Thời gian qua, hàng loạt công ty “ma” ở TP.HCM dễ dàng lọt lưới khâu kiểm soát đầu vào, trong khi đó cơ quan hậu kiểm không đủ nguồn lực kiểm tra nên nhiều doanh nghiệp bất chính còn đất sống, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Nhiều chiêu trò
Đại diện UBND Q.Bình Tân cho biết năm 2019, quận thanh tra, kiểm tra 757 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, qua đó phát hiện 77 DN vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,4 tỉ đồng. Ngoài ra, có 88 DN di dời nơi khác, giải thể, ngưng hoạt động và có DN không tìm được địa chỉ. Tháng 2.2020, UBND Q.Bình Tân báo cáo về tình hình quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập trên địa bàn năm 2019 cho Sở KH-ĐT TP.HCM để xem xét. Dự kiến năm 2020, quận sẽ thanh tra, kiểm tra 819 DN.
Với báo cáo năm 2019 của UBND Q.Bình Tân, PV Thanh Niên xác minh thực tế và xác định 3 DN không hoạt động tại trụ sở, không treo bảng hiệu tại địa chỉ đăng ký bao gồm: Công ty CP tư vấn đầu tư bất động sản B.L, Công ty TNHH mua bán nợ và tài sản H.T và Công ty CP dịch vụ mua bán nợ V.N. Ngày 15.7, tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN bằng mã số DN, chúng tôi nhận được kết quả cả 3 DN vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, khi xuống xác minh thực tế tại địa chỉ trụ sở chính thì chỉ là căn nhà bình thường hoặc là tiệm cắt tóc, làm đẹp.
|
Về thực trạng này, một cán bộ UBND Q.Bình Tân nhìn nhận, hiện chưa có quy định chế tài đối với DN cố tình né tránh, không tiếp đoàn kiểm tra, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan công tác kiểm tra. Đáng chú ý, có tình trạng nhờ người khác đứng tên DN hoặc thành lập nhiều DN cùng một địa chỉ trụ sở để vi phạm pháp luật, sau đó thay tên đổi chủ hoặc thành lập DN khác tại nơi vi phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm, tránh không bị xử lý nặng hơn. Mặt khác, hiện không có hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nên gây khó khăn trong việc xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm.
Theo một lãnh đạo UBND Q.10, mỗi năm Q.10 kiểm tra sau đăng ký kinh doanh khoảng 300 DN ngoài ra còn khoảng 6 - 7 đoàn chuyên ngành về thuế, quản lý thị trường... Khi kiểm tra ngẫu nhiên, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều công ty đặt bảng hiệu mà không hoạt động, có trường hợp một căn nhà nhưng có đến 8 bảng hiệu kinh doanh khác nhau. Nếu phát hiện DN kinh doanh sai địa điểm, đoàn liên ngành lập biên bản vi phạm hành chính không thực hiện đúng nội dung đăng ký kinh doanh trong giấy phép. Nếu DN không hợp tác, quận báo cáo về Sở KH-ĐT để xử lý.
|
Công tác kiểm tra không thể bao phủ hết ?
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết theo luật DN, trong thủ tục thành lập DN không có yêu cầu về hồ sơ chứng minh địa chỉ nhà ở mà các nội dung này sẽ được kiểm tra sau khi đi vào hoạt động. Công tác cấp phép chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm tạo điều kiện cho DN sớm đi vào hoạt động.
Về công tác hậu kiểm, bà Mai cho rằng, luật DN giao về cho các đơn vị quản lý chuyên ngành và UBND các địa phương và sở ngành quản lý ngành nghề đăng ký kinh doanh của DN. Tại TP.HCM, UBND TP ban hành Quyết định 33/2016 kèm theo quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước sau đăng ký thành lập. Theo đó, các sở ngành và UBND 24 quận, huyện hằng năm lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách và thực hiện, đảm bảo DN không bị kiểm tra quá 1 lần trong năm. Ngoài ra, các cơ quan này cũng có thể kiểm tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Chưa cập nhật đầy đủ số nhàTheo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó chủ tịch UBND Q.10, công tác số hóa sơ đồ số nhà được quận thực hiện cách đây nhiều năm, đến nay đã hoàn thành và đưa lên trang điện tử của quận để người dân và tổ chức tra cứu, tham khảo thông tin quy hoạch. Người tra cứu chỉ cần nhập thông tin về số tờ, số thửa thì sẽ tra cứu được các thông tin chi tiết. Tuy nhiên, không phải quận, huyện nào cũng đã hoàn thành công tác số hóa địa chỉ nhà ở trên hệ thống để các cơ quan chức năng tra cứu, xác minh khi cần thiết.
|
Chủ tịch UBND Q.10 Vũ Anh Khoa nhận định thủ tục thông thoáng giúp DN sớm hoạt động là điều cần khuyến khích nhưng đồng thời cũng cần có thêm các biện pháp xử lý những trường hợp có biểu hiện bất minh. Nếu một cá nhân đứng tên hàng chục công ty thì cũng cần xem xét động cơ thành lập DN là gì bởi thực tế có một số DN thành lập nhưng không hoạt động mà chỉ buôn bán hóa đơn. “Pháp luật tạo điều kiện để mọi người dân đăng ký kinh doanh, nhưng cũng cần có biện pháp hạn chế rủi ro, chế tài mạnh mẽ hơn như rút giấy phép đăng ký kinh doanh đối với DN vi phạm”, ông Khoa đề nghị.
Về công tác số hóa dữ liệu, theo lãnh đạo Sở KH-ĐT TP, sau khi cấp phép, Sở cung cấp thông tin đã đăng ký gửi đến cơ quan thuế, ngân hàng, BHXH để các cơ quan này quản lý hoạt động DN. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện DN không hoạt động tại địa chỉ trụ sở đăng ký, các cơ quan quản lý địa phương báo về Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT. Sau đó, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị DN báo cáo tình hình hoạt động, tùy vào từng trường hợp cụ thể có thể đề nghị DN thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN.
Về vấn đề này, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho hay, hiện những căn nhà đã đăng ký quyền sở hữu nhà ở, đất ở tại TP.HCM thì các cơ quan chức năng có thể tìm kiếm trên kho dữ liệu dùng chung, xác định được các thông tin liên quan đến thuộc tính nhà ở và đất ở, bao gồm địa chỉ nhà. Đối với tên chủ hộ, có một số trường hợp có thể không đúng do sự biến động trong quá trình giao dịch mua bán, sang nhượng, cho tặng, thừa kế chưa được cập nhật. Đối với khu đất chưa đăng ký quyền sử dụng đất thì không thể tìm kiếm được địa chỉ nhà do cơ sở dữ liệu dùng chung mới cập nhật từ Sở TN-MT và 24 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện.
Trong khi đó, số nhà do UBND 24 quận, huyện cấp hiện TP chưa cập nhật đầy đủ trên kho dữ liệu dùng chung. “Sở TT-TT đang phối hợp với UBND 24 quận, huyện và Sở TN-MT để tích hợp cơ sở dữ liệu về số nhà trên một hệ thống để cơ quan chức năng tìm kiếm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”, bà Trinh thông tin.
Bình luận (0)