

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/01/2024 07:03 GMT+7

Nhiều bộ sưu tập tranh cá nhân đã được hé lộ dần dần trong thời gian gần đây, chứ không còn chỉ để bạn bè ngắm với nhau trong phòng kín nữa.

Những bức tranh "ra sáng"

Ông Ace Lê, Giám đốc quốc gia Sotheby's tại VN, đã thực hiện một quy trình cẩn trọng theo chuẩn quốc tế để đưa tác phẩm Vịnh Hạ Long của họa sĩ Jean-Louis Paguenaud từ Hà Nội tới triển lãm Mộng Viễn Đông tại TP.HCM vào tháng 8.2023. Mộng Viễn Đông là triển lãm thứ hai do nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby's tổ chức tại VN. Trong đó, Vịnh Hạ Long là tác phẩm lớn nhất triển lãm với kích thước 212 x 513 cm, nặng khoảng 160 kg, cũng là bức tranh Đông Dương lớn nhất từng xuất hiện trên sàn đấu giá.

Lộ diện những bộ sưu tập tranh quý- Ảnh 1.

Bức tranh Vịnh Hạ Long

PHƯƠNG AN

Vịnh Hạ Long đã được lộ diện, xong tên tuổi của chủ sở hữu tác phẩm này vẫn được giấu kín. Theo nguồn tin ẩn danh, chủ sở hữu bức tranh còn có nhiều tranh quý khác. Phía Sotheby's cho biết thêm họ đã mượn tranh của 10 nhà sưu tập cá nhân để trưng bày trong triển lãm Mộng Viễn Đông.

Tại Hà Nội thời gian qua cũng có những cuộc "mở cửa" bộ sưu tập cá nhân để mang tranh trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Nhà sưu tập Phan Minh Hà đã mang nhiều tác phẩm mà ông sưu tập của họa sĩ Nguyễn Anh Thường, sinh viên khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957) - khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật VN sau ngày hòa bình lập lại, ra giới thiệu với công chúng hồi tháng 3 năm ngoái. Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung (Trường ĐH Mỹ thuật VN) đánh giá đây là những bức tranh giàu cảm xúc về vẻ đẹp theo chiều dài đất nước. Công chúng cũng được chiêm ngưỡng các tác phẩm giàu tự sự và gợi đến vẻ đẹp cổ điển.

Trong khi đó, gia đình cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa quyết định mang bộ sưu tập gìn giữ nhiều năm ra giới thiệu với công chúng vào tháng 3.2023. Triển lãm này thu hút rất nhiều họa sĩ nổi tiếng. Họ đều biết đây là cơ hội khó lặp lại để được chiêm ngưỡng tranh của cố họa sĩ. Họa sĩ nổi tiếng Lê Huy Tiếp thậm chí còn đánh giá đó là những kiệt tác hội họa, đồ họa của một trong những họa sĩ nhân hậu, khiêm nhường và tinh tế nhất nghệ thuật đương đại VN. Nhà nghiên cứu Mỹ Nora Taylor cho rằng: "Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là ví dụ tiêu biểu cho trào lưu hướng ra nghệ thuật thế giới, đẩy mạnh, phát triển chứ không làm giảm giá trị nghệ thuật VN".

Mới nhất, một bộ sưu tập khác cũng được mang ra giới thiệu với công chúng vào tháng 12.2023. Đó là trưng bày 75 bức tranh do cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ vẽ, thuộc bộ sưu tập của gia đình nhà sưu tập Đào Danh Hưng - Trần Cường. Cố họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ (1925 - 2016) là một tên tuổi thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại VN, sau "Đông Dương" và "Kháng chiến". Ông là một trong 76 học viên của khóa Tô Ngọc Vân.

Lộ diện những bộ sưu tập tranh quý- Ảnh 2.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh Thường

BTC

Cơ hội và sự cẩn trọng

Như vậy, có thể thấy nhiều cá nhân đã "mở" bộ sưu tập tranh của mình để công chúng được thưởng lãm. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực về việc công chúng có khả năng tiếp cận với các tác phẩm nhiều hơn, cũng như nhiều thời kỳ mỹ thuật hơn. Nó cũng cho phép họ hình dung tốt hơn về bức tranh mỹ thuật VN của những thời kỳ khác nhau.

Bên cạnh đó, việc tranh được mang ra trưng bày sẽ kéo theo những tranh luận về nguồn gốc tranh, về tính độc bản của tác phẩm. Chẳng hạn, có tác phẩm sau khi mang ra trưng bày, nhiều người đã đặt dấu hỏi về liên hệ của nó với một tác phẩm khác trông rất giống, đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật VN. "Chúng ta có một thời kỳ nhận thức về tranh rất khác bây giờ, thời kỳ mà họa sĩ có thể có bản sao tác phẩm của mình đã thuộc sở hữu của bảo tàng mỹ thuật. Điều này không có nghĩa đó là tranh giả, nhưng nó có nghĩa là giá trị độc bản của tác phẩm bị nghi ngại", một nhà nghiên cứu mỹ thuật nói.

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, chia sẻ ông rất mừng vì việc nhiều tác phẩm, tác giả của các thời kỳ khác nhau được giới thiệu với công chúng. Có những thời kỳ mỹ thuật trước đây được cho là kém giá trị hơn thời kỳ khác, nhưng sau trưng bày thì nhận thức về thời kỳ đó khác hẳn. Chẳng hạn, nếu như trước đây có người cho rằng thời kỳ Đông Dương có nhiều tác phẩm giá trị nhất, thì giờ đây những thời kỳ khác cũng cho thấy vẻ đẹp tác phẩm của mình.

Mặc dù vậy, theo ông Lương Xuân Đoàn, cùng có những "điều khó nói" nếu như các nhà sưu tập ồ ạt giới thiệu tranh. Theo đó, nó có thể thúc đẩy thị trường nhưng cũng có thể khiến người thiếu hiểu biết mua phải tranh giả. Trong khi đó, các bảo tàng lại cho mượn địa điểm nhưng lại khó kiểm soát được chất lượng tranh. Vì thế, các nhà sưu tập vẫn nên cẩn trọng khi các sự kiện trưng bày và thị trường nói chung giới thiệu nhiều sưu tập. Tên tuổi của các giám tuyển hay truyền thống sưu tập cũng có thể trở thành bảo chứng cho triển lãm. "Ngay cả trên thế giới cũng khó tránh được tranh giả. Chúng ta đã chứng kiến tranh giả Việt đi từ VN ra nước ngoài rồi trở về. Thật sự là khó nói", ông Đoàn chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.