Lỗ hổng an ninh hàng không

17/12/2018 08:46 GMT+7

Hàng loạt vụ việc vi phạm an ninh hàng không xảy ra gần đây đã bộc lộ những yếu kém về nghiệp vụ của lực lượng an ninh hàng không Việt Nam.

Liên tiếp xảy ra sự cố

Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) giai đoạn 2007 - 2010 cho thấy, cứ 1.600 chuyến bay trên toàn cầu mới có 1 chuyến bay có hành vi gây rối. Nhưng từ năm 2011 tới nay, cứ 1.200 chuyến bay lại có 1 hành vi gây rối xảy ra.
[VIDEO] Nữ nhân viên bị hành hung ở sân bay Thọ Xuân

Đặc biệt, tại VN, năm 2018 có tới 13 vụ hành khách hoặc người qua đường đánh nhân viên hàng không làm nhiệm vụ, hoặc đánh lẫn nhau trong khu vực hàng không, tăng thêm 3 vụ so với năm 2017. Đó là chưa kể khoảng 5 - 6 vụ hành khách hoặc người qua đường gây rối, cãi lộn, lăng mạ nhân viên làm nhiệm vụ, dẫn tới đánh nhau.
Một hãng hàng không cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, riêng hãng này đã xảy ra 5 vụ việc nhân viên bị hành khách quấy rối, hành hung vì những lý do rất nhỏ.
Có những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như nữ nhân viên bị khách ném điện thoại vào mặt khiến người này bị rách mí mắt trái.
Hành hung nhân viên Vietjet tại Tân Sơn Nhất tháng 1.2018 ẢNH CẮT TỪ CLIP
Các đối tượng ngang nhiên hành hung nhiều nhân viên tại Cảng hàng không Thọ Xuân ẢNH CẮT TỪ CLIP
Đại diện hãng thừa nhận thực chất việc nhân viên bị gây rối không phải bây giờ mới diễn ra nhưng mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bản thân vị này đã chứng kiến một nữ nhân viên 4 lần (trong 2 năm) bị hành khách cầm bảng thông tin tại quầy làm thủ tục đánh trực tiếp vào mặt.
Hành hung nhân viên Vietjet tại Tân Sơn Nhất tháng 1.2018 ẢNH CẮT TỪ CLIP
Trước đó, vụ việc diễn ra tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) ngày 23.11 cũng khiến không ít người bức xúc. Chỉ vì từ chối chụp hình với khách do đang trong giờ làm việc, một nữ nhân viên của hãng hàng không đã bị ba đối tượng côn đồ chửi bới thô tục, xông vào dùng điện thoại đập vào đầu và tát vào mặt.
Đại diện hãng, nhân viên kiểm soát an ninh vào can ngăn cũng bị hành hung, quật ngã.
Khách Trung Quốc gây rối ở Sân bay Cam Ranh
Khách Trung Quốc gây rối ở Sân bay Cam Ranh
Không chỉ tại các sân bay ở tỉnh, ngày 25.11, ngay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hành khách H.T.L đi chuyến bay VJ316 đến trễ so với giờ ra máy bay quy định trên vé cũng đã nổi nóng gây rối, văng tục, định hành hung nhân viên hàng không. Mới đây nhất, ngày 5.12, trên một chuyến bay từ TP.HCM - Vinh, do thời tiết xấu, chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), một số hành khách đã phản đối bằng cách gây rối trên máy bay và cố xông vào hành hung tiếp viên.

Tăng trưởng “nóng” hay nghiệp vụ yếu?

