Mới nhất là thịt nhập khẩu từ Brazil. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15.3.2017, cả nước đã nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn có xuất xứ từ Brazil, với trị giá hơn 4 triệu USD. Năm 2016 cả nước cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 4,7% về trị giá so với năm 2015. Thế nhưng khi nước này xảy ra vụ bê bối thịt bẩn khiến nhiều nước trên thế giới trong đó có VN cấm nhập, người ta mới hốt hoảng truy lùng xem thịt nhập từ Brazil bán ở đâu thì “tắc”. Các kênh phân phối quen thuộc như siêu thị, chợ, các cửa hàng... đều không bán. Nguồn duy nhất là trên internet nhưng cũng không nhiều và câu trả lời duy nhất lúc này là các khách sạn, nhà hàng hay quán cơm một cách chung chung. Thêm một nghi án là số lượng thịt nhập khẩu giá rẻ này được sử dụng làm thực phẩm chế biến. Nói như một chuyên gia nông nghiệp “chế rồi biến mất” nên rất khó để tìm.
Tương tự, cách đây 2 ngày, Bộ Y tế Malaysia đã thu hồi 8 loại mỹ phẩm sản xuất nội địa chứa các hóa chất độc hại bị cấm và khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng. Trong một công bố mới đây từ Trade Map của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và Ngân hàng Thế giới (WB), giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường VN đã tăng lên hơn 1,1 tỉ USD năm 2016. Con số này được dự báo tiếp tục tăng gấp đôi, lên khoảng 2,2 tỉ USD vào năm 2020. Trong 11 thị trường mà VN nhập khẩu mỹ phẩm, Malaysia đứng thứ 8 với tỷ lệ 4%. Thế nhưng lúc này, rất khó tìm thấy mỹ phẩm các loại từ nước này ở thị trường VN.
Nhiều năm nay, tình trạng hàng ngàn container vô chủ chất đống ngoài cảng, lưu cữu hàng chục năm trời khiến không ít nơi phải kêu cứu. Trong số đó có rất nhiều hàng cấm nhập như phế liệu nhôm đồng, sắt vụn; lốp ô tô đã qua sử dụng... Vấn đề là rất nhiều container có tên người nhận, địa chỉ đàng hoàng nhưng khi bị phát hiện là hàng cấm nhập, chủ nhân từ chối, nói không biết, không liên quan.
Thế là nhà nước phải chịu. Bởi những mặt hàng này nếu để tồn đọng lâu tại cảng sẽ gây tác hại xấu đến môi trường và là hàng cấm nhập nên bắt buộc phải tiêu hủy. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tốn kém rất nhiều tiền ngân sách. Theo tính toán, chỉ nói riêng với lốp ô tô đã qua sử dụng, chi phí tiêu hủy khoảng 2,5 triệu đồng/tấn. Đó là chưa kể chi phí trả cho đơn vị bốc xếp hàng hóa từ vị trí xuống máy soi chiếu, chi phí mở niêm phong, kiểm kê, phân loại hàng hóa; tiền thuê tổ chức giám định, thẩm định giá trị hàng, thuê đơn vị thực hiện tiêu hủy đối với hàng độc hại, hết giá trị; trả phí lưu kho, lưu bãi cho đơn vị kinh doanh cảng... Số tiền thu lại từ việc bán hàng trong các container tồn đọng (nếu còn bán được) khó bù lại số đã chi.
Thực ra mà nói, với xu thế hội nhập hiện nay, rất khó để ngăn cản mặt hàng này, sản phẩm kia vào VN qua đường này, đường khác. Đặc biệt, trong xu thế bùng nổ mua bán hàng qua mạng, việc kiểm tra, giám sát cả về xuất xứ, chất lượng dịch vụ, hàng hóa càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng lỗ hổng trong kiểm soát đầu vào - đầu ra với hàng hóa nhập khẩu là không thể phủ nhận. Và dù là hàng biến mất hay chủ hàng biến mất thì hậu quả của nó như nói trên, đều rất nguy hiểm.
Vấn đề là chúng ta phải nhanh chóng bít lỗ hổng để hạn chế tối đa tình trạng hàng nhập vào nội địa rồi không biết đi đâu, về đâu.
Bình luận (0)