Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhà máy Hanwha Aerospace ở TP.Changwon miền nam Hàn Quốc đã mở rộng công suất sản xuất gấp 3 lần. Đây cũng là nhà máy sản xuất vũ khí lớn nhất nước này.
Hãng AFP đưa tin việc đẩy mạnh sản xuất diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu vũ khí, cũng như giữa lúc những gã khổng lồ truyền thống như Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt.
Hàn Quốc đẩy mạnh sản xuất
Trong khi từ chối cung cấp vũ khí sát thương trực tiếp cho Ukraine, Hàn Quốc vẫn sẵn sàng bổ sung nguồn cung cấp cho Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Seoul có tốc độ sản xuất vũ khí nhanh hơn và chi phí rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, theo tờ The Wall Street Journal.
Số liệu từ AFP cho thấy Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận trị giá 17,3 tỉ USD (419.000 tỉ đồng) vào năm ngoái, bao gồm thương vụ trị giá 12,7 tỉ USD với Ba Lan, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cũng là một đồng minh của Ukraine.
Các loại vũ khí mà Hàn Quốc đang sản xuất cho Ba Lan bao gồm pháo tự hành K9 Howitzers có tầm bắn 40 km và xe tăng K2.
Ông Lee Kyoung-hun, Giám đốc sản xuất của Hanwha, nói với AFP rằng Ba Lan đã đặt hàng 212 chiếc K9 vào năm ngoái và Seoul đã giao 48 chiếc trong số đó với tốc độ "không ai khác có thể đạt được".
"Chúng tôi có khả năng cung cấp sản phẩm trong khung thời gian ngắn nhất có thể", ông Lee nói.
Mỹ, phương Tây chạy đua sản xuất đạn pháo với Nga
Bước chân vào ngành công nghiệp vũ khí
Theo The Wall Street Journal, xung đột Ukraine đã biến ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc, nơi từng sản xuất vũ khí chủ yếu để phòng thủ, trở thành nước xuất khẩu khí tài quân sự phát triển nhanh nhất thế giới, với doanh số tăng hơn gấp đôi vào năm 2022.
Nghiên cứu trong ngành cho thấy Hàn Quốc từ lâu đã ấp ủ tham vọng gia nhập hàng ngũ các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, và hướng tới mục tiêu trở thành nước lớn thứ 4, sau Mỹ, Nga và Pháp. Theo AFP, giờ đây, Seoul đã có thể thực hiện được điều này.
Seoul đã bán đạn pháo cho Washington, song với thỏa thuận "người dùng cuối cùng", tức là chỉ quân đội Mỹ được sử dụng loại đạn này.
Các chuyên gia nhận định thương vụ này sẽ giúp Mỹ lấp đầy kho đạn pháo, và có thể tự do dùng đạn của chính mình để viện trợ Ukraine.
Ông Choi Dong-bin, Phó chủ tịch cấp cao của Hanwha Aerospace, cho biết ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc có một lợi thế quan trọng so với các ngành khác trên toàn cầu: luôn "sẵn sàng cho chiến tranh".
Việc Chiến tranh Triều Tiên chỉ kết thúc bằng một thoả thuận ngừng chiến chứ không phải hiệp định hoà bình, cũng như việc Triều Tiên liên tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân đã luôn đặt Hàn Quốc trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Điều này mang lại cho Seoul lợi thế toàn cầu về sản xuất vũ khí vì họ có khả năng sản xuất hàng loạt một cách nhanh chóng và dễ dàng bất cứ khi nào nhận được đơn đặt hàng, ông Choi nhận định.
Vũ khí của Seoul cũng đã được thử nghiệm kỹ lưỡng, và đang được triển khai tại một trong những vùng biên giới được bố phòng cẩn mật nhất thế giới, theo lời ông Choi.
Quan chức Ukraine: Tiếp tục cung cấp vũ khí chính là 'công thức hòa bình'
Yếu tố thay đổi cục diện?
Mặc dù Hàn Quốc từ chối cung cấp vũ khí cho quốc gia đang có xung đột, AFP dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng điều này có thể thay đổi nếu Nga mua vũ khí từ Triều Tiên.
Theo giáo sư Choi Gi-il chuyên nghiên cứu về quân sự tại Đại học Sangji (Hàn Quốc), nếu viễn cảnh trên xảy ra, nó có thể thay đổi tiến trình cuộc xung đột và buộc Seoul phải ra tay. "Nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ có xác suất cao hơn 50-50 rằng vũ khí do Hàn Quốc sản xuất xuất khẩu sang Ba Lan sẽ được triển khai để giúp Ukraine đối phó Nga".
Chuyên gia này nói thêm rằng việc xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc, đặc biệt là pháo K9, sẽ "có giá trị lớn đối với Kyiv" bởi Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí lỗi thời từ thời Liên Xô. Ông nhận định: "Có nhiều lựu pháo hơn trong chiến tranh luôn là điều tốt hơn và cả Nga và Ukraine đều không có đủ chúng".
Bình luận (0)