Lỗ hổng thuế từ hộ kinh doanh

Mai Phương
Mai Phương
16/08/2024 04:15 GMT+7

Nộp thuế khoán thấp, đơn giản nên rất ít hộ kinh doanh đăng ký chuyển sang doanh nghiệp, dù nhà nước đã khuyến khích, kêu gọi nhiều năm qua.

Hộ kinh doanh không chịu "lớn"

Gần 15 năm qua, cơ sở may mặc của gia đình chị Lê Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM) hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh (HKD). Cứ 3 tháng một lần, chị sẽ lên chi cục thuế tại địa phương để nộp thuế khoán. Khi mới bắt đầu đăng ký HKD, số thuế khoán chị phải đóng gần 500.000 đồng/tháng, và nay lên hơn 700.000 đồng/tháng. Hàng hóa của chị được bỏ sỉ cho các chủ hàng ở những chợ đầu mối lớn trong thành phố và từ đó bán lẻ ra, nên khách cũng không cần lấy hóa đơn. Do vậy, khi được vận động chuyển lên thành doanh nghiệp (DN), chị lắc đầu vì chưa cần thiết.

Lỗ hổng thuế từ hộ kinh doanh- Ảnh 1.

Nhiều cơ sở kinh doanh chỉ đóng thuế khoán khá thấp, cần có chính sách ưu đãi cụ thể về thuế để họ chuyển lên doanh nghiệp

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Mới chỉ nghe nói đăng ký thành lập DN thì sau đó phải báo cáo, thuê người biết nghiệp vụ kế toán để làm việc với cơ quan thuế, phải đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, mua bảo hiểm y tế… cho người phụ việc, quá phức tạp. Trong khi hiện nay, cứ hằng tháng mình đóng thuế hơn 700.000 đồng là xong. Toàn là vợ chồng, con cái ở nhà làm nên việc mua bán chỉ ghi giấy tay, chẳng có rõ ràng, chi tiết gì đâu. Không cần báo cáo, nộp sổ sách gì hết, đơn giản và mỗi năm cũng có tăng lên nhưng không nhiều. Vậy sao phải lên DN làm gì? Nhà chưa có nhu cầu mở rộng hay khách hàng đòi hỏi phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhiều. Mình đi ra ngoài thấy nhiều cơ sở sản xuất, cửa hàng rất lớn mà vẫn đăng ký là HKD thôi", chị Lê Hoa chia sẻ.

Thực tế, ở TP.HCM có rất nhiều quán ăn, cửa hàng kinh doanh hay các khách sạn tư nhân cũng đăng ký là HKD và đều tự kê khai doanh thu khi đăng ký với cơ quan thuế và đóng thuế khoán. Vì thế, hầu hết cơ sở sẽ khai thấp doanh thu để mức thuế đóng thấp nhất. Chị Ngọc An (Q.7, TP.HCM) cho biết khi cùng gia đình đi ăn ở các hàng quán và nhiều nơi vẫn không nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, chỉ nhận tiền mặt. Thậm chí, có quán ăn rất đông khách mà hầu như khi nào chị đến quán này, họ cũng bảo máy POS hư. "Như vậy mình biết họ không muốn khách thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nếu khách muốn chuyển khoản thì họ sẽ đưa tài khoản cá nhân. Điều này có nghĩa là chỗ này không phải DN mà chỉ đăng ký HKD", chị An chia sẻ.

Còn nhớ năm 2021, câu chuyện một tiệm vàng ở Cà Mau có ngày bán ra cả ngàn lượng vàng, doanh thu một năm gần chục ngàn tỉ đồng nhưng chỉ đóng thuế khoán gần 6 triệu đồng/tháng được nêu ra cho thấy lỗ hổng gây thất thoát ở "cổng" thuế khoán là khổng lồ. Tình trạng nhiều HKD có doanh thu mỗi năm hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng như trường hợp tiệm vàng nói trên, nhưng chỉ đóng thuế khoán vài triệu đồng, là phổ biến ở các TP lớn trên cả nước.

Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu HKD, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu HKD nhỏ lẻ. Các HKD không muốn chuyển thành DN vì đang được thực hiện theo cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn, không phải thực hiện chế độ kế toán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động

Chính sách ưu đãi thiết thực

Để góp phần khuyến khích HKD chuyển đổi lên DN và tạo điều kiện cho các DN này tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường tính công khai, minh bạch và lành mạnh nền kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng có thể xem xét miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ HKD. Mức này tương đương mức miễn thuế đối với dự án đầu tư mới thuộc một số ngành, nghề ưu đãi hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc chuyển đổi HKD lên DN đã được thúc đẩy nhiều năm qua nhưng kết quả không nhiều. Có những lý do mà Bộ Tài chính đã đúc kết là HKD thấy chuyển lên DN thì rắc rối, phức tạp hơn khi hoạt động theo mô hình HKD. Đó là chưa kể khi lên DN, họ còn lo ngại về vấn đề thanh, kiểm tra thuế hay nhiều trách nhiệm khác. Vì vậy phải cần rất nhiều chính sách đồng bộ. Ngoài đề xuất giảm thuế TNDN cho HKD trong 2 năm đầu chuyển thành DN thì sớm đưa đề xuất áp dụng thuế suất thuế TNDN cho các DN siêu nhỏ như đề xuất của Bộ Tài chính áp dụng ở mức 15% vào thực hiện. 

Hay có các chính sách như ưu đãi về vay vốn; chương trình hỗ trợ về phần mềm hạch toán, kế toán cho các HKD và ngành thuế phải có hướng dẫn chi tiết về thủ tục, lập báo cáo... PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: Quan trọng vẫn là chính sách hỗ trợ về thuế, thủ tục đối với DN nhỏ, siêu nhỏ đối với HKD khi chuyển đổi. Vì có thể nhiều HKD còn thiếu thông tin đầy đủ nên họ lo sợ thủ tục phức tạp, tốn nhiều chi phí hay phải đóng thuế nhiều hơn sau đó, dù thực tế có khi thời gian đầu họ nộp ít hơn hoặc thậm chí không nộp (nếu DN báo cáo lỗ, không có lãi…).

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Hội DN TP.HCM), đồng tình và cho rằng để HKD thực hiện chuyển lên DN như chính sách đề ra, cần có chính sách khuyến khích cụ thể, thiết thực. Nếu như Bộ Tài chính đã đề xuất miễn thuế TNDN 2 năm đầu tiên khi HKD chuyển lên thành DN thì cần xem xét áp dụng thêm mức thuế TNDN thấp hơn sau đó. Ví dụ, có thể cho DN chuyển đổi từ HKD sau 2 năm đầu được miễn thuế sẽ có thêm 3 năm áp dụng hình thức đóng thuế trực tiếp của HKD theo từng nhóm ngành nghề (gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) là 1,5% (đối với hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa) hay 4,5% (dịch vụ ăn uống, vận tải)… 

Tổng thời gian miễn và giảm thuế 5 năm sẽ giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ "đứng vững" trên thị trường. Các HKD sẽ xem xét và khi thấy có lợi hơn sẽ mạnh dạn "lên đời" thành DN. Ở đây, ngân sách nhà nước sẽ không mất nhiều mà thay vào đó phần thu lại là từ thuế giá trị gia tăng và nhiều khoản phí khác. Quan trọng nhất là nhìn về dài hạn, lực lượng DN sẽ lớn mạnh, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời cần sớm giảm thuế suất thuế TNDN đối với DN nhỏ và vừa xuống 15 - 17% như đã đề cập trong luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Song song đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng nhấn mạnh phải siết chặt lại hoạt động thuế khoán cũng như giám sát việc thực hiện các chính sách quản lý thuế. Chẳng hạn, quy định các cơ sở, cửa hàng kinh doanh phải có máy tính tiền kết nối với máy tính của cơ quan thuế để kiểm tra, kiểm soát và phải kiểm tra xem có thực hiện hay không. Việc kiểm soát doanh thu của HKD sẽ chống thất thu thuế, và từ đó cũng có thể các cơ sở kinh doanh sẽ tính toán chuyển dần lên thành DN.

Ngày 21.4.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 58 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 1,5 triệu DN, đóng góp 65 - 70% GDP cả nước. Trong đó, 8.000 -10.000 HKD chuyển đổi thành DN; 100% cơ sở kinh doanh bao gồm DN, hợp tác xã, HKD được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.