Năm 2018, hàng không tăng trưởng gần 13%, ước đạt trên 104 triệu hành khách, nên theo đại diện Cục Hàng không VN, việc gia tăng các vụ việc gây rối là tất yếu. Tăng trưởng “nóng”, sự cố là điều khó tránh, nhưng vấn đề chính là phản ứng yếu kém của lực lượng an ninh hàng không trong cách giải quyết sự việc.
Nhìn chung cho đến nay, lực lượng an ninh hàng không VN đã đảm bảo rất tốt nhiệm vụ chính yếu là kiểm soát an ninh hàng không, chống các hành vi trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn bay. Nhưng rõ ràng, các vụ việc vừa xảy ra đã cho thấy có lỗ hổng đối với lực lượng nhân viên kiểm soát. Chúng tôi đang bình giảng, rút kinh nghiệm, quán triệt lại đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và kỹ năng xử lý trong những tình huống xảy ra gây rối cho tất cả lực lượng an ninh.
Ông Lại Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT ACV)
Điển hình như vụ “lùm xùm” xảy ra tại Cảng hàng không Thọ Xuân, 3 người đàn ông với “vũ khí” duy nhất là chiếc điện thoại đã ngang nhiên tát, đá nữ nhân viên, tấn công nhân viên kiểm soát giữa vòng vây của gần chục nhân viên an ninh hàng không. Vụ việc diễn ra trong hơn 2 phút, tại khu vực ga đi, thời điểm có rất nhiều hành khách và lực lượng kiểm soát an ninh, nhưng lực lượng này hầu như chỉ đứng nhìn và không có biện pháp can ngăn quyết liệt.
Trong khi đó, sân bay là nơi cực kỳ nhạy cảm. Vấn đề an ninh luôn được đặt lên hàng đầu. Thực tế, cả trong và ngoài sân bay, bất cứ lúc nào cũng thấy bóng dáng các nhân viên an ninh kiểm soát. Thế nhưng, sự việc một nhân viên bị hành hung công khai tới 4 lần hay để các đối tượng gây rối loạn trong khoảng thời gian dài như tại sân bay Thọ Xuân đang đặt ra các nghi ngại về an ninh cũng như nghiệp vụ của nhân viên an ninh trong sân bay.
Trả lời Thanh Niên, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không VN (ACV), thừa nhận “việc xử lý, phản ứng của lực lượng an ninh trong các vụ gây rối tại sân bay xảy ra vừa qua chưa chuyên nghiệp”.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết, lực lượng an ninh hàng không gồm 3 bộ phận: nhân viên kiểm soát có trách nhiệm giám sát, bảo vệ, tuần tra, canh gác các vị trí khu vực công cộng sân bay; nhân viên an ninh cơ động chuyên đối phó với các tình huống bạo động, bạo lực, được trang bị công cụ hỗ trợ vũ khí; nhân viên an ninh soi chiếu có vai trò dùng kỹ năng kỹ thuật phát hiện đồ vật nguy hiểm, nhiệm vụ được giới hạn ở khu vực soi chiếu. Cũng do sự phân chia quá rõ ràng nhưng chưa được quán triệt đầy đủ chức năng, nhiệm vụ nên khi một vụ việc xảy ra, một số nhân viên còn bị động, thiếu chuyên nghiệp.
Đơn cử như vụ việc tại sân bay Thọ Xuân, thay vì phải nhanh chóng, kịp thời trấn áp đối tượng thì lực lượng an ninh giám sát có vẻ lúng túng, phải chờ đến khi an ninh cơ động tới mới xử lý được. Cũng theo vị này, việc lực lượng an ninh thuộc sự quản lý của từng cảng, không quy về một mối cũng là nguyên nhân khiến chất lượng nhân viên không đồng bộ.

Gấp rút thành lập công ty an ninh hàng không

Phần lớn bộ phận an ninh hàng không của các quốc gia trên thế giới đều thuộc lực lượng cảnh sát. Tại Mỹ, an ninh hàng không trực thuộc Bộ An ninh nội địa. Số quốc gia giao lực lượng này cho đơn vị khai thác cảng (như mô hình hiện nay của VN) là không nhiều. Để tổ chức lại lực lượng an ninh hàng không, từ cuối năm 2017, Bộ GTVT đã thông qua đề án thành lập công ty an ninh hàng không trực thuộc ACV, lâu dài sẽ đưa lực lượng này về dưới sự quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu công ty phải đi vào hoạt động trong quý 1/2018, nhưng cho đến nay, lộ trình cụ thể vẫn chưa rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chậm triển khai thành lập công ty là do nguồn thu từ giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, dịch vụ soi chiếu mỗi năm có thể lên tới vài ngàn tỉ đồng, ACV từng là doanh nghiệp nhà nước và nay đã được cổ phần hóa, không dễ gì muốn buông “miếng bánh” này.
Tuy nhiên, ông Lại Xuân Thanh khẳng định dù có thể đem lại 6 - 8% tổng doanh thu cho ACV mỗi năm, nhưng số tiền này chỉ đủ để duy trì hoạt động của lực lượng an ninh hàng không. Các hoạt động đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát an ninh, tổng công ty phải sử dụng quỹ tích lũy nên nếu nói đây là “miếng bánh béo bở” thì không chính xác.
Ông Thanh cũng nhận định việc thành lập công ty chuyên nghiệp là một trong những giải pháp tốt nhất để xây dựng lực lượng an ninh hàng không chuyên nghiệp - độc lập - thống nhất. Do đó ACV đang gấp rút triển khai, hoàn tất các thủ tục về thành lập doanh nghiệp.
“Đây là cuộc chuyển giao lớn, đưa toàn bộ lực lượng an ninh trực thuộc các cảng thống nhất về công ty nên có thể gây xáo trộn về mặt tổ chức, ảnh hưởng đến kế hoạch chung về chuyên môn trong việc phục vụ hành khách dịp cao điểm tết. Do đó, tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT, đề xuất lùi thời gian hoàn tất thành lập công ty đến quý 1/2019”, vị này thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.